09:19 08/09/2016

Cần quản lý các tổ chức chính trị xã hội

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/9, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật về hội.

Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật; việc áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam; chính sách đối với hội; về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội...

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật, theo dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) thì Luật này không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam”.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật về Hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Nhiều đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp. Bởi vì, đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị ở nước ta, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ chuyên trách. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của các tổ chức này trong hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị - xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật công đoàn, Pháp lệnh cựu chiến binh.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến đề nghị, Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội, trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi vì, mặc dù các tổ chức này có những đặc thù riêng và có cơ cấu tổ chức tương tự các cơ quan nhà nước, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, nhưng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì đó là các tổ chức xã hội tự nguyện của nhân dân, không phải cơ quan nhà nước. Việc Luật điều chỉnh đối với các tổ chức này nhằm thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt, định hướng của các tổ chức chính trị - xã hội trong đời sống xã hội; bảo đảm sự công bằng, tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các hội.

Đồng tình với quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và pháp luật cho rằng, các tổ chức do Đảng, Nhà nước thành lập (như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp) đang hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả và rất hình thức. Dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) về tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng, TS Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh, các tổ chức này sử dụng ngân sách Nhà nước không minh bạch và khó kiểm soát. Vì thế, dự thảo Luật cần điều chỉnh cả các hội này. “Tuy có Luật Mặt trận tổ quốc, Luật Công đoàn nhưng nên có quy định rõ nguyên tắc sử dụng ngân sách Nhà nước cũng như trách nhiệm giải trình hoạt động, nguyên tắc chung của các tổ chức này để làm căn cứ giải quyết vấn đề minh bạch hóa của các tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp”, TS Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.


Thu Phương