10:14 02/10/2014

Cần noi theo tấm gương của Bác Hồ (tiếp theo và hết)

Từ những tấm gương nói trên của Bác, đối chiếu với việc làm của nhiều cán bộ, Đảng viên của chúng ta ngày nay, tôi thấy có những việc cần được hiểu rõ:

Đối chiếu với ngày nay


Từ những tấm gương nói trên của Bác, đối chiếu với việc làm của nhiều cán bộ, Đảng viên của chúng ta ngày nay, tôi thấy có những việc cần được hiểu rõ:

 

Học Bác mỗi ngày đã trở thành phong trào sâu rộng của mỗi công dân nước Việt. Ảnh: Vũ Bắc - TTXVN


Hiện nay chúng ta còn giữ được quy chế các món quà của quân hoặc nhân dân các nơi tặng hoặc biếu cho cán bộ cao cấp đều phải đưa vào kho lưu giữ và bảo quản của nhà nước không?


Trên vô tuyến truyền hình thường thấy nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước xuống thăm hoặc làm việc ở các địa phương sau đó tặng quà cho địa phương hoặc cá nhân, gia đình... Vậy thì quà này là của đồng chí A hay đồng chí B bỏ tiền ra mua tặng hay lấy tiền của công quỹ để mua? Nếu là tiền của công quỹ phải ghi rõ tiền của quỹ Đảng, quỹ nhà nước, quỹ Chính phủ, quỹ Quốc hội hay quỹ của Mặt trận… tặng. Đồng chí A hay đồng chí B chỉ làm nhiệm vụ trao món quà đó nhân dịp đến thăm địa phương.


Gần đây lại xuất hiện một điều nữa khiến dân càng thắc mắc mỗi khi xem TV. Đó là việc có một số lãnh đạo của một số tỉnh, thành phố, dẫn đầu cả một đoàn cán bộ của địa phương mình đi thăm một số địa phương khác, cơ quan, đơn vị quân đội hoặc công an ở một nơi nào đó. Việc thăm hỏi nhau, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với nhau là một điều tốt, không ai thắc mắc gì. Nhưng điều mà người ta thắc mắc là ông hay bà đứng đầu một thành phố này lại “hào hiệp” đem tặng (biếu) địa phương đến thăm những khoản tiền lớn hàng tỷ đồng.

 

Vậy tiền này của cá nhân các ông, bà đó hay là tiền đóng góp của nhân dân các tỉnh, thành mà các vị đó đứng đầu? Mỗi lần trích tiền đưa đi biếu tặng như vậy có xin ý kiến người dân và người đóng thuế ở địa phương mình không? Hay chỉ do lãnh đạo, thậm chí người cao cấp nhất ở thành phố hay tỉnh đó quyết định? Nếu chưa xin phép dân mà tập thể lãnh đạo hoặc cá nhân tự quyết định cũng là sai và vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính đã quy định. Rồi ai kiểm tra nơi nhận? Liệu nơi nhận có làm đúng các thủ tục tài chính quy định không hay các khoản tiền đó bị sử dụng sai, bị lợi dụng, bị chia chác khiến cho nhiều cán bộ phạm kỷ luật?


Lại còn một tình trạng nữa cũng phải đề cập tới. Đó là việc đi nước ngoài với danh nghĩa là để làm việc, học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm. Nhưng nhiều đoàn đi về không thấy có báo cáo hoặc thông tin công khai chuyến đi đã có hiệu quả ra sao. Những đoàn đi có nghiên cứu kỹ những nơi mình đến không hay cứ nói đi là đi? Ai là tổng chỉ huy xét duyệt các đoàn đi nước ngoài? Nếu có tổng chỉ huy, có xét duyệt sao lại có nhiều đoàn đến cùng một nước? Thậm chí có nhiều nước đang gặp nhiều khó khăn, ví dụ như Lào hoặc Cuba xa xôi, ở tận nửa bên kia bán cầu cũng có nhiều đoàn đến? Chắc chắn các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã được nghe báo cáo rất rành rọt rằng nhiều nước người ta đã phàn nàn rằng các đoàn Việt Nam tới thăm họ hình như không có nhạc trưởng chỉ huy, đến trùng lặp nhau, nhiều đoàn cùng nghiên cứu và tìm hiểu một chủ đề, một nội dung, vừa gây lãng phí cho công quỹ của ta, vừa gây phiền hà và khó chịu cho bạn. Vậy sao ta không chấn chỉnh lại và sửa, sửa thật nhanh, thật dứt khoát? Nếu không làm được như vậy thì kỷ cương, kỷ luật, ý thức tổ chức và tinh thần trách nhiệm để đâu?


Đúng vào lúc cả nước đang kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ đi xa để gặp Các Mác, Lê-nin và các bậc cách mạng đàn anh khác, như Bác nói, và đúng vào lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang học tập và làm theo bản di chúc vô giá mà Bác Hồ đã để lại, với tấm lòng tôn kính, thương yêu và ý thức học tập và làm theo tấm gương của Bác, tôi viết bài này để đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc học tập và làm theo những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của Bác Hồ kính yêu.

 

Hồ Đức Minh