03:14 06/03/2014

Cần nỗ lực đối thoại cho khủng hoảng ở Ukraine

Biến động chính trị tại Ukraine, đặc biệt là ở bán đảo tự trị Crưm, đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong hơn một tuần qua. Những mâu thuẫn nội tại cùng với các tác động dồn dập đến từ bên ngoài đang đẩy đất nước Ukraine tới nguy cơ là một điểm nóng xung đột mới...

Biến động chính trị tại Ukraine, đặc biệt là ở bán đảo tự trị Crưm (Crimea), đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong hơn một tuần qua. Những mâu thuẫn nội tại cùng với các tác động dồn dập đến từ bên ngoài đang đẩy đất nước Ukraine tới nguy cơ là một điểm nóng xung đột mới trên bàn cờ chính trị thế giới.


Diễn biến dồn dập, nóng bỏng


Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau thời điểm Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ đã đi vào ngã rẽ mới, với điểm nóng xuất hiện tại nước cộng hòa tự trị Crưm, nơi có đa số người Nga đang sinh sống và hạm đội Biển Đen của Nga đóng căn cứ hàng trăm năm nay. Sáng 27/2, hàng chục tay súng mang theo vũ khí hạng nặng đã chiếm quyền kiểm soát các tòa nhà chính quyền, hai sân bay tại Crưm. Liền sau đó, Hội đồng Tối cao nước Cộng hòa tự trị Crưm đã thông qua quyết định giải tán Hội đồng Bộ trưởng, cách chức Chủ tịch Anatoly Mogilyov để bầu ông Sergei Aksyonov - lãnh đạo đảng Đoàn kết Nga, làm Chủ tịch mới.

 

Tuần hành ủng hộ người Nga ở Crưm và khu vực đông Ukraine.
Ảnh: AFP/TTXVN


Căng thẳng gia tăng khi Nga có những bước đi nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Ukraine. Ngày 1/3, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) đã chấp thuận đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine trong những trường hợp khẩn thiết để bảo vệ “sinh mạng và an ninh” của cộng đồng người Nga tại đây. Trên thực địa, truyền thông phương Tây đưa tin, một đoàn xe chở hàng trăm binh sĩ được cho là binh sĩ Nga hướng tới thủ phủ Simferopol của Crưm; hai chiến hạm chống tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga xuất hiện ngoài khơi bờ biển Crưm. Sức nóng tăng nhiệt với việc Tổng thống Putin hạ lệnh cho Quân khu miền Tây tập trận quy mô lớn sát biên giới Ukraine (27/2 - 3/4), với sự tham gia của 150.000 quân, 90 máy bay, 120 trực thăng, 80 tàu chiến và 880 xe tăng, cơ giới.


Mỹ và phương Tây lập tức lên tiếng chỉ trích Nga về các bước đi trên. Tổng thống Barack Obama cảnh báo mọi hành động can dự quân sự của Nga vào Ukraine “sẽ phải trả một giá đắt”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Nga có thể sẽ mất tư cách thành viên G-8 nếu đưa quân vào Crưm. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen yêu cầu Moskva “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, coi các bước can thiệp của Nga là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định của châu Âu.


Căng thẳng ngoại giao dường như lên đến đỉnh điểm khi Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) ra thông báo dừng mọi hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 mà Nga là một thành viên, dự kiến tổ chức ở Sochi (Nga) trong tháng 6 tới. Washington tuyên bố dừng mọi hoạt động hợp tác quân sự cũng như đàm phán thương mại và đầu tư với Moskva.


Về phần mình, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4/3, Tổng thống Putin khẳng định: Nga có quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ công dân Nga ở Ukraine, nhưng chưa hề đưa quân vào Crưm; Nga không định gây chiến tranh với nước láng giềng và quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng.


Cuộc chiến kinh tế?


Những diễn biến gần đây tại Crưm khiến không ít người nghĩ đến kịch bản đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng này là ít xảy ra, không phải do dư luận thế giới không bao giờ ủng hộ một cuộc xung đột quân sự giữa hai quốc gia, mà còn bởi đây là điều không bên liên can nào mong muốn.


Nga không muốn chiến tranh với nước láng giềng - đó là điều được giới lãnh đạo cấp cao Nga nhắc lại nhiều lần. Ẩn sau những quyết định gần đây của Moskva về Crưm dường như là một thông điệp: Bất kì một cơ cấu quyền lực mới nào ở Ukraine cũng không thể bỏ qua vai trò của Nga; Nga hoàn toàn hội đủ các ưu thế về kinh tế, chính trị, quân sự, địa chính trị để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ và EU trong vấn đề Ukraine.


Ẩn ý ấy dường như cũng đã được Kiev ghi nhận. Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yasenyuk ngày 3/3 bày tỏ: Nga và Ukraine đã đi qua đỉnh điểm của khủng hoảng. Ukraine đã sẵn sàng cho một quan hệ “mới về chất” giữa Kiev và Moskva, mà trong đó Ukraine sẽ là một phần của không gian châu Âu rộng lớn. Về phần mình, tại thời điểm căng thẳng leo thang, giới lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn khẳng định không có ý định gửi quân hay tàu chiến tới vùng biển của Ukraine. Các đại diện của Mỹ, EU, NATO đều đang có những nỗ lực liên tục nhằm kéo các bên ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng trên bán đảo Crưm.


Căng thẳng quân sự sẽ hạ nhiệt, nhưng một “cuộc chiến kinh tế” được dự đoán sẽ nổi lên. Nền kinh tế Ukraine hiện đang trên bờ vực sụp đổ, với một ngân khố gần như trống rỗng, cùng với khoản nợ nước ngoài lên đến hơn 78 tỉ USD. Khó khăn thêm chồng chất khi Tập đoàn khí quốc gia Gazprom (Nga) ngày 4/3 cho biết sẽ ngừng bán khí đốt cho Ukraine ở mức giá thấp hơn 30% so với giá thị trường theo thỏa thuận hồi tháng 12/2013; cùng với đó là khoản nợ 2 tỉ USD các hợp đồng chưa thanh toán.

Cùng lúc, trợ giúp tài chính của Mỹ và EU dành cho Ukraine hiện mới chỉ dừng ở mức hạn chế, với lời bảo đảm về khoản vay 1 tỉ USD của Mỹ và khoảng hơn 1 tỉ USD của EU. Chương trình cứu trợ trọn gói mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thảo luận với Ukraine sẽ mất nhiều thời gian, do việc giải ngân chỉ có thể thực hiện được khi có một chính quyền ổn định ở Kiev, tức là phải sau ngày 25/5. Đó còn chưa kể những điều kiện kèm theo sẽ vô cùng khắt khe, mà nếu nhìn lại các quốc gia phải nhận cứu trợ trước đây thì chưa chắc người dân Ukraine đã đồng ý.


Nhìn một cách toàn cục, tình thế của Ukraine hiện nay vẫn là đang bị kẹt trong mối quan hệ với châu Âu và Nga. Những diễn biến mới nhất cho thấy: Cả Nga và Mỹ (cùng EU) hiện chưa thể xác lập ưu thế nổi trội nào tại Ukraine. Khủng hoảng tại Ukraine hậu chính biến vì thế chỉ có thể được giải quyết thông qua biện pháp đối thoại, với sự nỗ lực và hợp tác của các bên liên quan. Bản thân Ukraine, ngoài những bất đồng nội bộ về chính trị cần giải quyết, quốc gia Đông Âu này còn phải tự lực về kinh tế để có thể xử lý những vấn đề hiện nay một cách độc lập và dân chủ.

 

Hoài Thanh (Tổng hợp)