08:09 18/08/2011

Cần nhiều biện pháp đi kèm điều chỉnh lương tối thiểu

Mức lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp theo phương án đề xuất mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ vẫn còn chênh lệch so với mức sống của người lao động.

Mức lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp theo phương án đề xuất mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ vẫn còn chênh lệch so với mức sống của người lao động. Vì thế, cần nhiều biện pháp đi kèm, như: Công đoàn vào cuộc mạnh mẽ hơn để “đỡ khó” cho người lao động, vận động chủ nhà trọ không tăng tiền nhà, ưu đãi tiền điện nước cho công nhân.

Đã điều chỉnh, vẫn chênh lệch

Phương án tăng lương tối thiểu sớm hơn 1 quý, áp dụng cho lao động khối các doanh nghiệp được lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết đã trình Chính phủ.

Đời sống của người lao động sẽ được cải thiện khi việc tăng lương tối thiểu đi cùng với các biện pháp điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN


Như vậy, thay vì việc điều chỉnh vào 1/12/2012, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu được thực hiện từ 1/10/2011 và sẽ không điều chỉnh thêm lần nào trong năm 2012. Đây được đánh giá là một động thái kịp thời và mức lương tối thiểu theo phương án đề xuất cũng đã có nhiều điểm chia sẻ khó khăn với người lao động. “Mức điều chỉnh này tương đối cao so với các lần điều chỉnh trước đây”, Tiến sĩ Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận xét. Bên cạnh đó, ông Điều cũng cho rằng việc đồng nhất mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước và khu vực DN nước ngoài là nét rất tiến bộ trong điều chỉnh lương tối thiểu lần này.

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng I. Tại vùng II, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Vùng III là 1,55 triệu đồng và vùng IV là 1,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo phương án điều chỉnh mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức lương tối thiểu vẫn còn khá chênh lệch so với thực tế mức sống tối thiểu của người lao động. Theo các điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức sống tối thiểu của người lao động vùng I tầm 3 triệu đồng/tháng (với giá bữa ăn 13.000 đồng/bữa) còn 2,6 triệu đồng/tháng ở khu vực IV (với giá mỗi bữa 10.000 đồng). Như vậy, mức lương tối thiểu đề xuất vẫn chỉ mới bằng 40% so với mức sống thực tế tối thiểu của người lao động hiện nay.

Căn cứ đưa ra các mức này, theo Bộ LĐ-TB&XH là chỉ số giá tiêu dùng CPI, tốc độ tăng trưởng GDP và tiền công lao động trên thị trường. Lý giải về mức trình Chính phủ, ông Phạm Minh Huân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trước khi trình, Bộ đã tính toán đến tác động tới cả DN lẫn người lao động. Với người lao động thì quan trọng nhất là mức lương ấy có bảo đảm được mức sống hay không. Còn đối với DN thì khả năng tăng chi phí đầu vào, mức độ tăng thế nào.

Trong quá trình Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã góp ý mức cao hơn. Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, với những DN sử dụng vài chục, vài trăm lao động thì việc điều chỉnh này không khó, nhưng với những DN sử dụng hàng ngàn, hàng chục ngàn lao động thì đây là cả một vấn đề. “Nếu mức điều chỉnh quá cao sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người lao động. Cơ hội tìm việc làm mới của họ cũng khó. DN sẽ phải sắp xếp lại các thang, bậc lương của họ, cân nhắc có tuyển thêm mới hay không”, ông Phạm Minh Huân phân tích.

Các biện pháp đi kèm

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng I. Tại vùng II, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Vùng III là 1,55 triệu đồng và vùng IV là 1,4 triệu đồng/tháng.

Không thể phủ nhận mức lương tối thiểu đề xuất điều chỉnh tăng lần này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Lao động- Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), đây chỉ là “mức sàn” để DN và người lao động thỏa thuận, làm sao không thấp hơn mức đó. “Còn người lao động muốn bao nhiêu là do năng lực của họ, chứ không phải quy định thế là DN chỉ trả ngần ấy”, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương nói. Năng lực này, theo bà Minh, gồm có năng suất lao động và khả năng đàm phán với chủ DN.

Trong bối cảnh mức lương tối thiểu chỉ bù đắp phần nào trượt giá, để hỗ trợ cho người lao động, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp bình ổn giá, kiểm soát giá. Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cùng với việc tăng lương tối thiểu, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng quyết định tới đời sống người lao động, đặc biệt phải quyết liệt trong việc ổn định giá hai mặt hàng: Điện và xăng dầu, những mặt hàng tác động lớn tới toàn xã hội.

Còn về phía công đoàn, ông Đặng Quang Điều cho rằng: “Công đoàn các cấp cũng cần “xắn tay” cùng với DN để đưa ra nhiều biện pháp chia sẻ khó khăn với người lao động. Trước ý kiến cho rằng, hàng bình ổn giá chưa đến gần với người lao động, theo ông Điều, công đoàn có thể tìm các nguồn hàng lương thực, thực phẩm giá thấp để bán trực tiếp cho người lao động mà không qua trung gian; mở các siêu thị trong DN, đưa hàng bình ổn giá đến tận cửa nhà máy để người lao động dễ dàng mua được. Thực tế hiện nay, đã có nhiều công đoàn ở một số DN khu vực phía Nam liên hệ được nguồn hàng rẻ, nguồn hàng từ người nông dân, mang về DN bán cho người lao động. Tổ chức một số quầy hàng nhu yếu phẩm trong DN bán cho người lao động với giá bằng 20- 30% so với ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, việc công đoàn đứng ra tự tổ chức nấu ăn cho người lao động cũng là một biện pháp cần khuyến khích để đỡ một khoản chi cho công ty dịch vụ. Đồng thời, vận động các chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng.

Nâng cao năng lực đàm phán của công đoàn trong các doanh nghiệp FDI cũng là một giải pháp cần được tính đến. Bởi hiện nay, năng lực đàm phán của công đoàn chưa thể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người lao động. “Vị thế của cán bộ công đoàn dưới cơ sở rất có hạn. Người cán bộ công đoàn phụ thuộc rất nhiều vào giới chủ. Đàm phán rất khó. Hơn nữa, cán bộ công đoàn chưa có cơ chế bảo vệ nên việc đàm phán gặp khó khăn”.

Mạnh Minh