02:00 10/02/2012

Cần nâng cao chất lượng bảo tồn di tích

Theo các chuyên gia, Việt Nam có một kho di tích khổng lồ với gần 3.200 di tích là thành tựu văn hóa và kiến trúc của hàng ngàn năm cha ông tích góp lại.Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo tồn, giữ vững các di tích đó đang là vấn đề đáng phải bàn, đặc biệt là chất lượng trùng tu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có một kho di tích khổng lồ với gần 3.200 di tích là thành tựu văn hóa và kiến trúc của hàng ngàn năm cha ông tích góp lại. Các di tích này không chỉ có giá trị về mặt tài sản mà còn có giá trị vô cùng to lớn về lịch sử, văn hóa và tinh thần.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo tồn, giữ vững các di tích đó đang là vấn đề đáng phải bàn, đặc biệt là chất lượng trùng tu. Thực tế hầu hết các di tích sau khi trùng tu đều bị biến dạng nghiêm trọng hoặc bổ sung các yếu tố mới làm sai lệch nguyên dạng giá trị ban đầu.

Cứ trùng tu là hỏng di tích

Trùng tu là nhằm mục đích bảo tồn. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các di tích sau trùng tu đều bị biến dạng. Có những công trình chỉ sai lệch về mặt kiến trúc hay chất liệu, nhưng cũng có những công trình còn bị “làm mới” trên cái cũ….

Biến dạng di tích

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích: “Nhiều công trình tu bổ di tích hiện nay không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ các nguyên tắc khoa học của lý thuyết bảo tồn, nhiều di tích sau tu bổ bị biến dạng, suy giảm giá trị và mất mát nhiều yếu tố gốc…”.

Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu.

GS.TS Hoàng Văn Khoán cũng cho rằng: “Nhiều nơi trùng tu tôn tạo không làm đúng các qui định hiện hành, vứt bỏ các hiện vật gốc, thay vào đó là các vật liệu và điêu khắc hiện đại làm biến dạng các di tích”.

Thực tế rất hiếm hoi có được những công trình trùng tu thành công như dự án trùng tu đình Chu Quyến (Ba Vì – Hà Nội). Dự án đã phục hồi được tới 70% nguyên dạng của di tích. 70% cũng đã là một con số thành công bậc nhất trong thành tựu bảo tồn di tích của nước ta hiện nay. Vì đa số các công trình sau bảo tồn đã bị biến dạng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Rất nhiều di tích rơi vào cảnh sửa chữa chắp vá, tùy tiện, sẵn sàng thay ngay vật liệu mới chứ không chịu gia công sửa chữa phục nguyên chi tiết kiến trúc ban đầu.

Chẳng hạn, việc tạc tượng vua Hùng để thờ trong đền Hùng, Phú Thọ cũng là một vấn đề cần phải bàn đến trong quá trình gìn giữ di sản văn hóa. Tượng vua Hùng, Lạc Long Quân lại tạc đầu đội mũ cánh chuồn, mặc long bào, chân đi hia, mắt xếch, rất giống với các nhân vật vua Trung Quốc trên phim ảnh. Chùa Bái Đính xây mới đồ sộ trên một vùng đất lịch sử thời Đinh, Lê, nhưng lại mang dáng dấp đặc trưng thời Nguyễn thế kỷ XIX...

Ths Chu Thu Hường - Viện Bảo tồn di tích cũng chia sẻ: “Chúng tôi có lần chứng kiến toà Tiền đường của một ngôi chùa làng với kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 còn khá hoàn chỉnh và chắc chắn đang được phá vỡ để xây vào đó một Tiền đường kiểu bê tông cốt thép có quy mô to hơn. Nhiều bức tượng cổ có giá trị được thay thế bằng bức tượng mới to hơn và rực rỡ hơn. Do không hiểu, đánh giá không đúng giá trị của di vật trong di tích nên những người chủ sở hữu đã làm thất thoát, mất giá trị của di tích”

Tất cả những câu chuyện trên đặt ra vấn đề đối với không chỉ các nhà quản lý bảo tồn di sản mà cả những người thợ trực tiếp chạm tay vào các công trình này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân cơ bản là năng lực quản lý và thực thi công tác bảo tồn di tích còn hạn chế, không chuyên nghiệp dẫn đến trùng tu không có sự kiểm soát chặt chẽ cả về mục đích và chất lượng dẫn đến những sai sót cơ bản như trên.

Cán bộ kiêm nhiệm, thiếu nhân lực chất lượng cao

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Nhìn một cách nghiêm túc có thể thấy nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, hệ quả là có biểu hiện nhận thức khác nhau về những nguyên tắc và quan điểm bảo tồn di tích”.
Tình hình thực tế của lực lượng bảo tồn di tích hiện nay là tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng phân tán. Người được đào tạo không được tham gia dự án bảo tồn di tích. Nhưng đa số các cán bộ quản lý di tích địa phương đều là kiêm nhiệm. Đáng lẽ ra họ phải được tập huấn, bổ túc những kiến thức chuyên sâu về khoa học bảo tồn. Nhưng phần lớn họ đều phải tự tìm hiểu, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức chuyên môn.

Ô Quan Chưởng trước khi trùng tu.


PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:

Thiếu nghệ nhân bậc thầy gắn với tu bổ di tích

Tôn tạo di tích rất cần nguồn nhân lực bậc cao, lâu năm, có kinh nghiệm để dẫn dắt, hướng dẫn đội ngũ thợ lao động phổ thông tại các công trường thi công tu bổ di tích. Thực tế cho thấy Việt Nam đang rất thiếu những nghệ nhân bậc thầy trong các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động tu bổ di tích. Tôi tin rằng nếu chúng ta đào tạo được những chuyên gia đầu ngành thực sự giỏi về chuyên môn và có uy tín về đạo đức nghề nghiệp, đủ năng lực xác định những mục tiêu, định hướng lớn và các giải pháp cơ bản cho từng dự án tu bổ, tôn tạo di tích cụ thể thì vấn đề sẽ khác đi nhiều.
 
Ths Nguyễn Thị Tuấn Tú, Phòng Nghiên cứu di tích - Viện Bảo tồn di tích:

Bùng nổ doanh nghiệp bảo tồn di tích

Hiện nay ở Việt Nam đang “bùng nổ” rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo tồn di tích. Những đơn vị có kinh nghiệm lâu năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết các doanh nghiệp trẻ, lực lượng không chuyên nghiệp lại thiếu hụt kiến thức chuyên môn về bảo tồn di tích. Thực tế qua 4 khóa đào tạo của dự án “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích giai đoạn 2009 – 2010” do Viện Bảo tồn di tích thực hiện chủ yếu dành cho kiến trúc sư và một số người làm công tác quản lý ở các đơn vị cho thấy chất lượng, sự am hiểu kiến thức về di tích và bảo tồn di tích rất hạn chế, non nớt.

TS. KTS Hoàng Đạo Cương, Viện Bảo tồn di tích:

Kiến trúc sư chưa thấu đáo văn hóa cổ


Các kiến trúc sư sau khi tốt nghiệp đã chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, những hiểu biết thấu đáo về lịch sử và văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật cổ truyền, họ chỉ có các kỹ năng thiết kế thông thường khi bắt đầu tham gia vào việc tư vấn lập dự án bảo tồn và trùng tu di tích. Thực tế, quá trình lập các dự án bảo tồn và trùng tu di tích hiện nay cũng rất không thuận lợi cho các kiến trúc sư tích lũy các kiến thức về di tích và công tác trùng tu di tích.

Th.s KTS Đoàn Bá Cử - Giám đốc công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung Ương:

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải có vốn

Một di tích có nhu cầu cần tu bổ phải có dự án đầu tư tu bổ bảo tồn và phải có nguồn vốn đảm bảo cho thực thi dự án. Nguồn nhân lực hạn chế sẽ hạn chế nhu cầu nguồn nhân lực và ngược lại. Một công ty quy nô khiếm tốn đặt trọng tâm hoạt động vào lĩnh vực tu bổ bảo tồn di tích có được ba đến bốn kỹ sư, kiến trúc sư có am hiểu, có chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng về tu bổ bảo tồn di tích và một quá trình kinh nghiệm có thể được coi là đủ yêu cầu chuyên ngành thì công ty đó phải thực hiện được ít nhất 30 đến 40 tỷ đồng trong tu bổ di tích bên cạnh một số việc khác mới có thể tồn tại được.

Sự không chuyên nghiệp và phân tán về chuyên môn thể hiện ngay trên kết quả các công trình tu bổ. Hiện nhiều công trình trùng tu không đúng như nguyên gốc vì có hai xu hướng. Thứ nhất là khi trùng tu, người ta thường muốn to đẹp, hoành tráng hơn, đưa nhiều yếu tố mới vào di tích. Thứ hai là đội ngũ làm trùng tu không có kiến thức về trùng tu, thậm chí nhiều đơn vị chỉ là những công ty xây dựng bình thường. Trong khi đó, người làm bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt.

Một vấn đề nữa mà theo nhận định của PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Nguồn nhân lực của ngành di sản có sự mất cân đối giữa nguồn nhân lực phổ thông và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta thiếu những thợ lành nghề, thợ cả”.

Thực tế từ trước tới nay, hầu như chúng ta mới chỉ chú ý tới đội ngũ “thầy” chuyên nghiên cứu và quản lý di tích chứ rất ít quan tâm đội ngũ “thợ”. Trong khi lực lượng này lại là một nhân tố rất quan trọng vì họ là người trực tiếp tác động vào công trình tu bổ di tích. Việc chọn lọc và đào tạo đội ngũ thợ lành nghề vẫn chưa thực sự được chú ý tới. Những người trực tiếp trùng tu di tích vẫn chỉ là những thợ xây bình thường.

Trước thực tế thiếu chuyên môn của đội ngũ quản lý bảo tồn di tích, đã có nhiều nhà khoa học đưa ra ý kiến cần mở thêm một mã ngành chuyên đào tạo chuyên sâu về bảo tồn di tích. Cũng có ý kiến cho rằng cần mở rộng Viện Bảo tồn di tích thành trung tâm đào tạo chuyên ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam, đồng thời cử chuyên gia đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên dù đưa ra ý kiến nào đi nữa thì đây cũng là vấn đề cần được giải quyết sớm. Vì với một kho di sản đồ sộ như nước ta, nếu không tiến hành sớm các biện pháp bảo tồn, để mai một dần dần giá trị các công trình thì là một sự lãng phí vô cùng lớn không chỉ về tiền bạc của cải mà còn đánh mất kho giá trị lịch sử đồ sộ mà chúng ta đang có.

Thu Trang - Tạ Nguyên