01:05 01/01/2019

Cần mô hình phân phối mới để người tiêu dùng mua hàng giá hợp lý mà nông dân không thiệt thòi

“Nếu làm tốt các kênh phân phối sẽ đảm bảo đầu ra trong khâu tiêu thụ, hàng hóa nhu yếu phẩm dịp Tết không lo bị khan hiếm và tăng giá”- chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội trao đổi với phóng viên báo Tin tức. 

Chú thích ảnh
Ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội. Ảnh nguồn Dân trí.

- Thưa ông, giá gốc hàng hóa ở nơi sản xuất thường khá rẻ nhưng khi tới tay người tiêu dùng vẫn khá cao. Dịp Tết Kỷ Hợi đã cận kề, dư luận đang rất quan tâm về hệ thống phân phối, trung gian, liệu có “chuyển mình” tích cực hơn?

-Hàng hóa phục vụ cho dịp Tết sắp tới sẽ rất dồi dào, phong phú. Vấn đề là cần mở rộng nhiều điểm thu mua sản phẩm từ phía các nhà sản xuất, mở thêm nhiều điểm bán hàng, thêm các kênh tiêu thụ lớn. Nhiều sản phẩm được coi là đặc sản vùng miền vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng, ngay ở các thời điểm trong năm chứ chưa nói đến dịp Tết. Còn rất nhiều sản vật địa phương mà người dân có nhu cầu nhưng vẫn chưa được tiếp cận bởi sự hạn chế của kênh phân phối hàng hóa.

Đúng là có tình trạng giá gốc hàng hóa ở nơi sản xuất thì rẻ nhưng về tới tay người tiêu dùng lại tăng 40-50%, thậm chí gấp vài lần. Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp từ nhiều năm nay. Khâu trung gian và thương mại bán lẻ “ăn quá dày”. Có ý kiến cho rằng đó là “cơ chế thị trường” nhưng lại quên rằng “Việt Nam phát triển kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước”. Tôi xin nhắc lại lời của ông Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam: “Khâu thương mại hưởng quá lớn lợi nhuận, cần phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi sản xuất ở Việt Nam, phải để nông dân có quyền lợi với sản phẩm của họ tới tận khâu cuối cùng”.

Về hệ thống phân phối Quốc gia, sự phát triển mạnh mẽ của kênh thương mại hiện đại với tốc độ 2 con số hiện đã nói lên tiềm năng rất lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh để xâm nhập và phát triển hệ thống phân phối hiện đại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất mạnh mẽ, có nhiều ưu thế so với doanh nghiệp Việt. Cũng có những đơn vị trụ vững, phát triển được như: Saigon Coop, Vingroup… nhưng cũng có những công ty suy yếu và bắt buộc phải kết thúc thương hiệu, ví dụ chuỗi siêu thị Fivimart. 

-Vậy theo ông, cách tổ chức nguồn hàng, mô hình quản lý phải ra sao để giá của hàng hóa tới tay người tiêu dùng hợp lý mà nông dân, người sản xuất không bị thiệt thòi?

- Hiện nay, nhu cầu hàng hóa của người dân rất lớn, song các tỉnh thành phố trong cả nước chỉ đảm nhiệm từ 40- 60% lượng hàng tại chỗ, còn lại phải phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa ở các tỉnh khác. Nhiều cuộc liên kết, xúc tiến thương mại đã được tổ chức song hiệu quả chưa cao. 

Theo tôi, quan trọng nhất là phải giải quyết mối quan hệ giữa nhà cung ứng hàng hóa và siêu thị cũng như các chợ dân sinh trong thành phố. Một điểm nữa là hàng hóa ở các nơi về rải rác không có những chuỗi sản xuất phân phối, cần được tổ chức phân phối chặt chẽ để đến tay người tiêu dùng, giảm rủi ro cả giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Rõ ràng cần phải có một mô hình quản lý mới, đó là các chợ đầu mối được thiết lập hoạt động đa năng ở các thành phố lớn. 

Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 chợ đầu mối, Hà Nội có 3-4 chợ song tất cả đều chưa đạt tiêu chuẩn của một chợ đầu mối hiện đại, văn minh bao gồm: Tập trung các đầu mối hàng hóa để lên sàn giao dịch tại chợ, đảm bảo kiểm soát được chất lượng và công khai minh bạch trong giao dịch mua bán trước khi lan tỏa ra tới các khâu bán lẻ trong các địa bàn thành phố. Chợ còn là một điểm du lịch, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế ách tắc giao thông trong các thành phố lớn... Chợ phải là một đầu  mối hạch toán độc lập, hoạt động theo các quy định của pháp luật nhà nước, điều mà các nước phát triển đã nhận thức và phát triển cách đây vài chục năm. Nhận thức thì có, song tiếc rằng, những đề án chợ đầu mối hàng trăm triệu đô như ở Hà Nội cách đây một vài năm vẫn còn nằm trên giấy, chưa được triển khai. 

- Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn lẫn lộn?

-Trên thị trường, hàng hóa rất phong phú, nguồn cung dồi dào, kể cả hàng công nghệ phẩm, lẫn hàng nông sản thực phẩm, cả hàng hóa nội địa và hàng nhập ngoại. Khách hàng có thể mua trực tiếp hoặc mua online, mua tại chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và cả các trung tâm thương mại... Điều cần quan tâm là trên thị trường vẫn còn tồn tại hàng giả, hàng nhái, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. 

Trên thị trường, rau hữu cơ lẫn với rau thường, rau an toàn lẫn với rau bẩn, đang được lưu thông không kiểm soát được đâu là thật và đâu là giả. Những vụ khiếu nại, cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online thường xuyên xảy ra, chưa được các cấp giải quyết một cách triệt để. Các ngày bán hàng Black Friday, các tháng khuyến mại cũng có tình trạng hàng giả trà trộn và hàng thật. Có điều này là do sự kiểm soát chưa chặt chẽ, sát sao của các cơ quan quản lý, trên các địa bàn. Giá bán hàng hóa ở các siêu thị, cửa hàng tự chọn, siêu thị  mini còn có niêm yết giá, còn lại ở chợ, cửa hàng lẻ thì hầu hết đều không niêm yết giá. Nhiều trường hợp giá cả cách xa giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

-Ông có thể dự báo tình hình giá cả hàng hóa trong năm 2019? 

+ Khả năng CPI cả năm sẽ cán mức 3,6 -3,7% là cao nhất, đạt dưới mức 4% mà Quốc Hội đã đề ra từ đầu năm nay. Trong năm nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% đề ra trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi, với những điều kiện như sau: Tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, không để mất cân đối trong từng thời kì trong năm, làm tốt công tác lưu thông phân phối, đưa thẳng hàng hóa nhanh chóng, ít chi phí từ sản xuất tới tiêu dùng xã hội.

Về chi phí đẩy, những năm trước đây, chúng ta phụ thuộc 70% vào xăng dầu nhập khẩu. Cuối năm 2018 khi đã có thêm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa thì tỷ trọng đảm bảo nguồn cung trong nước đã lên đến 70%. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta chủ động giảm bớt những áp lực về chi phí đẩy của một mặt hàng chiến lược cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. 

Chính phủ cần tiếp tục giảm mạnh các điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, công khai minh bạch; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ và hiệu quả. Tôi cho rằng, cần có những giải pháp quyết liệt để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức