12:16 17/12/2017

Cần kiên quyết xử lý hình sự hành vi sản xuất phân bón giả

Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp và liệu có được xử lý tận gốc khi Nghị định 108/2017/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón?

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam xung quanh vấn nạn này.

Thưa ông, là người tham gia  vào việc phát hiện và xử lý rất nhiều các vụ sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường trong nhiều năm qua, ông đánh giá như thế nào về vấn nạn này tại Việt Nam hiện nay?

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 2,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 60 nghìn tỷ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam có tới 2/3 dân số sống bằng nông nghiệp. Rất đau lòng khi những rẫy cà phê được trồng trong 2-3 năm trời với bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nhưng chỉ cần bón phải phân giả là hai ba hôm sau có thể bị chết cháy. Người nông dân vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Bên cạnh đó, trong bao nhiêu năm, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, tiêu, cà phê đứng nhất nhì thế giới nhưng giá xuất khẩu không cao so với giá trị thực. Điều này liên quan tới chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam trong khi phân bón lại đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng sản phẩm. Nguy hiểm hơn nữa, phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn làm ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng dường nhưng việc xử lý hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa có kết quả thực sự. Vậy theo ông đâu là gốc rễ của vấn đề?

Theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Chính phủ giao cho cả Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng quản lý lĩnh vực phân bón; trong đó Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý phân bón hữu cơ. Việc phân cấp quản lý này đã nảy sinh những bất cập vì trên thực tế, một cơ sở sản xuất phân bón có thể vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân bón hữu cơ, hoặc có thể sản xuất sản phẩm pha trộn giữa cả phân vô cơ và hữu cơ. Vì vậy khi phát sinh các vấn đề, không ai đứng ra giải quyết được hoặc không ai chịu trách nhiệm.

Thu giữ tang vật tại một cơ sở sản xuất phân bón giả tại Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Ngoài ra, từ trước tới nay, việc xử lý phân bón giả, phân bón kém chất lượng chủ yếu là xử lý bằng phạt hành chính, xử lý hình sự rất khó. Trong khi đó, xử lý hành chính với mức rất thấp nên chỉ cần 1 ca sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng là các doanh nghiệp có thể nộp phạt và rồi lại tiếp tục sản xuất. Còn theo luật cũ, việc xử lý phân bón giả phải chứng minh được hậu quả của phân bón giả, phân bón kém chất lượng mà việc xác định hậu quả này nhiều khi phải mất nhiều năm nên  các lực lượng chức năng hầu như rất ngại xử lý hình sự. Vì vậy, khung hình phạt này đã khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhờn luật.

Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP, nhằm lập lại trật tự trên thị trường phân bón trên cơ sở giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thống nhất việc sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón. Ông nhìn nhận như thế nào về công cụ pháp lý mới này, đối với việc xử lý vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng?

Tôi và nhiều chuyên gia cũng như Hiệp hội phân bón rất mừng vì Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt vào cuộc xử lý tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã tồn tại gây nhức nhối nhiều năm.

Thứ nhất, Nghị định 108/2017/NĐ-CP đã khắc phục được tình trạng quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả dẫn tới tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tại Việt Nam.

Thứ hai, Nghị định đã quy định rất chặt chẽ trong việc cấp phép phân bón, việc lập quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đây là những điểm mạnh của Nghị định mới này. Nhưng thực ra, vấn đề quản lý Nhà nước chỉ là một vấn đề trong ba vấn đề về quản lý phân bón. Vấn đề quản lý phân bón là chính sách, là khâu giám sát thực hiện và là công tác tuyên truyền. Ở đây chúng ta yếu cả 3 khâu; trong đó yếu nhất là khâu giám sát.

Theo ông, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các hiệp hội trong việc quản lý thị trường phân bón trong thời gian tới sẽ phải theo hướng như thế nào để đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo như thời gian vừa qua?

Việc chống hàng giả nói chung và phân bón giả, phân bón kém chất lượng nói riêng có liên quan tới nhiều người và là lĩnh vực rộng lớn nên không có một cơ quan nào có thể đủ sức bao quát được tất cả. Theo tôi, đến giai đoạn này, chúng ta phải xã hội hóa thực sự, từ nguồn lực, đến công nghệ, đến tài chính. Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong quản lý trện cơ sở phối hợp hoạt động chặt chẽ với các tổ chức hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Phân bón, Hiệp hội chống hàng giả, Hiệp hội bảo vệ Người Tiêu dùng.

Tuy nhiên có thực tế là năng lực của các tổ chức hiệp hội nói chung hiện nay rất yếu bởi thiếu nhân sự, thiếu tài chính, công nghệ. Cuối cùng, các tổ chức Hiệp hội sẽ bị luẩn quẩn trong vòng xoáy: Không có tiền, không có nhân sự thì không làm được; không làm được thì không huy động được nguồn lực của xã hội và không huy được nguồn lực của xã hội thì không làm được gì cả.

Theo tôi, trong giai đoạn này, Chính phủ cần tạo lập một cơ chế kiểu như ý tưởng Quỹ chống hàng giả Việt Nam đang làm để thu hút nguồn lực của xã hội như tài chính, công nghệ, tuyên truyền nhằm hỗ trợ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý thị trường phân bón, chống hàng giả, hàng chất lượng. Sự thu hút này trên cơ sở sự đóng góp của chính các doanh nghiệp sản xuất phân bón, phải tuyên truyền để mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính hiểu được tầm quan trọng của việc “phòng tốt hơn chống”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón; trong đó bên cạnh việc tăng mức xử phạt cao gấp 2-7 lần so với trước kia thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ bị đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn. Vậy nếu dự thảo Nghị định này được thông qua thì sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong quản lý thị trường phân bón thưa ông?

Theo tôi đối với việc hành vi sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì Chính phủ cần hạn chế xử lý bằng phạt vi phạm hành chính mà phải cương quyết xử lý hình sự. Luật Hình sự sửa đổi hiện nay đủ cơ sở để xử lý hình sự việc sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Về xử phạt vi phạm hành chính, ở nước ngoài, doanh nghiệp đã sản xuất hàng giả là phạt nặng tới mức phải phá sản. Tôi mong là các nước thực hiện được thì Việt Nam cũng sẽ thực hiện được. Sản xuất hàng giả là phạt cho phá sản chứ không phải phạt cao gấp 2-7 lần  so với mức như hiện nay.

Thực tế là mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là rất thấp nên dù có tăng lên cao nữa thì chỉ có thêm hiệu quả một chút so với trước đây còn sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn (TTXVN)