11:22 26/11/2021

Cần khơi thông chính sách cho năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia nhận định, để ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển, trong giai đoạn tới cần có khung chính sách cởi mở, minh bạch hơn nữa.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” chiều 26/11.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 26/11, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng cho biết, xu hướng phát triển về năng lượng của Việt Nam những năm gần đây chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo. Những đột phá về mặt chính sách cũng góp phần mang lại sự thay đổi này khi Chính phủ đã có những chính sách kịp thời thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển, nhất là hai chính sách về cơ chế hỗ trợ giá cố định trong 20 năm (giá FIT) cho điện mặt trời và điện gió.

Đây là hai công cụ chính sách kích hoạt thị trường. Bắt đầu từ năm 2018, tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã tăng lên 29%, cho thấy vai trò quản lý và tầm nhìn của Chính phủ trong phát triển nguồn phù hợp với phát triển kinh tế. 

Mặc dù vậy, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống, giá FIT cho điện mặt trời và điện gió đã kết thúc vào cuối tháng 10/2021. "Trong 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến giá FIT. Với điện mặt trời, sau giá FIT 1 là giá FIT2. Với điện gió sau giá FIT 1 từ năm 2011 và giá FIT 2 là năm 2018. Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu hiện vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là điểm cần làm rõ thời gian tới", bà Ngô Thị Tố Nhiên cho biết.

Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt, liên tục, mới có thể duy trì thị trường phát triển và cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc đầu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện.

Đánh giá về những vướng mắc chính sách cho ngành năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam đánh giá, một trong những "nút thắt" chính sách là Quy hoạch điện VIII. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên cản trở các chính sách tiếp theo.

Vì vậy, cần có hướng dẫn về chính sách giá, cũng như hướng dẫn quy trình đấu thầu để các nhà đầu tư có thể nắm rõ khi giá FIT không được áp dụng hay về một số vấn đề khác như lộ trình phát triển công nghệ cho ngành điện. Trong khi đó, điện rác với Việt Nam còn khá mới, các địa phương hầu như lúng túng trong lựa chọn công nghệ, thậm chí, các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ninh Hải, Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31,0% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44,0% vào năm 2050.

Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”; đồng thời, đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”.

Kết quả, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt: ~69.300 MW, trong đó, điện mặt trời đạt 16.420 MW, điện gió đạt 514 MW, điện sinh khối đạt 382 MW, điện từ rác thải chiếm tỷ lệ nhỏ 9,43 MW.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 - 6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 - 2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ninh Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ hạn chế: “Tỷ trọng cao của các nguồn điện gió, điện mặt trời đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí”.

Từ thực tế này, Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng cho biết, quy hoạch điện VIII xác định một số giải pháp về cơ chế chính sách. Cụ thể, với các dự án quy mô lớn sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán với EVN về giá mua bán điện.

“Cục Điều tiết điện lực đang xây dựng khung giá phát điện điện gió, điện mặt trời… và đàm phán với EVN xây dựng quy định đấu thầu”, ông Nguyễn Ninh Hải chia sẻ.

Thu Trang/Báo Tin tức