01:13 25/01/2021

Cân đối các phương thức vận tải để tái cơ cấu thị trường

Thị trường vận tải hành khách và hàng hóa cả liên tỉnh, nội tỉnh và đô thị ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng phụ thuộc quá mức vào đường bộ, trong khi các phương thức có năng lực vận chuyển lớn, tốc độ cao và chi phí thấp như đường sắt, đường thủy nội địa, vận tải biển vẫn còn hạn chế. Sự mất cân đối này cần sớm có các giải pháp tái cơ cấu để giai đoạn 2021-2030 có thị trường vận tải phát triển.

Vận tải đường bộ vẫn là chủ đạo

Thống kê mới nhất của Sở GTVT 63 địa phương gửi về Bộ GTVT cho thấy, vận tải hành khách liên tỉnh, đường bộ hiện đang chiếm tỷ lệ khoảng 94% tổng số hành khách, trong khi đường sắt phục vụ chưa tới 0,5%. Vận tải hàng hóa nội địa trên đường bộ đang chiếm trên 65% tổng sản lượng vận tải, trong khi đường sắt chỉ chiếm 0,6%, đường biển 18%.

Chú thích ảnh
Đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ lực trong giai đoạn 2021-2030 khi hàng loạt tuyến cao tốc Bắc Nam hoàn thành. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Giai đoạn 2011-2020, Bộ GTVT đã thực hiện chính sách tăng cường kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải với mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ, nâng cao thị phần vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường hàng không, đường sắt, đường thủy. Đến hết năm 2020, cơ cấu thị trường vận tải Việt Nam đã có một số dịch chuyển tích cực theo hướng giảm mức độ phụ thuộc vào đường bộ. Cụ thể, về lượng luân chuyển hành khách năm 2020, vận tải hàng không chiếm 31,4% (tăng 10% so với năm 2011), trong khi đường bộ giảm xuống còn 65,6%. Về thị trường vận tải hàng hóa nội địa, vận tải đường thủy nội địa đạt gần 20%, tăng 4% so với năm 2011, nhưng đường bộ vẫn tiếp tục tăng 8%, trong khi vận tải biển nội địa (không bao gồm vận tải ven biển) giảm khoảng 10% (từ trên 60% xuống còn 51%).

Trong GTVT đô thị, thị phần vận tải hành khách công cộng tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu suy giảm. Thị phần của xe buýt Hà Nội giảm từ 10% tổng nhu cầu đi lại vào năm 2015 xuống còn khoảng 8% vào năm 2020; tại TP Hồ Chí Minh giảm từ 6,5% xuống còn 4%. Trong khi đường sắt đô thị vẫn chưa thể đưa vào khai thác vì nhiều lý do và các loại hình vận tải phi cơ giới chỉ ở mức dưới 1% và hầu như chưa được quan tâm. Phương tiện cơ giới cá nhân, chủ yếu là mô tô, xe máy, đang chiếm trên 90% nhu cầu đi lại ở hầu hết các đô thị…

Những hạn chế trên là nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới nhiều hệ lụy như: Tai nạn giao thông đường bộ vẫn chiếm tới 97 số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; chi phí vận tải và logistics ở Việt Nam tăng cao, chiếm tới 21% giá thành sản phẩm (trong đó vận tải chiếm 57,5% tổng chi phí logistics)...

Tái cơ cấu như thế nào?

TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, mục tiêu của ngành GTVT giai đoạn 2021-2030 là phát triển hệ thống GTVT đồng bộ hiện đại, liên thông đa phương thức, gắn với thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, kết nối hài hòa, thuận tiện với mạng lưới đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế và các đầu mối vận tải đối ngoại. Tại nhiều quốc gia có mạng lưới giao thông tương đồng với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… phát triển trục vận tải dọc theo đất nước trên nền mạng lưới đường chính là sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa vận tải đường sắt và vận tải ven biển.

Chú thích ảnh
Vận tải hàng không là phương thức vận tải hành khách chủ lực đối với cự ly từ 500 km trở lên.

Do vậy, các chuyên gia giao thông nhận định, để cân đối các phương thức vận tải, nhằm tái cơ cấu thị trường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương cần xác định phát triển GTVT là một trong những giải pháp của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, sớm thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong quy hoạch tổng thể phát triển địa phương giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Khuất Việt Hùng, quá trình tái cơ cấu thị trường vận tải giai đoạn 2021-2030 phải bám sát các chính sách chủ đạo của Chính phủ, tiếp tục xác định vận tải đường bộ là phương thức vận tải nền tảng phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa cự ly ngắn (dưới 100 km); phục vụ vận chuyển kết nối giữa ga, cảng đến điểm đầu/cuối hành trình, từ đó giảm dần thị phần vận tải đường bộ.

Trong đó, đối với các địa phương ven biển theo trục Bắc Nam, các địa phương đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, đến năm 2030, thị phần vận tải đường bộ ở mức 55-60% tổng sản lượng vận tải, tương ứng từ 20-25% tổng lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa liên tỉnh; phát triển vận tải thủy và vận tải biển nội địa chiếm thị phần khoảng 15-20% tổng sản lượng vận chuyển, tương đương 50-60% tổng lượng luân chuyển hàng hóa liên tỉnh; lấy vận tải hàng không là phương thức vận tải hành khách chủ lực đối với cự ly từ 500 km trở lên và vận tải hàng hóa giá trị cao, giữ thị phần từ 40-50% lượng luân chuyển hành khách trong giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục duy trì ở mức thị phần từ 25-30% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đến năm 2030, đưa vào khai thác hai tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội-Vinh và TP Hồ Chí Minh-Nha Trang, giữ thị phần 15-20% lượng luân chuyển hành khách liên tỉnh Bắc Nam, dần chuyển đổi mạng lưới đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm thành đường sắt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng từ 3-5% tổng sản lượng và từ 15-20% tổng lượng luân chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, các địa phương vẫn phải lấy vận tải hành khách công cộng là phương thức vận tải chính phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong các đô thị. Đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng đảm đương 30% tổng số chuyến đi tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đáp ứng tối thiểu 10% tổng số chuyến đi tại các đô thị trực thuộc Trung ương khác.

Điều quan trọng nhất là từng bước thể chế hóa các chính sách kiểm soát và hạn chế mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, đi bộ và phương tiện phi cơ giới; đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ mới để quản lý, điều hành và thanh toán… nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải và tạo môi trường kết nối liên thông về dịch vụ giữa các phương thức vận tải và dịch vụ logistics.

"Giai đoạn 2016-2020: Đường bộ khai thác 1.074 km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc hiện có lên 1.163 km; mạng lưới quốc lộ dài 24.598 km, đã thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa đạt 64%. Đường sắt đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt trên tuyến Bắc Nam. Đường thủy nội địa tập trung cải tạo một số tuyến tại đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long, các công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn; động thổ cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ. Hệ thống cảng biển hàng hải có năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn hàng hóa/năm, có khả năng đón tàu chở khách lớn nhất thế giới; phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ khai thác cảng biển, phát triển logistics. Hàng không đã nâng cấp cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; xây mới cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm", Bộ GTVT thống kê.
Vân Sơn/Báo Tin tức