07:09 31/07/2015

Cần điều tra sản phẩm gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về việc chống bán phá giá mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ vừa có đơn đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai.

Phóng viên: Xin ông cho biết lý do vì sao Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ?

Ông Nguyễn Trí Công. Ảnh: baodongnai.com


Ông Nguyễn Trí Công: Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt gia cầm đông lạnh các loại; trong đó thịt gà nhập khẩu chiếm 1/3 tổng lượng thịt gà công nghiệp nuôi trong nước. Thịt gà đông lạnh nhập khẩu nhập khẩu ngày càng nhiều, nhất là từ Mỹ; trong đó sản phẩm chủ yếu là đùi gà. Khi gia nhập cuộc chơi hội nhập, mở cửa thị trường thì người chăn nuôi trong nước phải chấp nhận cuộc chơi giá phải bình đẳng, chất lượng giống nhau. Nhưng tại sao các sản phẩm hiện nay đang nhập về Việt Nam với giá rất rẻ. Thật là vô lý khi cùng một chủng loại hàng hóa mà giá bán tại Mỹ lại cao gấp 2-4 lần giá bán tại Việt Nam.

Qua điều tra của Hiệp hội, giá bán đùi gà tại các siêu thị Mỹ rất cao, ở mức 50.000 -80.000 đồng/kg (2,5-4 USD/kg). Nhưng đùi gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam chỉ chưa tới 1 USD/kg (20.000 đồng/kg). Với giá này thì không công ty hay người chăn nuôi trong nước nào có thể cạnh tranh nổi. Như vậy, một người làm kinh tế hay bất kỳ ai cũng thấy đây là điều bất hợp lý. Như vậy thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ chết.

Vấn đề nằm ở đâu, có thể đó là sản phẩm kém chất lượng, hàng hóa đã gần hết hạn sử dụng hoặc thịt gà từ các vùng dịch bệnh của Mỹ đã được các doanh nghiệp nhập về ? Hay là bán phá giá nhằm gây lũng loạn thị trường, để ngành chăn nuôi Việt Nam chết rồi mang sản phẩm vào thị trường Việt Nam bán?

Phóng viên: Theo phân tích của ông, có 2 khả năng sẽ xảy ra. Nếu đúng vào một trong hai khả năng như vậy ngành chăn nuôi Việt Nam cần làm gì?

Ông Nguyễn Trí Công: Kiến nghị của Hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu. Nếu đúng là bán phá giá, chúng ta phải kiện. Mỹ đã nhiều lần tiến hành điều tra và áp thuế chống bán phá giá với với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như cá tra, tôm đông lạnh. Vì vậy, việc Việt Nam tiến hành điều tra chống bán phá giá với thịt gà Mỹ là chuyện bình thường trong thương mại giữa các quốc gia và phù hợp với quy chế tranh chấp thương mại của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).

Ảnh minh họa - sản phẩm đùi gà Mỹ đông lạnh.


Nếu sản phẩm có chất lượng xấu, đề nghị các cơ quan nhà nước phải có cách can thiệp. Mục đích là giúp cho người chăn nuôi trong nước phát triển ổn định và sản phẩm đến người tiêu dùng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với giá như vậy mà là chất lượng tốt thì rất là khó. Hay như vừa qua, rất nhiều vụ gà đông lạnh bị kém chất lượng, lưu kho quá lâu, hết hạn, đó là những vấn đề làm cho người tiêu dùng cảm thấy nghi ngờ tại sao lại có giá như vậy.

Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi đó sức cạnh tranh của thịt nhập ngoại sẽ còn lớn hơn nữa. Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra làm rõ để có những biện pháp đối phó phù hợp cũng như hỗ trợ để đem lại sự công bằng cho người chăn nuôi trong nước.

Phóng viên: Trước sự tràn ngập của nhiều sản phẩm chăn nuôi ngoại có giá rẻ hơn so với sản xuất trong nước, theo ông các ngành chức năng cần có vai trò như thế nào trong vấn đề này?

Ông Nguyễn Trí Công:
Theo tôi, cần minh bạch trong nhập khẩu: số lượng, chất lượng, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Tôi đề nghị phải có những công bố và kế hoạch nhập khẩu. Hiệp hội cũng cần được biết, bởi vì Hiệp hội cũng mong muốn cùng với Hội Chăn nuôi, các cơ quan chức năng phối hợp điều tiết sản xuất, giúp thị trường ổn định, để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Những năm trước, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu không nhiều. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng đột biến, lý do đột biến đó là tại sao. Chất lượng nhập khẩu, đơn vị cung cấp và số lượng như thế nào. Các doanh nghiệp nhập khẩu phải công khai minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Cục Thú y là cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng phải công bố công khai chất lượng sản phẩm. Như vậy những người chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ phát hiện ngay nếu như có những bất hợp lý.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đã có những bước đi trong việc thay đổi con giống, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đang triển khai tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Chúng ta đã và đang làm hết sức để hạ giá thành sản xuất. Nhưng nếu thị trường bất bình đẳng, cộng với khi đã bị lỗ dưới giá thành trong thời gian dài thì chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước sẽ không có hướng phát triển lâu dài được. Những sản phẩm sang Việt Nam được bán không bằng 1 kg thức ăn chăn nuôi rõ ràng đây là bất hơp lý, nếu bất hợp lý lâu dài thì ngành chăn nuôi trong nước không có cơ hội phát triển, thịt ngoại sẽ tràn vào. Đây chính là nguyên nhân làm cho ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị lụi.

Phóng viên: Để đáp ứng với hội nhập, bản thân ngành chăn nuôi trong nước cũng phải chủ động thích ứng. Theo ông, ngành cần phải nỗ lực như thế nào?

Ông Nguyễn Trí Công: Mục tiêu của chúng ta hiện nay là vực dậy nền chăn nuôi trong nước nhưng mà bản thân người chăn nuôi cũng phải làm sao đáp ứng việc nâng cao chất lượng, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, vì mình phục vụ nhu cầu trong nước mình. Nếu không làm được điều này, người tiêu dùng cũng tẩy chay.

Nếu gia nhập TPP, chúng ta sẽ được lợi thế cái này thì chúng ta cũng phải nhường lại cái lợi thế khác cho họ, đó là luật chơi rõ ràng. Nhưng khi mở cửa, chúng ta vẫn phải có rào cản bằng kỹ thuật. Nếu nhập sản phẩm có chất lượng tốt với giá minh bạch thì ngành chăn nuôi vẫn dám cạnh tranh.

Tại sao sản phẩm chăn nuôi thị trường thế giới giá rẻ vì giá thức ăn chăn nuôi rẻ, nhưng ngược lại nhân công lao động không rẻ, cao hơn Việt Nam . Bản thân ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đang nỗ lực cải tiến nâng cao chất lượng, giảm giá thành, có thể đúng là thua thế giới nhưng không thua nhiều. Chúng ta cần tăng cường vùng nguyên liệu, bớt lệ thuộc nhập khẩu thì bảo đảm ngành chăn nuôi trong nước không có lý do gì để thua các nước. Đừng để ngành chăn nuôi đang có chiều hướng phát triển tốt thì lại chết vì giá. Đó là điều quan tâm nhất và các cơ quan chức năng nên vào cuộc.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bích Hồng (TTXVN)