02:15 08/02/2012

Cần điều chỉnh mức trợ cấp đối với người có công

Việc xây dựng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng mang ý nghĩa to lớn, thể hiện ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội nhân văn sâu sắc. Vì vậy, việc điều chỉnh trợ cấp cần nhanh chóng, kịp thời, sao cho phù hợp với mức sống xã hội.

Việc xây dựng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, cụ thể là điều chỉnh mức trợ cấp để họ có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống của người cùng cư trú trên địa bàn dân cư mang ý nghĩa to lớn, thể hiện ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội nhân văn sâu sắc. Vì vậy, việc điều chỉnh trợ cấp cần nhanh chóng, kịp thời, sao cho phù hợp với mức sống xã hội; đồng thời nên quy định về hệ số ưu đãi cho từng khu vực vì hiện nay ở một số thành phố lớn, mức tiêu dùng cao hơn nhiều so với một số nơi khác.

Kiến nghị trên được UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về người có công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/2. Theo UBND thành phố, trong thời gian qua do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao những mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng của các đối tượng chính sách chỉ được điều chỉnh theo lộ trình mà không bảo đảm tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội. Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng theo quy định hiện nay chưa theo kịp với tình hình kinh tế - xã hội, còn thấp so với mức chi tiêu của thành phố, không thể đảm bảo ổn định đời sống cho diện chính sách, trong khi phần lớn đối tượng này đã già yếu, quá tuổi lao động, thu nhập chủ yếu từ trợ cấp của Nhà nước. Một số mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng thấp so với mức tiêu dùng ở thành phố hiện nay, như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 2,3 triệu đồng, thương binh nặng 100% là 2,81 triệu đồng, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 91% – 100% là 2,232 triệu đồng, người có công giúp đỡ cánh mạng 515.000 đồng, thương binh 21% là 590.000 đồng...



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.



Tuy nhiên, trong 6 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc huy động toàn xã hội tham gia hỗ trợ, chăm lo cho người có công. Thành phố hiện có trên 218.000 người có công với cách mạng, trong đó có 47.134 liệt sỹ, 2.082 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (163 mẹ còn sống), 25.501 thương binh, 2.852 bệnh binh, 67.407 người hoạt động kháng chiến… Hiện còn 46.250 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí gần 44 tỷ đồng. Trong 6 năm qua, thành phố đã vận động đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 82,6 tỷ đồng để xây mới 893 căn nhà tình nghĩa và 1.225 nhà tình thương, sửa chữa 3.922 căn nhà của đối tượng diện chính sách, tặng thêm 2.393 sổ tiết kiệm…

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá cao nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm các chính sách, pháp luật về người có công, là địa phương dẫn đầu cả nước về việc huy động được toàn xã hội, huy động nguồn lực lớn để chăm lo cho đối tượng chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa đến đời sống của người có công, cần có sự đồng bộ trong việc nâng các chuẩn về an sinh xã hội, như việc nâng chuẩn nghèo của thành phố lên 12 triệu đồng/người/năm (cao gấp đôi chuẩn chung cả nước) phải đi liền với nâng trợ cấp cho người có công để không xảy ra tình trạng gia đình người có công trở thành hộ nghèo do thành phố nâng chuẩn nghèo.

Hoàng Liên Sơn