03:10 23/03/2011

Cần đặt công tác chống lao là một kế hoạch ưu tiên

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, trao đổi với Tin Tức xung quanh việc tìm giải pháp nâng hiệu quả công tác phòng, chống lao trong thời gian tới.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ (ảnh), Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, trao đổi với Tin Tức xung quanh việc tìm giải pháp nâng hiệu quả công tác phòng, chống lao trong thời gian tới.

Xin ông cho biết các giải pháp để hạn chế sự gia tăng bệnh nhân lao kháng đa thuốc tại Việt Nam?

Việt Nam đang đứng thứ 14/27 nước có lao kháng thuốc nhiều nhất thế giới, đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống lao. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đang triển khai công tác phòng, chống lao kháng đa thuốc ở 5 địa bàn, những nơi tập trung mật độ dân cư cao như TP.HCM, Hà Nội, TP Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa. Dự kiến trong những năm tới, hoạt động này sẽ tiếp tục mở rộng ra các thành phố khác.

Kế hoạch áp dụng những giải pháp kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống lao ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch Phòng, chống lao Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2030 với sự tiếp cận đa ngành, nhiều đối tác tham gia. Năm 2012, sẽ tiến hành điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần thứ 2. Hy vọng, với nỗ lực đưa những phương pháp mới được áp dụng vào thực tế, thì đến năm 2015 Việt Nam có thể triển khai được phương pháp cho phép xác định người nhiễm lao tiềm tàng có thể trở thành lao hoạt động hay không. Đặc biệt, dự kiến năm 2011 sẽ đưa những thuốc mới vào điều trị lâm sàng với liệu trình 3-4 tháng, tới năm 2015 sẽ rút xuống 1-2 tháng, như vậy thời gian điều trị cho bệnh nhân sẽ rút ngắn rất nhiều, thay vì phải điều trị 6 - 8 tháng như hiện nay. Ngoài ra, có 2 vắcxin mới đang trong giai đoạn thử nghiệm và nếu điều kiện cho phép, thì năm 2015, chúng tôi sẽ đưa 1 loại vào sử dụng.

Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống lao, thưa ông?

Chúng tôi vẫn thường xuyên tiến hành đào tạo mới, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống lao tại các tuyến, các địa phương. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nếu chế độ đãi ngộ không thay đổi, thì việc đào tạo mãi mãi là không thể đủ (cả cán bộ lâu năm lẫn cán bộ mới luôn có xu hướng chuyển đi, việc tuyển cán bộ mới cũng rất khó khăn vì không ai chịu về làm công tác phòng, chống lao).

Do đó, cần sớm có chính sách thay đổi theo hướng tăng chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác phòng, chống lao: Tăng phụ cấp độc hại lên 70% lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề 40% lương cơ bản với người gián tiếp và 70% với người trực tiếp. Cần rút ngắn thời gian tăng lương cho cán bộ công tác ở miền núi…

Khi nguồn nhân lực được đảm bảo, liệu có tăng tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm và giảm số bệnh nhân mắc mới không?

Nguồn nhân lực là một thách thức lớn của chúng ta hiện nay. Song, cũng không thể xem nhẹ những khó khăn khác như: Lao kháng thuốc, lao trong trại giam, công tác phòng chống lao ở hệ thống y tế tư nhân, HIV/AIDS…

Tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam là 145/100.000 dân. Hiện có khoảng 60% bệnh nhân lao được điều trị, trong đó khoảng 91,3% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.

Theo tôi, để làm tốt công tác phòng chống lao, tiến tới thanh toán bệnh lao ở nước ta sau 20 - 30 năm nữa, cần phải đặt công tác chống lao là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước và địa phương. Chỉ khi nào các địa phương coi đây là hoạt động cần thiết, đầu tư nhân lực, kinh phí cho hoạt động phòng, chống lao thì khi đó công tác phòng chống lao sẽ đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều địa phương hiện chưa quan tâm thực sự tới công tác phòng, chống lao, bởi qua điều tra cho thấy, nhiều địa phương chưa đưa ra được bằng chứng về nguồn lực, tài chính hỗ trợ cho công tác phòng, chống lao tại địa phương.

Thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe, nhằm tăng tỷ lệ người nghi lao đi khám bệnh. Công tác truyền thông tới đây chắc chắn cũng sẽ được tăng cường ở nhóm những người quản lý, những người làm chính sách. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các khu vực y tế ngoài Chương trình trên phạm vi toàn quốc để tăng cường phát hiện, báo cáo ca bệnh, chủ động phát hiện nhóm người có nguy cơ cao (phạm nhân, người nhiễm HIV, người tiếp xúc với nguồn lây…).

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên
thực hiện