04:08 01/04/2019

Căn cứ pháp lý để xử lý năm nữ sinh lột quần áo, đánh bạn lớp 9 ở Hưng Yên

Theo hình ảnh clip ghi lại, em N.T.H.Y (học sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã bị nhóm bạn đánh dã man, thậm chí còn bị lột quần áo. Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã chia sẻ vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận xã hội này dưới góc độ pháp lý. 

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng thăm hỏi nữ sinh H.Y. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), sau khi xảy ra vụ việc, nạn nhân N.T.H.Y đã bị bất ổn về mặt tâm lý nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị. Hành vi của năm nữ sinh tham gia lột quần áo, đánh đập dã man em N.T. H.Y, trước sự chứng kiến của nhiều người đã xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật hình sự (BLHS) điều chỉnh, đó là sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi phạm tội của năm nữ sinh đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Làm nhục người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS và Điều 155 BLHS 2015

Tuy nhiên luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng: Vụ việc này xảy ra trong nhà trường giữa các nữ sinh cùng lớp. Các nữ sinh học lớp 9 đều trong lứa tuổi trẻ em dưới 16 tuổi. Do đó, sự phát triển tâm sinh lý trẻ em ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện, nhận thức pháp luật còn rất hạn chế. Do đó, BLHS 2015 đã quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về những loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), nếu có căn cứ xác định năm nữ sinh tham gia đánh, lột đồ bạn học mà chưa đủ 16 tuổi thì các nữ sinh này không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 (tội ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất theo Khoản 2 chỉ đến 02 năm tù giam)

Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015, năm nữ sinh nếu dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) tương ứng với Khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 134 BLHS. Nghĩa là hành vi gây thương tích cho nữ sinh N.T. H.Y phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên thì mới có thể xử lý hình sự cả 5 nữ sinh này được.

Trường hợp nếu không có căn cứ xử lý hình sự thì hành vi của 5 nữ sinh cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính. Cụ thể  tại Điều 5: Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.

Tại điều 22. Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.

"Ngoài trách nhiệm trước pháp luật, gia đình năm nữ sinh phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần cho người bị hại theo quy định của Bộ luật dân sự", đại diện Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh nói.

Minh Phương/Báo Tin tức