04:13 29/04/2020

Căn cứ nào để xác định mức thu nhập của lao động tự do được nhận hỗ trợ từ Chính phủ?

Bạn đọc hỏi: Tôi hành nghề xe ôm, từ khi bị dịch COVID-19, khách hàng giảm đến 70%. Vậy tôi có được nhận hỗ trợ từ Chính phủ? Cán bộ địa phương yêu cầu chứng minh thu nhập thấp để kê khai hỗ trợ. Vậy, căn cứ nào để xác định mức thu nhập thấp của tôi?

Về vấn đề này, báo Tin tức xin trả lời như sau:

Tại hội nghị hướng dẫn triển khai Quyết định 15/2020/QĐ-Ttg, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết: Với nhóm lao động tự do (không có hợp đồng lao động), chỉ hỗ trợ những người do mất việc khiến thu nhập giảm sâu, thấp hơn mức sống tối thiểu. Do đó, lấy chuẩn nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg để đối chiếu (mức thu nhập chuẩn nghèo ở nông thôn dưới 700.000 đồng/tháng và ở thành thị dưới 900.000 đồng/tháng).

Chú thích ảnh
Xe ôm vắng khách do dịch COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Những người là lao động tự do, nhưng có mức thu nhập tốt như có nhà cho thuê và làm một số công việc khác, địa phương xác định có mức sống trên chuẩn nghèo sẽ không được nhận hỗ trợ.

Tại chương IV của Quyết định 15/2020/QĐ-Ttg khoanh vùng một số đối tượng nhận hỗ trợ sau: Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (hay còn gọi là xe ôm), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, địa phương lưu ý, người bán vé số lưu động không chi trả bằng tiền ngân sách Nhà nước, mà dùng tiền của các công ty xổ số để chi trả. Các công ty này được phép hạch toán khoản chi này vào chi phí kinh doanh.

Ngoài ngành nghề quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-Ttg, tùy từng địa phương có thể bổ sung nhóm ngành nghề lao động tự do gặp khó khăn nhưng sẽ dùng ngân sách địa phương hoặc các nguồm phù hợp pháp khác để chi.

Bộ LĐ-TB&XH cũng xác định đây là nhóm đối tượng dễ phát sinh tiêu cực khi làm thủ tục tại địa phương, nên phải làm chặt chẽ. Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ phải cư trú hợp pháp bằng hình thức tạm trú hoặc thường trú...

Phản ảnh từ khảo sát sơ bộ cho thấy, có trường hợp cư trú 1 nơi, nhưng làm việc hoặc tạm trú ở nơi khác. Do đó, cho phép đối tượng lao động tự do nhận trợ cấp tại 1 trong 2 nơi. Nếu về quê nhận hoặc nhận ở địa phương nơi tạm trú thì phải có giấy xác nhận không lĩnh trợ cấp ở 1 trong 2 nơi là không nhận ở nơi còn lại.

Trường hợp của bạn thì tổ dân phố sẽ xác nhận về mức thu nhập hiện tại dựa trên tự kê khai và phản ánh từ địa bàn dân cư. Nếu thấp hơn mức chuẩn nghèo thì vẫn nhận được hỗ trợ.

XM/Báo Tin tức