10:09 24/10/2019

Cần có danh mục nghề và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Phát biểu về về thời gian làm việc tại Điều 105 và làm thêm giờ tại Điều 107 theo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu như người lao động, tức là cha mẹ của những đứa trẻ chỉ chăm chăm vào làm việc để kiếm thêm tiền gửi về cho ông bà nội, ngoại, gửi về cho người giúp việc để nuôi đứa trẻ lớn lên thì có thể vài chục năm sau chúng ta sẽ có những kỹ sư rất lành nghề, giỏi về kỹ năng nhưng sống thiếu tình thương của gia đình. Như vậy, người lao động trong tương lai của chúng ta sẽ giống như những con robot”.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh) góp ý về Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Viết Tôn (chụp qua màn hình).

Góp ý về vấn đề tuổi nghỉ hưu quy định ở Điều 169, theo đại biểu Trần Kim Yến, vào khoảng 30 - 50 năm trước, mỗi gia đình có 4 - 5 người con, thậm chí là 9 - 10 người con là điều kiện hết sức bình thường, phải chăng chính vì điều đó đến nay chúng ta mới có một lực lượng lao động khá dồi dào, mới có giai đoạn dân số vàng như hiện nay. Nhưng thực tế hiện nay, có một bộ phận bạn trẻ không quan tâm đến việc lập gia đình hoặc nếu có lập gia đình thì cũng không sinh con, hoặc nếu sinh con cũng chỉ 1 con, tỷ lệ phụ nữ sinh 2 con hiện nay rất ít, thay vào đó là nuôi thú cưng để bầu bạn và xu hướng này đang có chiều hướng tăng lên.  

“Như vậy, với tỷ lệ sinh ít con như hiện nay dự báo xu hướng già hóa dân số là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. Chính vì điều đó, tôi thống nhất với Chính phủ về đề xuất tăng tuổi hưu. Tuy nhiên, như với đề xuất từ kỳ họp thứ 7, tôi vẫn mong muốn là phải có 1 phụ lục về danh mục nghề nghiệp cần tăng và mỗi một nghề nghiệp cần tăng cũng có lộ trình khác nhau, vì đặc thù, vì tính chất, vì môi trường, vì điều kiện lao động. Nếu tăng tuổi hưu đại trà, tức là ngành nghề nào cũng tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, tôi nghĩ rằng rất khó khăn và sẽ không đạt được sự đồng thuận của xã hội, có lẽ sẽ quá sức chịu đựng đối với một số ngành nghề, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động”, đại biểu Trần Kim Yến nêu vấn đề.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, tại Điều 6 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, bà Trần Kim Yến đề nghị bổ sung thêm một nghĩa vụ nữa của người sử dụng lao động. Đó là tham gia đào tạo nghề thực hành, tức là doanh nghiệp phải tham gia cùng đào tạo nghề với cơ sở giáo dục, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp nghề để làm sao học viên, sinh viên có thời gian học lý thuyết tại trường và có thời gian thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.

“Chúng ta thấy hiện nay sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp thì thời gian rất ngắn và những khi thực tập cũng không được doanh nghiệp hướng dẫn tận tình hoặc có những doanh nghiệp cũng giấu những số liệu hoặc những công nghệ của mình. Chính vì điều đó, khi sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thông thường doanh nghiệp phải đào tạo lại. Việc này nếu làm tốt và làm được thì doanh nghiệp không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp mà chính là doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế, cho quốc gia. Nếu quy định chung chung như hiện nay thì doanh nghiệp có tham gia hay không tham gia cũng được”, đại biểu Trần Kim Yến nói.  

Bà Trần Kim Yến kiến nghị: “Nếu đề xuất của tôi được bổ sung vào là một trong những nghĩa vụ phải có của doanh nghiệp thì tôi đề xuất bỏ Điều 59, Điều 60 trong dự thảo Luật, bởi vì hai điều này quy định chỉ nhà nước khuyến khích, doanh nghiệp muốn tham gia cũng được không tham gia cũng được”…

V.T/Báo Tin tức