10:19 28/10/2021

Cần có cơ chế đột phá, cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh và đề nghị dự thảo Luật nêu rõ những cơ chế, chính sách để tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.

Chính sách cần tập trung vào vấn đề có tính chất đòn bẩy

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, phát triển điện ảnh là một nội dung trong lãnh đạo văn hóa của Đảng, việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa.

Chính sách phát triển điện ảnh của nhà nước trong dự thảo Luật gồm 3 chính sách, đó là đầu tư của nhà nước cho các hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các hoạt động điện ảnh; ưu đãi thuế, đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp hiện đại. Bởi vậy, chính sách nhà nước về phát triển điện ảnh cần tập trung vào vấn đề có tính chất đòn bẩy, bao trùm cả phát triển điện ảnh  và công nghiệp điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa hoạt điện ảnh để các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải giải thích cụ thể về chính sách khuyến khích này như thế nào, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia cũng như trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia để chính sách này dễ thực hiện khi luật đi vào thực tiễn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), cho rằng chính sách của Nhà nước về quản lý, phát triển điện ảnh cần chú trọng đối tượng hưởng thụ. Theo đại biểu, cần tham khảo kinh nghiệm các nước, thay đổi từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu; quan tâm, tập trung nhiều hơn đến khán giả là những người hưởng thụ, người tiêu thụ văn hóa, các tác phẩm điện ảnh, nhằm đạt được sự cân bằng giữa sáng tạo, truyền bá và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật.

Nhấn mạnh, khán giả là động lực quan trọng cho văn hóa nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho điện ảnh phát triển, đại biểu đề nghị cần suy nghĩ thay đổi cơ chế quản lý từ việc Chính phủ ra quyết định và quản lý doanh nghiệp, sang việc hợp tác giữa Chính phủ và các khu vực tư nhân.

“Với chính sách này, việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội, từ chính quyền Trung ương, địa phương đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách không phải áp đặt từ trên xuống mà là chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nói.

Để Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đặt câu hỏi: Làm sao để Việt Nam có thể trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim hơn là làm sao để quản lý và kiểm soát họ?, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị chính sách ưu đãi về sản xuất phim trong nước cũng như chính sách về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam phải tạo được đột phá.

Trong dự thảo Luật có nêu, Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Theo Điều 5 thì ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai cho hoạt động sản xuất phim của các nhà làm phim trong nước sẽ được áp dụng trực tiếp mà không có hướng dẫn chi tiết. Đại biểu nhận định, một quy định chung chung như vậy đang có trong Luật Điện ảnh hiện hành trong suốt 15 năm qua, kể từ khi Luật được ban hành, quy định này hoàn toàn không có giá trị khuyến khích hoạt động làm phim ở Việt Nam.

Theo đại biểu, nếu tiếp tục giữ cách tiếp cận đó trong Luật điện ảnh sửa đổi lần này thì chắc chắn các nhà làm phim Việt Nam sẽ tiếp tục không được hưởng ưu đãi được nêu trong dự thảo Luật. Như vậy bài toán sửa Luật không đạt mục đích. Mục tiêu đột phá nhưng chính sách không đột phá thì không thể hoàn thành mục tiêu.

Về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, đại biểu cho biết, đối với các nhà làm phim nước ngoài, mặc dù được dự thảo ưu ái hơn, có khoản 2 giao cho Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định lại không có hướng dẫn điều này, như vậy quy định này vẫn chưa thể tạo bất cứ “hành lang pháp lý mang tính đột phá” nào.

“Một quy định mang tính đột phá cần thể hiện rõ mức độ ưu đãi ra sao? Cụ thể và hấp dẫn thế nào? Thủ tục ưu đãi có minh bạch thuận lợi và nhanh chóng không? Nếu Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được thông qua với chính sách khuyến khích ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn nhất để mời chào các nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam”, đại biểu khẳng định.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Thị Vân, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng để tạo sự đột phá trong sự hợp tác làm phim, đề nghị cơ quan chức năng mạnh dạn gỡ bỏ nút thắt, nhất là quy định về thẩm định kịch bản phim vì các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài thường có sự độc lập, toàn quyền sáng tạo với tác phẩm điện ảnh của mình, bảo đảm toàn vẹn của tác phẩm. Mặt khác với quy trình sản xuất phim hiện đại, nhiều đạo diễn không có kịch bản chi tiết trước, sẽ sáng tạo ngẫu hững trên bối cảnh thực địa, nhất là với các loại phim hành động. Do đó, để thu hút được nhà làm phim nước ngoài, cần cân nhắc, xem xét không yêu cầu cung cấp kịch bản phim, mà chỉ thực hiện phân loại phim khi phổ biến phim tại Việt Nam.

Làm rõ hệ thống khái niệm pháp lý về phân loại sản phẩm điện ảnh

Cho rằng dự thảo Luật có quy định số mức phân loại phim hiện tại chỉ nhằm phục vụ mục đích cấp giấy phép phổ biến phim hoặc cấp quyết định phát sóng, nhưng chỉ mới chú trọng đối tượng xem phim và độ tuổi xem phim, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá các quy định này vẫn còn hết sức đơn giản như chưa rõ nội hàm và chưa đi vào bản chất của điện ảnh, đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần có hệ thống khái niệm pháp lý về phân loại sản phẩm điện ảnh.

Theo đại biểu, khi xác định rõ được khái nhiệm của từng kiểu điện ảnh ngay trong luật, trên những tiêu chí pháp lý rõ ràng, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó mới đưa ra được chính sách khuyến khích hay không khuyến khích, có thể tùy vào từng hoàn cảnh để nhà nước điều tiết; cùng với đó giúp nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên và những người tham gia xác định rõ đối tượng mà tác phẩm hướng đến, định hướng cho việc chỉnh sửa, biên tập sao cho phù hợp với từng loại phim; chủ động tự điều chỉnh trước khi bị kiểm duyệt và đánh giá, thẩm định.

Chung quan điểm với đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) tiếp cận vấn đề phân loại phim từ góc độ nhóm tuổi xem phim. Theo đại biểu, trong điều 33 của dự thảo Luật, cần bổ sung thêm nhóm T21, phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên. Đại biểu cho rằng, thanh niên nhiều nước phương Tây 18 tuổi đã ra sống độc lập thì việc phân loại phim theo độ tuổi cao nhất là T18 hợp lý, còn ở Việt Nam hầu hết 18 tuổi còn sống với gia đình, có đi học xa thì cũng chưa hoàn toàn độc lập về nhiều mặt. Việc phân thêm loại phim T21 sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác chủ đề rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu; số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng nhiều hơn, người từ 21 tuổi trở lên được tiếp cận nhiều hơn các giá trị của phim thế giới.

Dự thảo luật hiện không quy định phân loại phim theo thể loại, đại biểu cho rằng nếu bổ sung phân loại phim theo thể loại như chính kịch, hài, lãng mạn, hành động, kinh dị, khoa học viễn tưởng... sau đó văn bản dưới luật sẽ phân loại phim theo độ tuổi có dựa theo thể loại thì nội dung trong các tiêu chí sẽ rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các nhà làm phim tạo các cảnh phim đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí và của Hội đồng thẩm định và phân loại phim.

Ứng dụng công nghệ và huy động xã hội cùng tham gia kiểm định phim

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Phương Lan. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thảo luận về nội dung phổ biến trên không gian mạng trong dự thảo Luật, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối diện với những diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh, các hệ giá trị cũng thay đổi. Vì vậy, đại biểu rất đồng tình với quan điểm hoàn thiện các tiêu chí làm công cụ quản lý định hướng gắn với hậu kiểm; ứng dụng công nghệ trong kiểm định, minh bạch; xã hội có thể cùng tham gia kiểm định thường xuyên, liên tục cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ đồng tình việc ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng khi mà số lượng phim quá nhiều, đặc biệt lưu ý việc kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. Nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được vào xem phù hợp với lứa tuổi của các em thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm, tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm. Nội dung này giao Chính phủ quy định chi tiết.

Nhiều luồng ý kiến quanh Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một trong những quy định được giữ lại từ Luật Điện ảnh hiện hành. Tuy nhiên, với thực tế trong 15 năm qua, Quỹ chưa thể được lập và hoạt động, trong phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến khác nhau về nội dung này.

Dự thảo Luật quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, có khả năng tài chính độc lập, có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, chi ngân sách nhà nước. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan ( Quảng Ngãi) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm lý do Khoản 7, Điều 6 lại quy định khuyến khích phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm trong hoạt động điện ảnh, như vậy liệu có hai loại quỹ trong cùng một dự thảo luật là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động điện ảnh hay chỉ cần quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, có nội dung đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực điện ảnh. Đại biểu cũng đề nghị  Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tính khả thi và hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) nêu ra ba lý do để đề nghị cơ quan soạn thảo Luật bỏ quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đó là, luật hiện hành đã quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng 10 năm qua không triển khai thực hiện được. Thứ hai, nội dung chi quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Thứ ba, nếu thành lập quỹ thì Chính phủ vẫn phải cung cấp vốn điều lệ trong khi chưa có khả năng huy động quỹ.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bày tỏ trăn trở trăn trở về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng việc thành lập quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, nếu trường hợp Quốc hội đồng ý có quỹ này thì với nội dung quy định ghi như trong dự thảo sẽ không thành lập được quỹ và đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm tới 2 vấn đề. Một là phải xác định rõ mục đích nguồn thu, cơ chế hoạt động của quỹ và quản lý quỹ như thế nào. Hai là lựa chọn tập trung hỗ trợ cho dự án sản xuất các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, phim tham gia liên hoan phim quốc tế.

Đồng tình với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) cho rằng Quỹ hỗ trợ phát điện ảnh là hết sức cần thiết, được thành lập và là giải pháp quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ, hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam thông qua chính các tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao được giới thiệu, phổ biến đến khán giả nước ngoài tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước chưa bao gồm sản xuất các phim tạm gọi là dòng phim tác giả, phim nghệ thuật, phim đầu tay của các tài năng mới. Quỹ hỗ trợ phát triển hình ảnh được thành lập sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật, qua đó tạo ra được sự hài hòa, phát triển cho các dòng phim của Việt Nam. Sản xuất phim là một lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng có vai trò hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim tại Việt Nam.

Đại biểu đồng ý với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy là cần phải xây dựng cơ chế quản lý quỹ này thật rõ ràng để tạo sự đồng thuận cho các đại biểu. Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần phải được nhà nước cấp kinh phí, do cơ quan quản lý chuyên ngành điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ của các nhà làm phim trẻ, nhất là phim đầu tay.

Cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Việt Đức (TTXVN)