10:07 31/10/2015

Cần cơ chế đặc thù cho dự án sân bay Long Thành

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Đồng Nai vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng vì dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, để di dời, tái định cư cho gần 15.000 dân trong thời hạn 3 năm tới, thực sự là bài toán khó đối với tỉnh Đồng Nai.


Xin cơ chế đặc thù

Năm 2006, sau khi dự án quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch hai khu tái định cư gồm khu Lộc An - Bình Sơn diện tích 282,35 ha và Khu tái định cư Bình Sơn diện tích 282,3 ha và khu nghĩa trang Bình An 50 ha để bố trí, ổn định cuộc sống của các hộ dân. 

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp thứ 9, khóa 13, ngày 25/5/2015, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng "Đề án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành" và "Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư" trình Trung ương phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đã tiến hành điều tra thực trạng dân cư, đất đai vùng dự án.

Ngày 12/8/2011 tại huyện Long Thành, Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty Cảng hàng không Miền Nam đã công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh Đồng Nai đang còn vướng về các quy định của pháp luật, dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư là công việc vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của hơn 4.730 hộ, gần 15.000 dân, 26 tổ chức trong vùng dự án, cho nên cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chính sách giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân phải di dời khi thực hiện dự án.

3 kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai

- UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét chấp thuận cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành Tiểu dự án riêng thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chỉ đạo: Giao cho UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng kể từ cuối năm 2015; chủ đầu tư dự án bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định tại Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ.

- UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng triển khai bước 1 của dự án...

- Đề nghị các bộ, ngành liên quan thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Khung chính sách của dự án theo Điều 87 Luật Đất đai 2013 và Điều 17 Nghị định số 47/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Đồng Nai, 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi nhất là bồi thường phải thỏa đáng, và đẩy nhanh tiến độ triển khai, bởi người dân đã phải chờ đợi dự án hàng chục năm qua. Do vậy, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án. Đồng thời cho tạm ứng kinh phí để tỉnh Đồng Nai sớm triển khai thực hiện.

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, để có thể bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, ngay bây giờ phải thực hiện công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi... Thời gian đã rất gấp rút vì chỉ còn 3 năm. Người dân cũng rất mong mỏi sớm được ổn định cuộc sống, có nơi sản xuất, các điều kiện an sinh xã hội.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án cần căn cứ vào Luật Đất đai. Bên cạnh đó, vận dụng những chính sách đặc thù, trong đó, việc nào trái với Luật Đất đai, phải báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội để giải quyết.

Ngoài ra, theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với một khối lượng công việc lớn, cần huy động thêm các công ty tư vấn về xác định giá đất. Theo quy định của pháp luật, các gói thầu này sẽ phải đấu thầu, nhưng nếu có cơ chế đặc thù, có thể chỉ định thầu nhưng phải chọn các doanh nghiệp uy tín.

Phương án huy động vốn

Một trong những vướng mắc được tỉnh Đồng Nai nêu ra là nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Nguồn vốn này sẽ nằm trong phần vốn đầu tư cho dự án. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước lại đang eo hẹp vì nguồn thu giảm mạnh trong năm 2015.

Để giải bài toàn này, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, chúng ta muốn 10 nhưng ngân sách có thể chỉ cấp cho 3. Do vậy, cần có giải pháp để giải bài toán vốn như: phát hành trái phiếu, tín phiếu cho gần 5.000 hộ bị ảnh hưởng. Ví dụ nếu họ được đền bù 3 tỷ đồng, người dân sẽ nhận 1 tỷ đồng trước, còn lại mua trái phiếu trong vòng 3 - 5 năm, được hưởng lãi suất nhất định, sau vài năm sẽ được nhận toàn bộ số tiền. Tuy nhiên, khi tiến hành việc này phải có sự đồng ý của người dân.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, phương án này có tính khả thi chưa cao. Để giải quyết bài toán này, Đồng Nai cần chủ động nguồn vốn. Hiện mỗi năm Đồng Nai nộp ngân sách 12.000 - 13.000 tỷ đồng. Do vậy, Đồng Nai nên trình Chính phủ cơ chế đi vay vốn bên ngoài, đồng thời xin giảm bớt khoản tiền nộp ngân sách hàng năm khoảng 2.000 - 3000 tỷ đồng để trả nợ dần. Như vậy, sẽ có vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tạo việc làm cho người dân sau khi tái định cư

Để triển khai dự án, công tác đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân là vô cùng quan trọng và cấp thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu.

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trước đây ông từng làm trưởng ban giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp formosa (Hà Tĩnh). Thực tế, số người bị di dời, mất đất được vào làm việc tại Khu công nghiệp formosa chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì doanh nghiệp yêu cầu trình độ ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông, trong khi đa số người dân có trình độ rất thấp.

Theo quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 703/QĐ - TTg ngày 20/7/2005 tổng diện tích đất quy hoạch dự án khoảng 5.000 ha, nằm trên địa phận 6 xã tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bao gồm các xã: xã Bình Sơn (1.998,9 ha), xã Suối Trầu (1.358,6 ha), xã Cẩm Đường (507,8 ha), xã Bàu Cạn (157,7 ha), xã Long An (659,6 ha) và xã Long Phước (317,4 ha).

Do vậy, theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cần nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là lao động trẻ. Xây dựng phương án đào tạo, sử dụng lao động phải gắn với cụm cảng hàng không. Cục Hàng không phải tính toán nhu cầu sử dụng lao động, trên cơ sở đó mới có hướng đào tạo nghề, ưu tiên tuyển dụng lao động bị mất đất vào làm việc trong sân bay.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, nhiều người sẽ là dân nông thôn chuyển lên thành dân đô thị. Do vậy, phải tính toán có bao nhiêu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để có hướng đào tạo chuyển đổi ngành nghề.

Ngoài ra, “Cần có lộ trình để sử dụng 5.000 ha đất dự án hiệu quả, để thực hiện dự án, phải mất hàng chục năm. Trong thời gian này, sẽ sử dụng quỹ đất chưa sử dụng tới như thế nào. Ví dụ, chưa làm tới thì chưa nên chặt cao su, để rồi bỏ đất hoang 5 - 10 năm. Cần dự liệu lộ trình sử dụng đất đã đền bù để không lãng phí”, ông Lịch cho biết thêm.

H.V