11:18 04/11/2016

Cần chấm dứt ngay lối thiết kế "tự sát" sau thảm án karaoke

Hàng loạt vi phạm tại phần lớn các quán karaoke ở Hà Nội lộ rõ sau vụ cháy lớn tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, trong đó, đáng ngại nhất là lối thiết kế "tự sát" trong quá trình cải tạo, bố trí mặt bằng...

Hiện trường vụ cháy tại 68 Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trao đổi về những bất cập, không đảm bảo các quy định, an toàn phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke, chuyên gia thiết kế nội thất, kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao - Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (trụ sở tại phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Việc lơ là, coi nhẹ các điều kiện đảm bảo về an toàn cháy nổ đang là thực tế diễn ra tại không ít các quán karaoke ở Hà Nội.

Nhiều nơi kiến trúc sư thiết kế nội thất, chủ đầu tư có yêu cầu bản vẽ thiết kế phòng cháy chữa cháy để trình cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt. Các bản thiết kế này rất chi tiết, có cả hệ thống báo cháy tự động sprinkler, thiết bị cảm biến cảnh báo cháy, hệ thống màn ngăn nước chống cháy lan Drencher, hệ thống chữa cháy vách tường, chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn, các thiết bị ngăn cháy, chống khói...

"Nhưng khi thi công, các chủ đầu tư đều bỏ qua bản vẽ này mà dựa theo bản vẽ khác. Thực tế là các quán karaoke đều có hai bản vẽ thiết kế. Bản vẽ thiết kế trình cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt thực chất chỉ là bản vẽ hình thức. Và việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy, nếu có cũng chỉ là hình thức đối phó.

Đơn cử, tại các cuộc tổ chức sinh nhật hoặc vui chơi trong các phòng hát karaoke, khi đốt pháo sáng hay hút thuốc lá hoặc đốt nến gây khói mù mịt, đậm đặc thì đâu có thấy thiết bị cảnh báo cháy tự động phát tín hiệu. Mà nguyên lý hoạt động của thiết bị này là dựa trên lượng khói", kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao chỉ rõ.

Liên quan đến thông tin từ phía Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội về việc chủ cơ sở karaoke 68 Trần Thái Tông cải tạo công trình, thay đổi bố trí mặt bằng, công năng sử dụng, dùng những tấm thép dày thay tường ngoài và vách ngăn giữa các phòng hát khiến lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác dập lửa, tiếp cận các vị trí để cứu nạn, kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao cho hay: Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều được cải tạo từ nhà ở.

Các phòng hát ban đầu vốn là nhà ở khá rộng rãi, thông thoáng nhưng khi cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng, các chủ đầu tư lại yêu cầu thu hẹp lại nhằm tăng số phòng lên và thiết kế thật bắt mắt, lộng lẫy. Đồng thời lại bịt hết của sổ, ban công để làm phòng kín, cách âm. "Khi cải tạo theo hình thức này, nguy cơ về người khi xảy ra hỏa hoạn là rất có thể", kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao nhấn mạnh.

Chia sẻ về những hiểm họa từ lối thiết kế "tự sát" này, Tiến sỹ mỹ thuật Quách Thị Ngọc An, giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương nói thêm: Đặc trưng các phòng hát karaoke đòi hỏi các yếu tố về ánh sáng, cách âm, sử dụng.

Đối với việc cách âm, nhiều loại vật liệu được sử dụng để tạo hình mỹ thuật, làm tường cách âm trong phòng hát karaoke như cao su non, lớp mút, lớp ni lông khí, lớp bông thủy tinh kèm theo các lớp bọc phủ bên ngoài trang trí bì vỏ bằng gỗ hoặc thép. Các phòng hát có sử dụng hệ thống đèn led đòi hỏi lượng ánh sáng lớn; đây chính là nguy cơ chập cháy từ điện tại chính các phòng hát. Nguy cơ đó lại gia tăng thêm từ các vật liệu làm ghế ngồi, sô pha mà chủ cơ sở lắp đặt tại các phòng hát nhằm tạo sự thoải mái cho khách hàng.

"Để chặn hiểm họa cháy nổ này, các phòng hát phải có hệ thống báo cháy và bình cứu hỏa để có thể chữa cháy tại chỗ. Điều quan trọng là các chủ quán phải tự ý thức phòng ngừa, thực hiện nghiêm quy định pháp luật", Tiến sỹ Quách Thị Ngọc An khẳng định.

Trước đó, thông tin với báo chí, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho biết: Có rất nhiều bất cập gây trở ngại, khó khăn cho lực lượng chức năng khi chữa cháy, cứu nạn trong vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông. Bất cập nhất chính là hạ tầng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở này.

Quán karaoke do Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1986, trú phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) làm chủ, có 9 tầng, diện tích mặt sàn 90 mét vuông, vốn là nhà dân được thuê lại chuyển đổi công năng. Cơ sở này đã cải tạo công trình, thay đổi bố trí mặt bằng khi kết cấu khi từ tầng 3 đến 6 không làm tường ngoài mà làm bằng khung thép.

Ngăn cách giữa các phòng cũng không bằng tường mà bằng khung thép, bông xốp thủy tinh. Khi xảy cháy, các phòng thông nhau cháy càng nhanh. "Các bức tường được kết cấu bằng khung thép dày 1,5mm, ở giữa là xốp cách nhiệt, gỗ dán bên trong và ngoài cũng là một lớp thép dày 1,5mm nữa để trang trí. Từ tầng 7 đến tầng 9 không làm phòng hát mà để ở nên xây tường. Thang máy đưa lên chỉ tổ chức phá được cấu kiện các tầng này", Đại tá Tuấn Anh nói.

"Chúng tôi nắm được thông tin ban đầu là người bị nạn nằm ở tầng 5, tầng 6. Tuy nhiên Cảnh sát chữa cháy gặp nhiều khó khăn, hướng tiếp cận bị khống chế do toàn bộ phía trước lắp khung sắt, khung thép, tôn làm biển quảng cáo, vách ngăn kim loại. Vì quán kín như thế nên khả năng thoát nhiệt, thoát khói rất kém nên sau khi cơ bản dập tắt vào 15 giờ 45 phút, lửa lại bùng phát, cháy lại vào 16 giờ. Hậu quả vụ cháy là 13 người chết", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)