05:15 19/05/2022

Cận cảnh thông hầm Dốc Sạn trước 3 tháng trên tuyến cao tốc Bắc Nam

Hầm Dốc Sạn xuyên núi Dốc Sạn qua tỉnh Khánh Hòa là một trong những "mắt xích" quan trọng trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 thuộc dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Hầm gồm 2 ống trái phải song song, dài 700 m/ống, vừa được doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Tập đoàn Sơn Hải) đào thông ống hầm phải. Ống trái hầm dự kiến đào thông vào trung tuần tháng 6/2022.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải), việc thông ống hầm phải hướng Bắc vào Nam đánh dấu mục tiêu đảm bảo tiến độ vượt 3 tháng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (cơ quan đại diện quản lý Nhà nước) đề ra. Riêng ống hầm phải còn khoảng 60m dự kiến khoảng 20 ngày nữa sẽ được đào thông kỹ thuật.

Chú thích ảnh
Hai cửa ống hầm Dốc Sạn nhìn từ trên cao. 
Chú thích ảnh
Thông tin bình đồ và các hạng mục thi công hầm Dốc Sạn. 
Chú thích ảnh
Tập kết máy móc, thiết bị, nhân lực tại chỗ trước khi đào thông ống hầm phải.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua 2 huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý III/20223, trong đó gói hầm Dốc Sạn xuyên núi Dốc Sạn - gói thầu XL3 có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cửa ống hầm phải trước khi được đào thông.
Chú thích ảnh
Nhà thầu dự án đưa máy khoan chuyên dụng hàng nặng vào đào thông hầm. 
Chú thích ảnh
Lớp vỏ đá cuối cùng trước khi được đào thông.
Chú thích ảnh
Đơn vị thi công đặt mìn nổ thông lớp vỏ đá cuối cùng trong ống phải hầm.
Chú thích ảnh
Ánh sáng bên ngoài ống phải hầm chiếu sáng vào trong hầm sau lớp vỏ đá cuối cùng được đào thông.
Chú thích ảnh
Và ánh sáng thông ống hầm phải.

Mục sở thị cảnh đào thông hầm Dốc Sạn, chúng tôi được chứng kiến cảnh doanh nghiệp dự án huy động tối đa máy móc thiết bị chuyên dụng, hàng trăm công nhân tại chỗ tập trung cao độ thi công những mũi khoan cuối cùng để đào thông hầm trong bối cảnh luôn hầm hập, ngột ngạt, thiếu khí... nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Ông Trần Văn Hợp, cán bộ giám sát thi công hiện trường hầm Dốc Sạn chia sẻ, doanh nghiệp dự án đã có kinh nghiệm thi công nhiều hầm xuyên núi ở các địa phương, nên tiến độ thông hầm được đảm bảo. Bên cạnh đó, địa chất hầm khô ráo, chủ yếu cốt đá cứng, không lẫn đất, nên công nhân thuận lợi khi khoan thăm dò, nổ mìn, lấy đá, phun bê tông... theo đúng kỹ thuật.

Bài, chùm ảnh: Tiến Hiếu/Báo Tin tức