06:09 06/06/2017

Cán bộ vừa thả cá giống, dân chài đón lõng dùng xung điện vợt

Trong bán kính từ 2 - 5 m, mọi loài thủy sinh đều bị tận diệt khi họ dùng bộ kích điện lên tới 24.000 vôn tự chế từ ắc quy hay máy nổ để phóng sào, vợt cá.

Trên lưu vực sông Đà, hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước gần 9.000 ha, thuộc địa phận 5 huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong và thành phố Hòa Bình với 19 xã ven hồ. Đây được coi là nơi sinh sống của nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao; trong đó, có nhiều loài cá quý hiếm như cá chiên, cá bỗng, cá lăng, cá dầm xanh, anh vũ...

Hàng năm, tỉnh Hòa Bình đều dành kinh phí, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức thả cá giống nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực hồ Hòa Bình.

Năm 2014, tỉnh tổ chức thả xuống hồ 35.000 con cá giống; năm 2015 thả bổ sung 57.100 con cá giống chày mắt đỏ, mè hoa, mè trắng, ngạnh, bỗng. Năm 2017 vừa thả bổ sung 1,2 tấn cá, khoảng 30.000 con xuống hồ. Nguồn cá giống bổ sung nhằm tận dụng được dinh dưỡng của hồ và góp phần làm sạch môi trường giữ vững được sự cân bằng sinh thái cho thủy vực.

Thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản khu vực xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình). Ảnh: Vũ Hà/TTXVN

Song, mục đích tốt đẹp ấy hầu như không đạt được bởi những năm gần đây, các hoạt động khai thác, đánh bắt cá quá nhiều, thường xuyên, bằng các hình thức nguy hiểm. Cụ thể là dùng thuốc nổ, xung điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thủy sinh và nguồn cá của hồ, một số loại đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.

Nghịch lý xảy ra là cán bộ thủy sản vừa thả xong cá giống ra về thì có hộ dân chài đã đón lõng dùng xung điện để vợt cá thương phẩm. Trong bán kính từ 2 - 5 m, mọi loài thủy sinh đều bị tận diệt khi họ dùng bộ kích điện lên tới 24.000 vôn tự chế từ ắc quy hay máy nổ để phóng sào, vợt cá. Nguy hiểm hơn, tại vùng hồ Hòa Bình, từ năm 2003 đến nay đã có 4 trường hợp dân chài tử nạn do sơ ý trong khi đánh cá bằng xung điện.

Ông Đinh Công Út, Bí thư Chi bộ xóm Xăng Trạch, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc cho biết, do công tác quản lý khai thác thủy sản của ngành chức năng chưa nghiêm, chưa ai bị bắt hoặc xử phạt nên cả xóm có tới 40 hộ đánh bắt cá bằng xung điện. Trong 2 năm 2016 - 2017, xóm có 2 người bị chết trên hồ cũng do xung điện.

Để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực khai thác thủy sản, tháng 5/2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành công an, thủy sản phối hợp với chính quyền các xã ven hồ tổ chức đợt tuyên truyền vận động các hộ dân ký cam kết không dùng chất nổ, chất độc, dùng xung điện đánh bắt thủy sản, song có rất ít hộ tự nguyện giao nộp bộ xung điện trị giá từ 1 đến 2 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa chia sẻ: "Xã có tới 70 hộ đánh bắt cá bằng xung điện, chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh như: hộ nào còn tàng trữ, không giao nộp dụng cụ kích điện thì không đưa vào diện bình xét gia đình văn hóa hàng năm. Đồng thời, xã cũng tạm dừng hỗ trợ kinh tế của các dự án đến hộ cho đến khi thôi đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt môi sinh."

Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, đó mới là kết quả bước đầu. Để bảo vệ lâu dài và bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ đạt hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ngành sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương xử lý nghiêm mọi trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, sai quy định.

Nhan Sinh (TTXVN)