12:17 24/12/2015

Cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu

Mặc dù quy ước về việc cưới xin, tang ma đơn giản, tiết kiệm đã được Nhà nước ban hành từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân không tuân thủ chỉ thị của Chính phủ, khi họ vẫn làm đám cưới, tổ chức tang ma một cách hoành tráng, lắm lễ lạt, và đặc biệt là vô cùng tốn kém.

Đáng nói, hiện nay tại rất nhiều địa phương, có không ít người là đảng viên, là cán bộ giữ các chức danh trong UBND phường, xã, huyện, thậm chí là cả thành phố, cũng “phớt lờ” chỉ thị của Nhà nước, khi tổ chức cưới hỏi cho con em mình, hay làm tang ma cho ông bà, cha mẹ mình một cách phô trương, với cỗ bàn tiệc tùng rất hoành tráng.

Về nguyên tắc, đường lối, chính sách, cũng như các chỉ thị từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành ra thì người đảng viên, cán bộ các cấp dưới ở địa phương phải là những người lĩnh hội trước tiên, để rồi phổ biến tới người dân, rồi hướng họ thực hiện. Nói riêng về việc tổ chức cưới xin, tang ma, có thể công tác tuyên truyền, giáo dục của đảng viên, cán bộ địa phương đối với người dân là vẫn rất tích cực, nhưng chính họ, gia đình họ lại không hề gương mẫu, không hề đi đầu trong việc tiết kiệm!

Xin dẫn ra đây ví dụ, về một cán bộ xã của một huyện ngoại thành nọ, khi mới đây ông ta tổ chức cưới cho cậu con trai. Tiệc cỗ nhà ông ta không chỉ đặt tới cả trăm bàn tại một khách sạn ở thị trấn huyện, mà còn tổ chức ăn uống linh đình trong suốt 2 ngày tại nhà. Đám cưới con nhà “quan” xã này qua đi cả tuần rồi vậy mà dân làng vẫn bàn tán xôn xao về bao chuyện xoay quanh nó.

Chẳng riêng gì tiệc cưới, mới đây đi dự tang lễ một cụ ông chỗ họ hàng xa, mà con gái cụ làm phó bí thư một xã tại tỉnh H., tôi thấy “bất ngờ” khi chị ta làm tang cho bố “to” thế. Quan khách đến phúng viếng xong đều được mời ăn cỗ ngay tức thì. Sau buổi đưa tang, khách còn được mời dự lễ cúng 3 ngày và lại được ăn cỗ tiếp. Nói chung là tiệc cỗ cứ được dọn ra thoải mái, khách ăn mấy bữa tùy ý... Chứng kiến đám tang “to” với cỗ bàn tốn kém như vậy, tôi nghĩ trong lúc tang gia bối rối như vậy thì việc tổ chức tiệc cỗ là không nên, không cần thiết một chút nào, bởi khách đến chia buồn, phúng viếng người chết là tình nghĩa, chứ không phải đến để được ăn cỗ. Với một cán bộ xã như chị thì lại càng phải làm việc tang giản đơn, tiết kiệm mới đúng, như thế dân trong làng, xã mới học tập noi theo...

Nói tóm lại, muốn người dân thực hiện việc cưới hỏi, tang ma đơn giản, tiết kiệm thì những người đảng viên, cán bộ tại các địa phương phải là những người đi đầu, gương mẫu khi tuyệt đối không được tổ chức cỗ bàn tiệc tùng linh đình khi gia đình nhà mình có công việc...
Nguyễn Thị Loan