09:08 05/09/2013

Cần bám sát thực tiễn

Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã thu được nhiều kết quả thiết thực đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa...

Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã thu được nhiều kết quả thiết thực đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền… Tuy nhiên, để chương trình không đi chệch mục tiêu thì cần bám sát thực tế hơn nữa.


Đã đi đúng hướng


Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, Chương trình đảm bảo đúng nội dung, đối tượng. Trong đó, dự án 1 - Tăng cường năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở đã xây dựng và ban hành chương trình khung, tài liệu đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thông tin truyền thông cơ sở, gửi cho các địa phương để triển khai đào tạo, bồi dưỡng. Các tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo cho 7.595 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Dự án 2 - Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở đã đầu tư thiết lập mới và nâng cấp được 144 đài truyền thanh xã; nâng cấp được 72 Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại; Mua sắm và cung cấp 27 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở.


Khánh thành cụm thông tin đối ngoại tại Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: KP

 

Đối với Dự án 3 - Tăng cường nội dung thông tin về cơ sở đã thực hiện biên tập, sản xuất được 876 Chương trình truyền hình; thực hiện biên tập, sản xuất và phát sóng 2.180 chương trình phát thanh trên hệ thống đài phát thanh tỉnh, huyện và hệ thống đài phát thanh xã. Đặt hàng các nhà xuất bản sáng tác, xuất bản, in và phát hành được 1.080.900 cuốn sách chuyên đề để cung cấp và quảng bá đến các xã thuộc phạm vi của 48 tỉnh thực hiện chương trình; tổ chức sáng tác, xuất bản, in, phát hành và quảng bá 1.299.441 ấn phẩm truyền thông đến các xã thực hiện Chương trình để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến các kiến thức về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của từng địa phương, khu vực; thiết lập hai cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tỉnh Quảng Trị và khu vực Thác Bản Giốc tỉnh Cao Bằng.


Cần bám sát hơn


Thực tế qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy đến nay cơ sở vật chất đài truyền thanh xã còn thiếu và chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin truyền thông thiếu và yếu về chuyên môn, chế độ cho cán bộ đài chưa đảm bảo. Cơ cấu tổ chức “kiềng 3 chân” chưa phù hợp với thực tiễn: Trưởng đài, phát thanh - biên tập và kỹ thuật. Phụ trách địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi, sông hồ phức tạp khiến mỗi cán bộ đài phải am hiểu cả phát thanh, biên tập, kỹ thuật và sẵn sàng đảm trách công việc mỗi khi có sự cố. Hệ số lương thấp (1,46), chưa được đóng bảo hiểm, không có chế độ trực đêm, định mức nhuận bút thấp (8.000 - 30.000 đồng/bài). Cơ chế hiện tại không cuốn hút người trẻ làm công tác thông tin tuyên truyền cơ sở.

Vừa qua, tại Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), Bộ TT&TT phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức bàn giao và khánh thành Cụm thông tin đối ngoại, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Theo đó Thác Bản Giốc sẽ được tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, chính sách pháp luật của Nhà nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước với các nước láng giềng, bạn bè quốc tế và khu vực. Thông tin về các lĩnh vực đời sống xã hội, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, về đất nước và con người Việt Nam đến với quần chúng nhân dân ở vùng sâu vùng xa, bạn bè các nước láng giềng có chung đường biên giới và bạn bè quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Cụm thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc bao gồm các hạng mục đầu tư: Màn hình LED 28 mét vuông lắp trên cột cao, bộ trang âm hệ thống loa đài, màn hình TV di động và phim tài liệu để phát hành phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại tại khu vực cửa khẩu. Tổng giá trị đầu tư là 3,5 tỷ đồng.


Cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu thông tin. Điển hình như xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) với một đài trung tâm, hai đài khu vực, 10 tháp loa, 36 loa và 13 km đường dây chỉ có thể đáp ứng được 70% nhu cầu nghe đài của nhân dân. Để đáp ứng được 100% nhu cầu này cần đầu tư lên 20 tháp loa và 30 km dây. Nếu tính chi tiết, đây là một khoản kinh phí không nhỏ với ngân sách eo hẹp của địa phương. Các xã như Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân huyện Thạch Thất khi sáp nhập về Hà Nội được đầu tư hệ thống Đài Truyền thanh mới, song theo phản ánh, chất lượng không ổn định, hệ thống chống sét không đảm bảo nên khi bị sét đánh thường cháy chập 100%.


Những xã có đông đồng bào dân tộc ở Hà Nội còn khó khăn như vậy, những xã ở các huyện vùng cao Tây Bắc thì chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền của các đội tình nguyện do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc Phòng văn hóa huyện tổ chức. Hệ thống đài phát thanh xã hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào đài huyện. Một cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Điện Biên cho biết, hơn 10 xã của huyện Mường Nhé chưa có đài phát thanh riêng, mà hệ thống loa mắc ở các trung tâm xã được phát qua sóng vệ tinh. Khi nào đài huyện phát thì hệ thống này cũng phát, nội dung cũng từ đài huyện mà ra…


Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm thực hiện mục tiêu “công bằng, văn minh”. Con người có thêm thông tin là thêm cơ hội trong cuộc sống. Mỗi người dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có quyền hưởng thụ thông tin ở mức tối đa để vận dụng và tạo cơ hội cho chính mình. Đối với dân cư ở những khu vực khó khăn, thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học dạy cách làm giàu, thông tin để hướng thiện và lên án cái xấu, thông tin giải trí lành mạnh… tất cả đều rất quan trọng. Cần cụ thể hóa chủ trương lớn, mục tiêu tốt đẹp đó bằng hoạt động thực tế, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân.


Minh Phúc

Ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng:

Nên có quy chế vận hành các thiết bị

Để khai thác Cụm thông tin đối ngoại tại Thác Bản Giốc được hiệu quả nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có một quy chế về vận hành các trang thiết bị, phương án khai thác và sử dụng các nội dung tuyên truyền chủ trương đối ngoại và giới thiệu vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam để nhiều người dân và du khách quốc tế biết đến nhất.

Ông Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:

Đài truyền thanh cơ sở - kênh thông tin hiệu quả

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin nhanh, hiệu quả và thiết thực, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Do đó cần phải sử dụng công cụ này một cách có hiệu quả để góp phần thực hiện tốt các chính sách phát triển về kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng của tỉnh. Đồng thời, chú ý đánh giá đúng các hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở phải tiến hành củng cố, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở. Bám sát nhiệm vụ kinh tế, an ninh - quốc phòng của địa phương, cần đưa ra một chương trình trọng tâm, trọng điểm về công tác truyền thanh để phát triển.

Ông Hoàng Thành Kính - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn:

Cần nâng cao chất lượng thông tin cơ sở

Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa vừa có tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở ở vùng sâu, vùng xa là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân về thông tin, tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và văn hóa mà còn góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền, đấu tranh với các luận điệu sai trái, tiêu cực xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trạm truyền thanh cấp xã đều bị hỏng và xuống cấp nghiêm trọng nên cán bộ phụ trách và cán bộ văn hóa xã không có điều kiện áp dụng những kiến thức đã tiếp thu được tại lớp tập huấn vào thực tiễn công việc hàng ngày. Là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, các xã được đầu tư cơ sở vật chất đều ở vùng sâu, vùng xa, việc phủ sóng của các trạm truyền thanh không tới 100% các thôn, bản… Vì vậy, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục nâng cao diện phủ sóng và chất lượng sóng phát thanh, truyền hình, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất hệ thống Đài truyền thanh cơ sở.q