09:17 17/09/2021

Campuchia lên kế hoạch đón du khách quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 17/9, để nhanh chóng hồi phục ngành du lịch, tạo công việc làm cho hàng chục nghìn lao động, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Du lịch nước này cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo người đứng đầu Chính phủ Campuchia, việc khôi phục trở lại ngành công nghiệp du lịch nên thực hiện theo 2 bước. Đầu tiên là hướng tới du lịch nội địa. Bước tiếp theo, sẽ cho phép những du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine được vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày. Trong thời gian cách ly, du khách thuộc diện này sẽ không bị hạn chế lưu trú trong khách sạn, mà có thể đi lại trong khu vực nơi họ đến theo sự sắp xếp của Bộ chủ quản hoặc chính quyền địa phương. 

Thủ tướng Hun Sen gợi ý rằng trong kịch bản này, nếu du khách tới trung tâm du lịch Siem Reap, trong phạm vi hành chính của tỉnh, họ có thể đi thăm các đền đài nổi tiếng tại đây. Theo kế hoạch, Thủ tướng Hun Sen đã giao Hội đồng Bộ trưởng Campuchia và Bộ Du lịch cân nhắc về kế hoạch mở cửa ngành du lịch. Ngành du lịch Campuchia trước đại dịch COVID-19 từng đóng góp tới 11,5% vào giá trị GDP cả nước, nhưng hiện đang bị cuộc khủng hoảng đại dịch tàn phá nặng nề. 

Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm nay, đã có thêm 527 doanh nghiệp lữ hành Campuchia buộc phải đóng cửa hoàn toàn trong tổng số 3.389 công ty thuộc lĩnh vực này đã phải tạm dừng hoạt động kể từ đầu năm 2020. Do quy định du khách nước ngoài bị buộc phải cách ly 14 ngày phòng dịch, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, lượng khách nhập cảnh vào 3 sân bay quốc tế của Campuchia giảm hơn 93% nếu so với 7 tháng đầu năm 2020. Theo người phát ngôn Bộ Du lịch Campuchia Top Sopheak, những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động gồm các đơn vị dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng, massage, vận tải đường bộ, lữ hành.

*Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết việc tạm dừng các chuyến du lịch miễn cách ly (QFT) giữa New Zealand và Australia đã được kéo dài thêm 8 tuần nữa, trong bối cảnh bùng phát số ca mắc biến thể Delta.

Bộ trưởng Hipkins cho biết khi QFT được thiết lập, cả hai nước đều có rất ít ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và có chung chiến lược loại bỏ dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi đáng kể dẫn đến quyết định tiếp tục tạm dừng thực hiện QFT thêm 8 tuần nữa.

Theo ông Hipkins, Australia vẫn đang đối mặt với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, với số ca mắc tiếp tục tăng đều ở New South Wales, Victoria và vùng lãnh thổ thủ đô Canberra. Một số ít ca mắc cũng tiếp tục xuất hiện từng đợt ở các bang và vùng lãnh thổ khác. Bộ trưởng Hipkins nhấn mạnh việc bảo vệ New Zealand trước mọi nguy cơ lây lan biến thể Delta là một "ưu tiên tuyệt đối". Ông cho biết những người đến từ Australia nên đặt phòng trước trong các cơ sở cách ly được quản lý của New Zealand. 

*Từ ngày 25/9 tới, Hà Lan sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tang, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. 

Trước đó, ngày 16/9, đa số nghị sĩ trong Quốc hội Hà Lan đã bác bỏ kiến nghị kêu gọi chính phủ thay đổi quyết định về “thẻ thông hành vaccine”. Thủ tướng Mark Rutte đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm mới, lưu ý “Hà Lan vẫn đang trong một tình cảnh nguy hiểm” và việc không thực hiện điều này sẽ “mang lại rủi ro lớn”.

Theo dữ liệu chính thức, khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 2.000 ca/ngày, trong khi khoảng 600 bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị trong bệnh viện.

Trần Long - Phương Oanh (TTXVN)