01:12 14/01/2019

Cấm quay phim, chụp ảnh nơi cơ quan công quyền

“Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố” được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 3/1, gồm 26 điều quy định, trong đó có những quy định chung, có quy định đối với công dân, quy định đối với người tiếp công dân và quy định các trường hợp từ chối tiếp và lập biên bản yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật; khá chi tiết và đầy đủ.

Những quy định này, cơ bản đều nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, có một quy định lại khiến dư luận nhiều băn khoăn, đó là việc công dân “Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Về quy định này, trong một chia sẻ mới đây với báo giới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Tất cả các Phòng tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và của Trung ương đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm và ghi hình.

Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc. Trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Và sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng lý giải, quy định về việc cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm này là để chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân, nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi làm việc, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố, một lãnh đạo Ban Tiếp công dân Thành phố Hà Nội cũng cho rằng, quy định này nhằm tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp. Đặc biệt là ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, vu khống…

Cũng theo đại diện này, quy định không xâm phạm quyền lợi của người dân, cũng không hề ảnh hưởng đến người dân, vì Luật Tiếp công dân có ghi rõ các quyền của công dân như quyền được bảo đảm, được trình bày; nhưng đồng thời cũng quy định nghĩa vụ của công dân là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó.

Thực ra, chúng ta có thể hiểu lý do vì sao mà người dân còn băn khoăn với quy định này. Trên thực tế, dù Hà Nội đã xây dựng năm Kỷ cương hành chính (năm 2017), rồi ra Chỉ thị về “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố” (năm 2018) đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực trong hệ thống công quyền Thủ đô, nhưng đây đó vẫn còn những cán bộ chưa thực sự coi mình là “công bộc” của dân, vẫn có thái độ chưa đúng mực, thiếu niềm nở, cách giải quyết công việc chưa được như mong đợi của người dân… dẫn tới những bức xúc nhất định nào đó.

Tôi còn nhớ lần tới một UBND phường, chứng kiến cảnh một cụ bà tới xin giấy… chứng nhận độc thân để làm sổ đỏ cho căn nhà đã gắn bó với mình bao năm qua. Ở thời điểm đó, thủ tục này đã được xếp vào  một trong những dịch vụ công trực tuyến, có nghĩa là phải làm trên mạng. Với những người “công nghệ hiện đại” có mặt tại trụ sở hôm đó, việc khai các nội dung, chụp ảnh giấy tờ để đưa lên mạng cũng đã khá chật vật; nói gì tới một cụ già trong tay chỉ có cái điện thoại “cục gạch”. Thế  nhưng, cô nhân viên “nhà nước” vẫn kiên quyết yêu cầu cụ đăng ký, mà không có bất cứ một hướng dẫn, hỗ trợ nào, thậm chí còn có thái độ khó chịu vì bị hỏi nhiều quá. Nhìn cụ già đứng lúng túng ở đó, có người đành khuyên cụ về nhờ con lên làm giúp…

Dù chỉ là một vụ việc cá biệt, nhưng nó cũng đã khiến một số người dân mất lòng tin và họ chọn phương án “tự bảo vệ” mình bằng cách quay phim chụp ảnh, ghi âm khi tới “cửa công”. Cách làm này có đúng, có sai. Có những vụ việc phản ánh chính xác, góp phần giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý, chấn chỉnh cán bộ, thực hiện vai trò “nêu gương” của cán bộ. Nhưng ngược lại, cách làm này, ở một chừng mực nào đó, đã bị lạm dụng, kiểu cứ không hài lòng là giơ máy quay rồi dọa “đưa lên mạng”, bất chấp mình đúng hay sai, cán bộ công quyền sai hay đúng.

Việc đưa quy định “Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” vào nội quy tiếp công dân vì vậy có cái “lý” của lãnh  đạo thành phố Hà Nội và việc dân phản ứng với quy định này cũng là cái “lý” của dân. Điều quan trọng lúc này không phải cãi “lý” ai sai, ai đúng, mà là việc tìm một giải pháp dung hòa, làm sao để đảm bảo môi trường an toàn, văn minh tại trụ sở tiếp công dân; giúp cán bộ an tâm làm việc, mà giúp dân cũng an tâm tới trình bày những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình.

Hãy xây dựng một văn hóa, văn minh tại cơ quan công quyền, nơi dân và cán bộ thật sự có thể tìm được tiếng nói chung, dân ra dân, cán bộ ra cán bộ!

Phạm Tuyết