05:10 19/05/2020

Cảm nhận từ một người bạn Nga của Việt Nam về phong cách lớn Hồ Chí Minh

"Cần phải tiếp cận gần với con người này để hiểu được rằng tại sao nhân dân đã gọi Người là Bác Hồ. Người mặc bộ vét mỏng bằng vải gai, trên cổ quàng khăn ấm. Trên bàn cạnh tờ báo là hộp kính và hộp sắt màu đỏ đựng thuốc lá. Trong không khí gia đình, Bác Hồ tươi cười hồn hậu ôm hôn chúng tôi 3 lần theo phong tục Nga..."

Chú thích ảnh
 Bác Hồ thăm nông dân hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh: TTXVN 

Tôi đã có vinh dự và may mắn được cùng với làm việc với ông Evghenhi Glazunov, nguyên Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt, người đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.

Được tìm hiểu về quá trình sưu tầm tài liệu hiện vật của ông về Bác Hồ, được tận mắt nhìn thấy những tấm ảnh Bác đã phai đi theo thời gian nhưng vẫn trong veo trong ký ức, từng mẩu báo có tin, ảnh về Bác được ông Glazunov cất giữ cẩn thận, lưu giữ như báu vật trong suốt nửa thế kỷ qua, tất cả những điều đó đã để lại trong tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Bài báo có tiêu đề "Từ ghi chép về Việt Nam: TỪ NHỎ ĐẾN VĨ ĐẠI" dưới đây là một trong những bài báo được ông Glazunov lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông có để lại cho tôi và nhờ tôi khi có điều kiện dịch lại để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Tác giả của bài ghi chép là Boris Pankin, nhà ngoại giao Liên Xô, từ tháng 9-11/1991 đã từng làm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Bài báo viết về cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2/1969, được đăng trên báo Thanh niên và Sự thật của Liên Xô (năm 1969)

TỪ NHỎ ĐẾN VĨ ĐẠI

Như truyền thông đã đưa tin, đoàn đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Lenin (VLKCM) dẫn đầu là Bí thư thứ nhất E.Tyazennicov đã sang thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hôm nay chúng tôi đăng phóng sự của một thành viên trong đoàn, tổng biên tập báo “Sự thật thanh niên” B. Pankin.

Khi trở về từ chuyến công tác nước ngoài, người ta thường hỏi bạn về cảm tưởng sâu sắc nhất. Đối với những ai đã từng đến Việt Nam câu hỏi này không có ý nghĩa. Có cảm giác như không thể tách biệt được cảm xúc này với cảm xúc khác. Tất cả những gì chứng kiến- đều đã trải qua.

Dẫu vậy thì vượt qua những cảm xúc thông thường, câu chuyện về chuyến đi của Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Lênin đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi muốn được bắt đầu từ sự kiện diễn ra ngay trước khi Đoàn chuẩn bị rời Việt Nam về nước. Vào buổi sáng ngày hôm đó chúng tôi nhận được tin, chúng tôi sẽ có cuộc gặp với đồng chí Hồ Chí Minh.

15 ngày của Đoàn tại Việt Nam đã trôi qua. Hai tuần chúng tôi được sống theo một lịch trình đặc biệt của tâm hồn và trái tim. Chúng tôi đã có những cuộc gặp với thanh niên Việt Nam, với các bậc tiền bối của Đảng, với các chiến sĩ, những người thợ mỏ, với nông dân, sinh viên, học sinh, những công nhân cảngChúng tôi đã có hành trình dọc theo đất nước và du lịch xuyên qua lịch sử. Và bây giờ chúng tôi lại đang sắp được gặp gỡ với người đặt nền móng cho cách mạng. Với con người mà Việt Nam tất cả, từ cụ già đến em nhỏ, đều gọi là Bác Hồ, dồn cả trong cách gọi đó tình cảm kính trọng và yêu thương đối với Người.

Thời gian là một thử thách nghiệt ngã. Đối với một nhân cách lớn càng lớn thì thử thách càng phức tạp. Vì thế thật không đơn giản đối với một con người mà trọn cả lịch sử thời đại đã lãnh đạo nhân dân, sáng lập và lãnh đạo Đảng, giành chính quyền nhưng vẫn là một con người bình thường giản dị, kề vai sát cánh với đồng bào mình. Người đã trở thành huyền thoại và người đương thời đối với họ.

Chúng tôi cũng sẽ được gặp một trong những cộng sự của Hồ Chí Minh, đó là Thủ tướng Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng.

Không khó để hình dung mối quan tâm của chúng tôi với những con người này, những người đang là trung tâm chú ý của cộng đồng thế giới. Chúng tôi cũng tin chắc rằng cuộc gặp gỡ sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu và chính xác hơn những gì mình đã chứng kiến tại Việt Nam.

Cuộc gặp diễn ra trong ngôi nhà nhỏ của Hồ Chủ tịch, nằm bên cạnh với trụ sở làm việc chính của Người. Thủ tướng đã đón chúng tôi trước ngưỡng cửa nhà, còn Hồ Chí Minh đợi chúng tôi trong phòng khách nhỏ, Người đang ngồi với một tờ báo trên tay.

Cần phải tiếp cận gần với con người này để hiểu được rằng tại sao nhân dân đã gọi Người là Bác Hồ. Người mặc bộ vét mỏng bằng vải gai, trên cổ quàng khăn ấm. Trên bàn cạnh tờ báo là hộp kính và hộp sắt màu đỏ đựng thuốc lá. Trong không khí gia đình, Bác Hồ tươi cười hồn hậu ôm hôn chúng tôi 3 lần theo phong tục Nga, Người như muốn nói với chúng tôi rằng chúng ta không phải đang trong một cuộc gặp chính thức. Đó là cuộc trao đổi thân thiện của những bậc tiền bối cách mạng với những đồng chí thanh niên, đại diện cho thanh niên Xô Viết, những thanh niên luôn có tình cảm đặc biệt với Người, luôn cuốn hút bởi Người, ngay từ khi Người tiếp xúc với họ lần đầu tiên vào những năm 1920 xa xôi.

Bác Hồ cũng bắt đầu câu chuyện chúng tôi bằng câu chuyện về thời gian đó. Và chúng tôi ngay từ những phút đầu gặp gỡ đã hiểu rằng nhân dân đã không tình cờ gọi Người là Bác Hồ. Khoảng gần cuối cuộc gặp, Hồ Chí Minh cho chúng tôi xem một bức ảnh, tấm ảnh mà giờ đây đã nổi tiếng trên toàn thế giới  (các bạn có thể thấy trong tờ báo này). Trong tấm ảnh là hình một cô gái Việt Nam bé nhỏ, trông như một thiếu nhi, áp giải một phi công Mỹ bị bắn rơi.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp bài báo "Từ ghi chép về Việt Nam: TỪ NHỎ ĐẾN VĨ ĐẠI", với tấm ảnh cô gái Việt Nam bé nhỏ, trông như một thiếu nhi, áp giải một phi công Mỹ bị bắn rơi.

Đôi lúc những vị khách nước ngoài hỏi tôi: Việt Nam là một nước tương đối nhỏ và vẫn sống trong tình trạng nghèo, từ đâu họ có thể tìm được sức mạnh trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ? Khi tôi nghe thấy câu hỏi này, tôi không cần nói gì mà chỉ đưa bức ảnh này.

Chúng tôi cảm giác rằng bằng những hồi tưởng của mình về nước Nga Xô viết, Hồ Chí Minh như muốn giúp chúng tôi tìm thấy chìa khóa cho sự hiểu biết về nhiều mặt của cuộc sống của nước Việt Nam ngày nay, về nhân dân Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước.

Lần đầu tiên Hồ Chí Minh, khi đó mọi người gọi là Nguyễn Ái Quốc, đến Liên Xô vào năm 1924. Con đường của Người để đến được Moskva, con đường của một người cộng sản Việt nam hoạt động bí mật đã phải trải qua mất vài tháng. Người sẽ tham gia vào Đại hội lần thứ V của quốc tế cộng sản. Người mơ ước được gặp Lenin. Nhưng con tàu mà Người đi chặng đường cuối cập cảng Leningrad vào ngày thứ hai sau khi Lenin qua đời. Cú sốc mạnh này, như Hồ Chí Minh kể với chúng tôi, đã khiến Người càng chú ý hơn, tìm hiểu sâu hơn cuộc sống của nhân dân đang xây dựng cuộc sống mới.

Tôi khi đó thường xuyên gặp thanh niên, những đoàn viên Komsomol - Hồ Chí Minh nói - tôi có mặt ở những nhà máy, những cuộc họp. Mặc dù bản thân tôi khi đó không còn ở độ tuổi Komsomol nữa. Thời gian đó các bạn đang gặp khó khăn. Người im lặng một chút và nói thêm - Như chúng tôi, ở Việt Nam bây giờ.

Nhưng có sự khác nhau - đồng chí Phạm Văn Đồng lưu ý - Đất nước các bạn là nước đầu tiên, thách thức chủ nghĩa tư bản. Còn giờ đây chúng tôi đã có Liên Xô, cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa bên cạnh.

Trở thành những người đi tiên phong - đó là sứ mệnh khó khăn. Nhân dân Liên Xô đã không chỉ một lần hy sinh vì chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định.

Khi tôi đến đất nước các bạn 3 năm sau vào năm 1927 - Người tiếp tục câu chuyện của mình - đã có nhiều thay đổi. Đất nước gần như đã khôi phục lại được nền kinh tế. Các bạn đã làm thay đổi tất cả .Trong cửa hàng đã có nhiều hàng hóa hơn. Trên đường có thể nhìn thấy ô tô, của các bạn, của trong nước sản xuất. Người dân đã ăn mặc tươm tất hơn hẳn. Mà trước đó đất nước đã chịu bao đổ nát, bao nhiêu con người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền Xô viết.

Như để tổng kết cho phần này của câu chuyện, Người nói với một phong cách trẻ trung và hào hứng: đất nước luôn nhanh chóng đứng được trên đôi chân khi người dân được làm chủ vận mệnh của mình.

Tôi nhớ - Hồ Chí Minh mỉm cười - tôi có nhắc một cô gái quen: “Tại sao cháu lại sống cuộc sống xa hoa như vậy? Cháu hãy nhìn xem, cháu mặc áo lụa tơ tằm, đi giày cao gót” - Cô gái nói với tôi một cách đầy lý lẽ là cô ấy đã có được tất cả những thứ đó bằng chính đôi tay của mình, bằng lao động trong sản xuất. “Lẽ nào như thế là xấu - cô gái nói,- chẳng lẽ thanh niên bây giờ lại không có cơ hội được ăn ngon, được ăn mặc đẹp?”.

Những lời này của cô gái tôi còn nhớ lại nhiều lần, khi tôi gặp những người đoàn viên, đọc báo của họ. Trên báo đúng khi đó đang có cuộc tranh luận: Đoàn viên có thể đeo cà vạt không? Một cô gái thậm chí còn bị khai trừ khỏi Đoàn vì đánh môi son…

Đến đây Người lại mỉm cười, còn chúng tôi thì nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà Người nhớ về tình huống bi hài này.

…Một vài tháng trôi qua kể từ khi quân xâm lược Mỹ, chịu hết thất bại này đến thất bại khác, buộc phải ngừng ném bom nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp tục củng cố an ninh của nước mình, người dân Việt Nam luôn sẵn sáng đáp trả bất kỳ âm mưu nào của kẻ thù, đồng thời nhân dân Việt Nam có cơ hội để khôi phục kinh tế, dành nhiều sự quan tâm hơn đến xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, nghệ thuật. Hòa bình vẫn chưa đến với mảnh đất Việt Nam. Vẫn chưa đến thời khắc của chiến thắng hoàn toàn, thống nhất đất nước. Nhưng giai đoạn tạm nghỉ trong cuộc chiến nhất định sẽ đem lại những thay đổi trong tâm trạng con người, trong tâm lý của họ, đặt họ trước những vấn đề mới…

Chúng tôi không ngạc nhiên khi Bác Hồ với cách nhìn trẻ trung, với một sự thấu hiểu và tế nhị khi đánh giá những quan tâm lớn cũng như nhỏ bé của thanh niên. Bởi chúng tôi biết rằng Người không chỉ là người sáng lập Đảng mà còn là một nhà hoạt động lâu năm nhất của phong trào thanh niên cộng sản. Người đã kể cho chúng tôi, trong điều kiện bí mật, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã thành lập ở Việt Nam như thế nào.

Khi đó chúng tôi đã làm việc trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm. Vì thế để đào tạo và chuẩn bị cho các thành viên phong trào, chúng tôi đã gửi những người ưu tú nhất ra nước ngoài, trong đó có Liên Xô. Chúng tôi đã cử đi khi đó 10 người - Hồ Chí Minh nói - để họ trở thành những người cách mạnh chân chính. Hiện nay chúng tôi có hàng trăm, hàng trăm nghìn những nhà cách mạng như vậy. Tôi rất vui là các bạn đã làm quen với nhiều người trong số họ.

Đúng như vậy, khi các bạn đến với chúng tôi - đồng chí Phạm Văn đồng nói - các bạn được tận mắt chứng kiến chúng tôi đã sống, chiến đấu như thế nào, tình cảm của chúng tôi đối với Liên Xô như thế nào, với thế hệ trẻ, với Đảng của các bạn, với những đoàn viên Komsomol ra sao. Ở Việt Nam tất cả đều biết rõ: Khi Liên Xô ở bên cạnh, chúng tôi bất khả chiến bại trong cuộc chiến chống đế quốc. Tương lai sáng lạn đang trong tay của chúng tôi.

Những người lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói rất tỉ mỉ về ý nghĩa lớn lao mang tính quyết định của sự giúp đỡ về chính trị, kinh tế và quân sự Liên Xô đã dành cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Không một ai như chúng tôi hình dung được tất cả tính quan trọng và tất cả giá trị sự giúp đỡ của các bạn, và chúng tôi là những người biết đánh giá những giá trị của sự giúp đỡ đó. Khi nói điều này, đồng chí Phạm Văn Đồng hỏi chúng tôi: Các bạn đã đến chỗ những người lính của chúng tôi. Có lẽ các bạn đã tin rằng những kỹ thuật quân sự mà các bạn gửi đến chỗ chúng tôi đã hoạt động tốt và đã ở trong tay những con người tin cậy?

Đến đây chúng tôi không thể không nhớ và không chia sẻ những cảm tưởng về cuộc gặp với những người lính tên lửa, những người anh hùng bảo vệ cây cầu Hàm Rồng nổi tiếng. Thật trùng hợp là chúng tôi đã đến với họ vào ngày 23/2 và những người bạn Việt Nam đã đón chúng tôi với những lời đầu tiên, tất nhiên là, những lời chúc mừng nhân ngày quân đội Xô Viết.

Ai đó trong chúng tôi nhận xét rằng cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, chiến công của những người bảo vệ cây cầu này là biểu tượng của cuộc chiến đấu của nhân dân Việt nam.

Vâng, đó là một trận Stalingrad nhỏ của chúng tôi - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Những chiến sĩ của quân đội Việt Nam rất nhanh chóng thành thạo phương tiện quân sự của Liên Xô - đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục nói - ví dụ như những người phi công đã sử dụng tuyệt vời những máy bay MIG của các bạn.

Khi nghe ông nói, tôi tình cờ nhớ lại câu chuyện với nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi.

Ở Việt Nam bây giờ - ông nói - thậm chí cả trẻ em cũng phân biệt được tiếng máy bay MiG của Liên Xô với tiếng máy bay Phantom của Mỹ.

Khi câu chuyện nhắc đến trẻ em, Hồ Chí Minh như nhớ ra điều gì đó, Người đeo kính vào. Người rút từ một chiếc phong bì đặt cạnh đó một vài tấm ảnh và chỉ cho chúng tôi xem. Một trong những bức ảnh đó tôi đã kể ở trên. Trong tấm ảnh thứ hai (cũng đăng trên tờ báo ngày hôm nay) chúng tôi nhìn thấy vị Chủ tịch nước ngồi giữa một nhóm các thiếu nhi Việt Nam. Nếu như  một vài ngày trước, chúng tôi không gặp 3 trong số họ, thì chúng tôi đã không thể tin được rằng những bạn trẻ này - không phải là những học sinh phổ thông tập trung trong giờ nghỉ chụp ảnh với người lớn, mà đó là những chiến sĩ thực thụ “những người khổng lồ trẻ tuổi” như người ta vẫn gọi họ ở Việt Nam, những người báo thù không thể khuất phục, mới đây đã ra miền Bắc Việt Nam để chữa bệnh.

Nếu như không được chứng kiến một em đã mất một mắt, một em mất một tay, chúng tôi khi đó đã không thể ngay lập tức khi gặp gỡ, quen được với ý nghĩ rằng trên vai những bạn trẻ này đã phải phải gánh chịu quá nhiều mất mát, máu và sự ra đi của những người thân của mình bởi vì ở họ toát lên vẻ  hiền lành, dịu dàng và luôn nở nụ cười.

Cả 3 bạn trẻ chúng tôi gặp đều xuất thân từ nông thôn. Chiến tranh trong hình hài của lính Mỹ và ngụy quyền miền Nam đã ập lên mái nhà họ, biến họ trở thành người lính, người du kích, liên lạc viên. Hòa - một trong những cậu bé đó năm 1965 trở thành liên lạc trong đội du kích và chỉ đến hè năm sau cậu mới được kết nạp vào Đội. Những cậu bé này đã lấy thuốc nổ từ mìn của Mỹ và phục kích đưa đội du kích vào hậu phương của những kẻ chiếm đóng…

Hồ Chí Minh đã yêu cầu chúng tôi giới thiệu những tấm hình này với thanh niên Liên Xô, kể về những bạn trẻ này trên tờ báo. Yêu cầu này của Người, chính xác hơn đối với chúng tôi là nhiệm vụ lại càng trở nên đặc biệt quý giá bởi vì đúng vào những ngày này quân đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam bắt đầu phản công thành công tại các thành phố và những đồn lũy của quân địch.

Khi chia tay chúng tôi tặng Hồ Chí Minh một chiếc hộp thủ công lớn của làng nghề Palekh với chân dung Lenin.

Tất cả những điều chúng ta nói: tình hữu nghị các dân tộc của chúng ta, tình cảm chân thành, chủ nghĩa quốc tế vô sản - tất cả điều đó có được là nhờ một CON NGƯỜI, mà ở đây chân dung được khắc họa - Hồ Chí Minh nói - đó là nhờ có Lênin.

Dịch giả: Nguyễn Quốc Hùng (Chuyên gia trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á-Viện kinh tế, Viện hàn lâm khoa học Nga)