10:11 01/10/2019

Cảm nhận nước Lào - phần cuối: Trở lại Vientiane

Trở lại thủ đô Lào sau 7 năm, tôi ngỡ ngàng khi thấy đường phố khang trang hơn, ô tô nhiều hơn và phần lớn là những xe mới. Lào hầu như không có xe buýt; taxi cũng vô cùng hiếm.

Chú thích ảnh
Khải hoàn môn phiên bản Lào trong quần thể Công viên Patusay ở trung tâm Vientiane.

Nhiều người nói rằng trung bình mỗi người ở Vientiane có một ô tô, nghĩa là thủ đô Lào có tới 800 ngàn ô tô các loại. Có thể họ nói hơi quá, nhưng đúng là ô tô nhiều hơn các loại xe khác.

Một điều không thay đổi, đó là người Lào rất có ý thức giao thông. Họ nhường nhịn nhau dù đó là nơi không có đèn tín hiệu. Suốt cả ngày trên đường hầu như không nghe tiếng còi xe. Lái xe ở Lào thật dễ và sắm xe cũng không quá khó: giá chỉ bằng 2/3 giá xe ở Việt Nam vì thuế thấp, lại toàn là xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Chú thích ảnh
Đại lộ Triệu Voi nhìn từ trên Khải hoàn Môn.

Dấu ấn Việt Nam

Trước khi dẫn chúng tôi tới thăm các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô như That Luang (Thạt Luổng), Wat Si Muang (Chùa Mẹ Sỉ Mương), Vườn Tượng… anh bạn Lào đã đưa chúng tôi đến công trình xây dựng Nhà Quốc hội nước CHDCND Lào. Tọa lạc ngay ở quảng trường trung tâm thành phố, bên cạnh That Luang, tòa nhà đang được xây với kinh phí gần 120 triệu USD do Việt Nam tặng và Binh đoàn 11 thi công. Nhìn bề ngoài có thể thấy tòa nhà đang ở giai đoạn hoàn thành phần xây thô và tiếp tục được khẩn trương thi công.

Chú thích ảnh
Công trình Nhà Quốc hội nước CHDCND Lào đang được Binh đoàn 11 thi công.

Nhìn những bản vẽ phối cảnh được trưng bày ở hàng rào công trình có thể thấy tòa nhà Quốc hội Lào sẽ khang trang, hiện đại, xứng đáng là một minh chứng nữa của tình hữu nghị Việt-Lào. Những cán bộ Việt Nam công tác tại Lào còn cho biết, công trình này được quản lý chặt để bảo đảm chất lượng, chống thất thoát và lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng.

Ở Vientiane, Luang Prabang, Xieng Khouang hay trên những cung đường mà chúng tôi đi qua đều thấy sự hiện diện khá đậm nét của Việt Nam. Dấu ấn đáng kể nhất là liên doanh Unitel của Tập đoàn Viettel với đối tác Lào có mạng lưới phủ khắp đất nước. Tại Lào (cũng như ở Campuchia và Myanmar) số thuê bao của Viettel ở Việt Nam có thể dùng để gọi điện, nhắn tin, sử dụng internet với cước phí như tại Việt Nam, rất thuận tiện. Mạng lưới các trạm xăng dầu của Petrolimex và PVOil cũng trải rộng khắp Lào với những cơ sở khang trang, hiện đại.

Chú thích ảnh
Các trạm xăng dầu của Petrolimex và PVOil có mặt ở nhiều nơi trên đất Lào.

 

Chú thích ảnh
Một cửa hàng của Viettien ở thủ đô Lào.

Chúng tôi cũng thấy nhiều chi nhánh và biển quảng cáo của các ngân hàng Việt Nam và liên doanh với Lào như Vietinbank, MB Bank, Sacombank, LaoViet Bank, các cửa hàng đồ may mặc của Viettien… Nghe nói ở Trung và Nam Lào còn có nhiều dự án lớn của Việt Nam trong lĩnh vực cây cao su, mía đường, thủy điện… Chúng tôi đã tới thăm cơ sở khá lớn của Tân Á Đại Thành ở ngoại ô Vientiane, chuyên sản xuất và cung ứng bồn nước, máy lọc nước, bình nước nóng năng lượng mặt trời và các thiết bị về nước. Tân Á đã hiện diện ở Lào từ 10 năm nay và đang cạnh tranh khá tốt với các thương hiệu của Trung Quốc và các nước khác.

Ngoài những Việt kiều đang sinh sống và làm ăn ở Lào nhiều thế hệ, khá nhiều doanh nhân Việt Nam đang qua lại làm ăn với đối tác Lào. Và đặc biệt là ngày càng nhiều người Việt Nam sang thăm Lào theo những tour du lịch trọn gói hoặc tự đi, tự lái xe đi “phượt” ở Lào.

Chú thích ảnh
Một quán ăn của người Việt tại Vientiane.

Ở Lào có khá nhiều quán ăn, quán cafe, cửa hàng của người Việt. Nhưng khi đến chợ Sáng ở Vientiane, mới thấy các quầy bán đồ trang sức của người Việt khá vắng vẻ, không nhộn nhịp như ngày trước. Chợ Sáng cũ đã bị cháy, thay vào đó là những tòa nhà do người Trung Quốc xây làm trung tâm thương mại và người Việt thuê lại một số ki ốt. Anh em người Việt công tác lâu năm ở Vientiane cho biết: các tour du lịch giờ đây không dám đưa khách vào chợ Sáng sau những vụ mua hàng, chủ yếu là đồ trang sức bằng bạc (một sản phẩm từng có uy tín ở Lào), bị các chủ sạp người Việt lừa hàng “rởm”.

Trên đường từ thủ đô Vientiane đi cố đô Louang Prabang cheo leo, hiểm trở nhưng không quá khó vì các tài xế Lào rất nghiêm túc. Họ sẵn sàng nháy đèn báo hiệu cho xe sau vượt lên trước nếu quan sát thấy đường đã an toàn. Chúng tôi gặp vài lần có tiếng còi xe, hóa ra là xe của người Trung Quốc và Việt Nam. Rồi một lần ra tín hiệu xin vượt cả một quãng dài mà xe trước không cho vượt. Khi đi qua mới thấy đó là một lái xe liên vận người Việt. Không hiểu sao những lái xe liên vận Việt-Lào không học được văn hóa giao thông của người Lào?

Những điều trông thấy

Anh bạn Lào cũng lái xe đưa chúng tôi đến thăm khu Đầm That Luang, ngay ở thủ đô Vientiane. Đó là một đại dự án, chủ yếu là bất động sản, của người Trung Quốc mà chính phủ Lào đã nhượng quyền khai thác trong 99 năm!

Chú thích ảnh
Một đôi bạn chụp ảnh trong khuôn viên That Luang, chuẩn bị làm lễ cưới.

Một vùng đồng ruộng, đầm hồ đã và đang được san lấp, rộng mênh mông, dễ đến hàng nghìn ha (?). Người Trung Quốc đã xây những trục đường phố ngang dọc, đặt tên mỗi đường phố bằng tiếng Lào, tiếng Trung và Tiếng Anh theo tên các địa phương của Lào. Một loạt nhà cao tầng đang mọc lên nhanh chóng. Những trận ngập lớn chưa từng có ở nhiều con phố thủ đô Lào hồi tháng 8/2019 được cho là có nguyên nhân từ việc san lấp đầm That Luang đang làm mất đi “túi” chứa nước mưa khổng lồ của thành phố Vientiane.

Anh bạn Lào cho biết: mỗi căn hộ ở đây sẽ được bán với giá hàng trăm nghìn USD. Anh nói: “Người Lào như tôi cũng không đủ tiền mua. Mà có tiền tôi cũng không mua căn hộ làm gì”. Đúng là thế, vì Lào đất rộng, người thưa. Dân Lào quen sống trong những ngôi nhà thấp tầng, có vườn tược, khuôn viên rộng rãi. Vậy chỉ có người “nước ngoài” mới sở hữu những căn hộ như vậy. Và Đầm That Luang đủ chỗ cho hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người sinh sống!

Chú thích ảnh
Những tòa căn hộ đang được người Trung Quốc xây trong khu Đầm That Luang.

Một cảnh tượng dễ thấy trên đường từ thủ đô lên cố đô Louang Prabang là những cây cầu và đường trên cao của tuyến đường sắt Trung Quốc-Vientiane. Tuyến đường đang được gấp rút thi công. Thấp thoáng trong núi rừng là những nhà xưởng, cần cẩu lớn, những khẩu hiệu hoặc biển hiệu tiếng Trung. Chắc không lâu nữa sẽ có một tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Lào trong mạng nhện Một Vành đai, một Con đường. Không biết Lào sẽ thanh toán khoản vay của Trung Quốc hơn 6 tỷ USD để làm tuyến đường này như thế nào?

Cũng dễ thấy trên tuyến đường sang Trung Quốc này là những xe tải bít bùng chở rất nặng leo dần lên phương Bắc. Người ta bảo đó là quặng? Người Trung Quốc cũng bắt đầu làm đường cao tốc đến Vang Vieng, điểm du lịch nổi tiếng của Lào, cách thủ đô tầm 150km về phía bắc. Báo chí Lào đưa tin Vang Vieng sẽ được xây dựng thành khu du lịch, nghỉ dưỡng rất lớn. Vài người Việt có các cơ sở kinh doanh du lịch ở Vang Vieng đang cảm thấy hoang mang…

Hạnh phúc như người Lào!

Chú thích ảnh
Bên trong Wat Si Muang (Chùa Mẹ Sỉ Mương) linh thiêng ở Vientiane.

“Muốn nhanh thì phải từ từ”. Câu nói đó thật đúng với người dân Lào. Có người chê người Lào chậm, không siêng năng. Nhưng tại sao đất nước Lào vẫn phát triển trong những năm qua, và phát triển khá nhanh, còn người dân Lào vẫn bình yên, vui vẻ, hạnh phúc như vậy?

Tôi đã nhiều lần quan sát ở các ngã ba, ngã tư không có đèn tín hiệu. Các lái xe ô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ điềm tĩnh chờ cho dòng xe bên kia ngớt rồi mới di chuyển. Không vội vàng nên tất cả đều thông thoáng. Cứ từ từ rồi ai cũng đến lượt.

Không phải mọi người Lào đều có nhà cao cửa rộng và đi xe ô tô, nhưng sự chênh lệch giầu nghèo chưa trở thành hố ngăn cách lớn. Đó là do tính cách của người Lào: hiền từ, chân thật, vui vẻ. Các đồng nghiệp từng sống lâu năm ở Lào nói rằng có thể rất khác nhau về mức sống nhưng tình làng nghĩa xóm của người Lào rất gắn kết. Khi có ít bia (người Lào thích uống bia và uống tốt) và món nhậu đơn giản nào đó người ta thường mời nhau qua nhà cùng thưởng thức. Những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, gia đình có ô tô cũng sẵn sàng mời anh em, hàng xóm không có xe cùng đi dã ngoại, thăm quan đâu đó, rất thực lòng.

Chú thích ảnh
Bữa trưa ngon miệng với những món đặc trưng của Lào.

Tính cách và văn hóa người Lào có thể cũng do điều kiện tự nhiên của Lào không quá khắc nghiệt. Đất rộng, người thưa nên kiếm đủ ăn không quá khó, không cần phải tranh giành, mánh khóe với nhau…

Tất nhiên, "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn". Việc giáo dục và làm gương rất quan trọng. Khi trao xe cho tôi lái qua vài phố, anh bạn Lào ngồi bên thỉnh thoảng lại nhắc: "Cậu chú ý đèn tín hiệu", "Cậu chú ý đi đúng làn đường"...

Chú thích ảnh
Tượng đài Vua Anouvong, anh hùng dân tộc Lào, ở thủ đô Vientiane, nhìn ra dòng Mekong. Một tay ông giữ đốc kiếm, tay kia chỉ ra dòng Mekong. 

Thành phố Vientiane không có nhiều siêu thị và các siêu thị, cửa hàng phần lớn bán hàng hóa nhập khẩu, từ những thứ nhỏ nhất, đơn giản nhất. Hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế. Nhưng sức mua không cao vì người dân Vientiane thích trực tiếp sang Thái Lan mua sắm rau quả, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Cuối tuần, cửa khẩu bên hai đầu cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mekong rất đông người và ô tô xếp hàng chờ làm thủ tục qua lại Thái Lan. Những gia đình khá giả mỗi lần sang Thái Lan thường mua thực phẩm đủ cho một vài tuần, rồi họ lại sang mua tiếp.

Chú thích ảnh
Cầu Hữu nghị nối thủ đô Vientiane với Thái Lan qua sông Mekong.

Từng quen biết và học chung với các bạn Lào 6 năm trời ở trường đại học cách đây cả 40 năm nhưng đến nay tôi vẫn thấy tính cách người Lào như vậy. Thật là một dân tộc hạnh phúc!

Tất nhiên, nếu không thay đổi thì Lào khó duy trì được mức sống, cách sống và tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại. Có hôm tôi đã hỏi đùa anh bạn Lào: Người Lào hạnh phúc, bình yên như vậy liệu có nên sợ người ngoài đến đây làm ăn, sinh sống rồi lấn át người Lào? Anh trầm ngâm, không nói gì.

Bài và ảnh: Lê Duy Truyền