08:16 17/08/2018

 ‘Cẩm nang tâm lý học đường’ giúp phụ huynh, giáo viên dạy trẻ đúng cách

“Cuốn cẩm nang tâm lý học đường” sẽ cung cấp cho giáo viên, phụ huynh những hiểu biết khoa học, chính xác về tâm lý học ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Ngày 17/8, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi ra tọa đàm, ra mắt sách “Cẩm nang tâm lý học đường” để cung cấp những kiến thức tâm lý bổ ích cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chia sẻ những cách nhận biết tâm lý ở các em học sinh, sinh viên.

Cuốn “Cẩm nang tâm lý học đường” do Anbooks phối hợp với Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) thực hiện. Nội dung sách do các chuyên gia uy tín lĩnh vực tâm lý biên soạn, đó là PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS Trần Thành Nam, ThS Nguyễn Thị Phương.

Theo đó, nội dung cuốn cẩm nang được xây dựng trên 6 trục, sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần, qua đó giúp thầy cô và phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò, con em mình. 

6 nội dung này bao gồm: Giới thiệu các thuật ngữ chuyên môn về tâm lý học đường; định nghĩa lại hiểu biết về chậm phát triển ở trẻ, khuyết tật trí tuệ; bổ sung kiến thức về các bệnh - hành vi rối loạn: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn tự kỷ, rối loạn học tập; hướng dẫn cho bố mẹ, thầy cô giáo cách nhận biết về các hành vi của tuổi học đường: Bắt nạt học đường, nghiện game, internet và mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò…; đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp cho các bậc cha mẹ khi có con là nạn nhân của tệ nạn quấy rối tình dục; hướng dẫn thầy cô giáo, bố mẹ đưa ra phương án xử lý những vướng mắc trong mối quan hệ với người bệnh lo âu, trầm cảm…

Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo), đối với ngành giáo dục, từ cấp mầm non đến tiểu học THCS, THPT, công tác tư vấn tâm lý học đường có một vị trí quan trọng trong việc chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của học sinh. Vì vậy, các cơ sở đào tạo sư phạm cần kết nối với nhiều chuyên gia tâm lý học đường quốc tế để ngành giáo dục có thể tiếp thu kinh nghiệm hiện đại trong việc triển khai công tác này. Tuy nhiên, các chương trình nên Việt hóa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức