12:17 19/12/2012

Cam kết sử dụng đúng Quỹ bảo trì đường bộ

Ngày 19/12, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương - đã cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích và hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ đối với các phương tiện giao thông.

Ngày 19/12, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương - đã cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích và hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ đối với các phương tiện giao thông.

Ông Nguyễn Hồng Trường đưa ra cam kết trên Tại hội nghị triển khai Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về thu phí Quỹ bảo trì đường bộ cho các địa phương từ Đà Nẵng trở vào TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ đến nay mới triển khai là đã quá chậm. Ảnh vnexpress.net


Theo ông Trường, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định về việc thu phí bảo trì đường bộ nhưng đến nay mới triển khai là đã quá chậm. Chính phủ cũng đã lùi thời hạn áp dụng 6 tháng nên đến thời điểm này không thể tiếp tục lùi.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, nếu có vấn đề phát sinh, các doanh nghiệp kiến nghị lên Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và các địa phương, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài chính sẽ phối hợp để điều chỉnh cho hợp lý.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cũng đã trả lời nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Nam về Quỹ bảo trì đường bộ về phương thức đối tượng và mức phí thu.

Theo Bộ Tài chính, việc thu phí qua xăng dầu đã từng triển khai nhưng không còn phù hợp vì có nhiều đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không sử dụng đường bộ. Nếu cứ thu qua xăng dầu, sau đó hoàn trả lại các đối tượng này là rất phức tạp, có thể phát sinh tiêu cực.

Phương án thu qua các trạm thu phí cũng không khả thi bởi hiện nay cả nước có khoảng 3.920km đường quốc lộ, tính trung bình 70km đặt một trạm thu phí thì phải xây dựng 240 trạm thu phí mới, còn nếu xây dựng trên tất cả các tuyến đường bộ thì cần 4000 trạm thu phí.

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp vận tải băn khoăn là quy định thu phí tách đầu kéo và sơmi rơmóc ra làm hai đối tượng thu khác nhau. Vấn đề này được ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Theo số liệu của Cục Đăng kiểm, tỷ lệ hiện nay là cứ một xe đầu kéo có 2 sơmi rơmóc. Điều này hoàn toàn phù hợp với bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.

Số liệu cũng cho thấy không có chuyện một doanh nghiệp có 100 đầu kéo mà có đến một nghìn sơmi rơmóc. Không ai lại mua sơmi rơmóc về để trong kho cả tháng trời mà không hoạt động cả.

Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị này có một số lượng lớn phương tiện hoạt động trong cảng, nếu nộp phí đường bộ thì rất vô lý. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong trường hợp đến thời điểm thu phí mà chưa có hướng dẫn, doanh nghiệp vẫn phải đóng phí và sẽ được hoàn trả khi có quy định mới.

Với các xe mô tô, xe gắn máy, do nhiều địa phương chưa có quy định về mức thu cụ thể nên trong thời gian đầu vẫn tiến hành thu phí theo mức giá thấp nhấp của Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính. Do đây là một quy định mới trong thời gian đầu áp dụng, các cơ quan chức năng chưa tiến hành xử phạt các trường hợp phương tiện chưa đóng Quỹ bảo trì đường bộ.


Hoàng Anh Tuấn