06:10 25/06/2014

'Cắm' giàn khoan trên Biển Đông: Mưu đồ tạo tiền lệ

Tiến sĩ, chuyên gia phân tích Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore, chia sẻ với hãng tin DW (Đức) rằng: Bắc Kinh sẽ đưa thêm nhiều giàn khoan trong thời gian tới để khẳng định “các quyền lịch sử”.

Trung Quốc cho triển khai thêm 4 giàn khoan ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng tại khu vực leo thang. Tiến sĩ, chuyên gia phân tích Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore chia sẻ với hãng tin DW (Đức) rằng: Bắc Kinh sẽ đưa thêm nhiều giàn khoan trong thời gian tới để khẳng định “các quyền lịch sử”.

“Cắm” giàn khoan là nỗ lực của Trung Quốc đẩy nhanh việc khai thác dầu lửa, khí đốt tại vùng biển này. Theo thông báo của Cục hải sự Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải 2, Nam Hải 5 đã được đưa tới vùng biển nằm giữa tỉnh Quảng Đông với quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan (Trung Quốc) chiếm giữ. Giàn khoan Nam Hải 4 hiện cũng đang di chuyển dọc bờ biển Trung Quốc, còn Nam Hải 9 dự kiến sẽ được “đẩy” về phía Vịnh Bắc Bộ.

Tiến sĩ Ian Storey: Trung Quốc đang tạo tiền lệ trên Biển Đông


Động thái này diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Ian Storey nhìn nhận, việc “cắm” các giàn khoan này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong khẳng định tuyên bố quyền tài phán ở Biển Đông. Đó là cách thức tạo tiền lệ và sẽ còn nhiều giàn khoan khác xuất hiện. Ý định mà Trung Quốc muốn các nước láng giềng “cảm nhận” được là: Bắc Kinh có cái gọi là “các quyền lịch sử” đối với các tài nguyên biển như dầu lửa, khí đốt, hải sản trong “đường 9 đoạn” - một khái niệm mà các chuyên gia luật pháp quốc tế đều nhìn nhận là đi ngược lại Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Để đối phó với hành động trên của Trung Quốc, ông Storey cho rằng, Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần đưa vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan. Nếu từ chối tiến trình giải quyết pháp lý này, Trung Quốc sẽ bị tổn thất về thể diện.

Cộng đồng quốc tế cũng phải tiếp tục lên tiếng tỏ rõ quan ngại với các hành động đơn phương, hiếu chiến, gây đe dọa đến hòa bình, ổn định tại khu vực; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải; buộc các tuyên bố của Trung Quốc phải phù hợp với UNCLOS.

Khủng hoảng sẽ tạm chấm dứt khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo thời hạn mà Bắc Kinh đặt ra là vào ngày 15/8 tới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục kéo giàn khoan này đi khắp Biển Đông và có thể sẽ tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thì một cuộc khủng hoảng mới sẽ lại xuất hiện và đây sẽ là thử thách thực sự đối với mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines.


HT (Theo DW)