03:08 06/03/2014

Cạm bẫy ở Ukraine

Trước tiên, chiếc bẫy được giăng với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Nếu không có nó, vị tổng thống được nhân dân bầu hợp pháp này không bị lật đổ nhanh chóng đến vậy.

Điểm nóng Ukraine làm tốn không ít giấy mực của truyền thống quốc tế. Trong một thời gian ngắn, các sự kiện tiến triển tới chóng mặt. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì đây vẫn là một cuộc đấu địa chính trị giữa Đông và Tây, trong đó nạn nhân chính là nước Ukraine xinh đẹp cùng người dân nước này.

Trong cuộc đấu vô tiền khoáng hậu đó, thủ đoạn chính trị được sử dụng, tạo ra những cái bẫy “chết người” để người mắc không còn cơ hội sửa chữa, còn người giăng hưởng lợi. Là người trực tiếp bám Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev trong những ngày nóng bỏng, cảm nhận của tôi là những thủ đoạn đó thực sự sự tinh vi, nếu không tỉnh táo, bất cứ ai cũng có thể “sập bẫy”.

Trước tiên, chiếc bẫy được giăng với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Nếu không có nó, vị tổng thống được nhân dân bầu hợp pháp này không bị lật đổ nhanh chóng đến vậy. Ở châu Âu, nơi nhân quyền và mạng sống luôn rất được coi trọng, người gây đổ máu, bất luận bằng cách nào, đều tạo hình ảnh xấu trong công chúng, và mất đi sự ủng hộ. Nghệ thuật giăng bẫy ở đây là đưa tình hình khủng hoảng leo thang tới mức đổ máu, buộc chính quyền không còn đường lui phải sử dụng vũ lực, qua đó hiện thực hóa những mục tiêu chính trị.

Tôi tới Kiev đúng vào ngày đẫm máu nhất trên Quảng trường Độc lập (20/2), khi cảnh sát được lệnh sử dụng vũ khí tự vệ trước những người biểu tình đã trở nên hung hãn. Ngoại trừ truyền thông Nga, các nước phương Tây hầu như không đề cập tới những kẻ bắn tỉa vô danh, nấp trong các căn hộ cao tầng bắn vào cảnh sát, buộc họ phải dùng súng tự vệ. Những kẻ bắn tỉa này chính là chiếc bẫy, khi sập, cảnh sát Ukraine chịu tiếng xấu là giết người, buộc họ phải thoái lui khỏi các vị trí chiến đấu, tạo khoảng trống an ninh cho phe đối lập tiến hành cuộc đảo chính ngoạn mục.

Quảng trường Độc lập những ngày nổi sóng.


Chiếc bẫy thứ hai chính là ngọn lửa xung đột sắc tộc, vốn đã âm ỉ từ lâu ở Ukraine. Ngay sau khi hoàn tất cú cướp chính quyền ngoại mục của Tổng thống Yanukovich, phe “chiến thắng” tại Quốc hội Ukraine đã gấp rút thông qua một loạt dự luật, trong đó đáng chú ý nhất là dự luật không còn xem tiếng Nga - ngôn ngữ thông dụng ở miền Đông giàu có, như quốc ngữ thứ 2. Đây chính là cái bẫy thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của những kiều dân Nga, đặc biệt hơn nó là nguyên nhân khiến Moskva lo ngại trước tâm lý dân tộc cực đoan bài Nga.

Trên thực địa, ở Ukraine còn diễn ra phong trào hủy hoại các tượng đài thời Xô Viết, và chính những nhân tố này đã khiến cho nước Nga cuối cùng phải “ra tay” ở chừng mực nhất định để những kẻ dân tộc cực đoạn đã chui sâu trong chính phủ tạm quyền cũng như phương Tây chùn tay. Tuy nhiên, có lẽ chiếc bẫy này còn muốn đạt được mục đích cao hơn thế - đó là một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

Đương nhiên, nếu chiến tranh huynh đệ tương tàn nổ ra giữa hai dân tộc anh em, hai nước láng giềng có lịch sử gắn liền với nhau này, thì tâm lý của người Ukraine chắc chắn sẽ nghiêng hẳn về phương Tây và Mỹ vì không một công dân nào lại không căm phẫn trước những kẻ tấn công đất nước mình. Như vậy, có lẽ, vở kịch địa chính trị của phương Tây ở Ukraine sẽ hoàn hảo, họ thu phục không chỉ đất nước, mà cả trái tim và khối óc của người Ukraine.

Tuy vậy, cạm bẫy vô hình ngoạn mục nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine có lẽ là sự tước đoạt “văn minh”, chủ quyền, quyền tự quyết của một đất nước. Với Ukraine, hậu quả từ cuộc khủng hoảng chính trị chắc chắn sẽ dẫn tới một nền kinh tế yếu kém, xập xệ phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục và phát triển. Ukraine sẽ phải ngửa tay đi vay tiền của phương Tây bằng mọi giá. Hơn thế nữa, khi bị đẩy vào thế đối đầu với Nga, họ cũng không còn con đường nào khác là phải hướng sang phía Tây.

Như vậy, cả về tiền bạc và chính trị, họ đều bị phương Tây thao túng. Những đồng euro và USD liệu có giúp Ukraine chấn hưng hay lại rơi vào tay những kẻ tham nhũng mới để rồi Ukraine buộc phải có thêm những nhượng bộ địa chính trị, đổi lấy các khoản tiền khác. Rút cục, Ukraine cũng bị đẩy vào chân tường, giờ họ không còn đường lui, buộc phải làm theo những gì đã lập trình sẵn, và đi một con đường đã vạch sẵn.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)