03:21 24/03/2016

“Cải tổ” tài chính y tế

Cải cách công tác tài chính y tế đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quyết tâm “cải tổ” này đang vướng phải không ít khó khăn.

Chưa làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu

Theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tài chính y tế là một trong 6 trụ cột của hệ thống y tế, tác động đến hành vi của cả bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ, cũng như hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế. Một hệ thống tài chính y tế tốt sẽ huy động đủ nguồn lực để người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế khi cần và không bị nghèo hóa do phải chi trả chi phí y tế. Đồng thời, sẽ khuyến khích cung ứng và sử dụng dịch vụ y tế một cách hiệu quả.

Vận động các hộ gia đình tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tham gia mua thẻ BHYT.

Tại Việt Nam, cùng với những đổi mới của hệ thống y tế, công tác tài chính y tế đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, những người làm công tác này cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là, BHYT chưa bao phủ được toàn dân, khó mở rộng diện bao phủ đối với khoảng 25% đân số còn lại. Tỷ lệ hộ gia đình có chi phí tiền túi vượt quá khả năng chi trả và bị nghèo hóa do chi phí y tế vẫn cao (2,5%)…

“Việc sử dụng nguồn tài chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn, các cơ chế tài chính chưa khuyến khích chất lượng và cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở. Hệ thống tài chính chưa khắc phục được các tác động bất lợi của xu hướng thương mại hóa, kinh doanh vì lợi nhuận”, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết.

Thực trạng trên đã dẫn đến hệ quả là người dân sử dụng dịch vụ y tế quá nhiều ở tuyến trên, còn ngành y tế chưa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), người dân chịu chi phí tốn kém, khó khăn hơn. So với các nước cùng thu nhập, tuổi thọ của người Việt Nam tuy cao hơn nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh không cao…

Xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ lồng ghép

“Cải cách tài chính y tế đang được xác định là ưu tiên chính của Bộ Y tế. Ngành đang xây dựng Chiến lược tài chính y tế giai đoạn 2016 - 2025. Trong đó, mục tiêu được hướng đến là xây dựng một hệ thống tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân ai cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chi trả chi phí y tế quá lớn, hoặc bị nghèo đói vì chi trả cho dịch vụ y tế”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Tỷ lệ chi tiêu từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế vẫn ở mức cao, năm 2012 là 48,8%.

Để có thể đạt được mục tiêu nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Phương, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Ngành y tế cần chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ, lấy người dân làm trọng tâm, để họ được chăm sóc sức khỏe tốt ngay từ tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, cần cải tiến sao cho tài chính trở thành một đòn bẩy thúc đẩy đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế. Hiện nay, hệ thống cung ứng dịch vụ và tài chính thậm chí có khi còn “ngáng chân nhau” thay vì phải thúc đẩy, hỗ trợ nhau phát triển...”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, tới đây, việc cung ứng dịch vụ y tế cần phải phù hợp với sự thay đổi lối sống, mô hình bệnh tật và nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Hiện nay, do lối sống thay đổi, ít vận động, sử dụng đồ ăn nhanh, môi trường sống thay đổi nên người bệnh thường mắc đa bệnh và thường là bệnh mạn tính… Việc cung ứng dịch vụ cần phải được cung ứng tốt ngay từ tuyến ban đầu, có sự điều phối và mang tính liên tục. Ví dụ, với một bệnh nhân mắc 3 bệnh, nếu không có sự điều phối giữa các chuyên khoa thì sẽ dẫn đến tình trạng đơn thuốc chồng chéo, lãng phí, bệnh nhân phải đi nhiều nơi mà chất lượng điều trị không tốt.

Thống nhất với quan điểm này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, không những cần cung cấp dịch vụ tốt ngay từ tuyến ban đầu mà trong Chiến lược tài chính 10 năm tới còn phải chú trọng đến giáo dục, thay đổi hành vi của người dân sao cho hướng đến lối sống tích cực, tránh mắc nhiều bệnh mạn tính như hiện nay.

Tới đây, ngành y tế sẽ đổi mới đồng bộ hệ thống cung ứng dịch vụ nhằm xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ lồng ghép, dựa trên nền tảng CSSKBĐ, lấy người dân là trung tâm. Phát huy vai trò của y tế cơ sở. Hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở y tế. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hạn chế các tác động không mong muốn trong tự chủ tài chính bệnh viện, hạn chế xu hướng thương mại hóa cung ứng dịch vụ, cung ứng dịch vụ vì lợi nhuận hoặc vì thu nhập của cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ chú trọng nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn của cán bộ, chuyên gia của các cơ quan liên quan trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá công nghệ y tế, quản lý giá, phương thức chi trả… Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ tài chính trong tạo nguồn thu và sử dụng nguồn tài chính đúng hiệu quả.
PV