12:08 12/12/2015

Cải tổ quân đội Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột với láng giềng

Kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc được cho là làm gia tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng và với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt các lực lượng quân đội tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm ở thủ đô Bắc Kinh ngày 3/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết được đăng tải trên trang mạng "The Diplomat" (Nhật Bản) ngày 10/12, ông Joseph A. Bosco - thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI) và là cộng sự viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) - nhận định rằng kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng và với Mỹ, đặc biệt khi các biện pháp cải tổ này trao thêm quyền cho các chỉ huy cấp thấp hơn.

Ông Bosco cho rằng trước hết, vào lúc Bắc Kinh có những hành động ngày càng cứng rắn hơn nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông, việc tăng cường khả năng cho quân đội sẽ càng thúc đẩy Trung Quốc đi theo hướng này. Đây chính là điều đáng lo ngại cho các nước láng giềng và Mỹ. Thứ hai, kế hoạch trao thêm quyền cho các tư lệnh địa phương làm gia tăng nguy cơ tái diễn những sự cố như vụ va chạm trên không giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc vào năm 2001, hay các vụ đụng độ nhau giữa các chiến hạm hai nước trên Biển Đông. Với việc mở rộng quyền cho các cấp chỉ huy thấp hơn, các vụ va chạm trên không và trên biển sẽ diễn ra nhiều hơn và khi xảy ra những vụ đó, chính quyền ở Bắc Kinh sẽ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, đổ thừa cho các cấp dưới.

Theo tác giả bài viết, chính quyền Obama phải nói rõ với Bắc Kinh rằng giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có quyền tổ chức quân đội theo ý của họ, nhưng họ không thể chối bỏ trách nhiệm kiểm soát và chỉ huy ở cấp quốc gia. Washington cần phải vận động quốc tế ủng hộ lập trường đó, tức là quốc tế không thể chấp nhận cho Bắc Kinh thực hiện chiến lược “trao quyền - chối bỏ”. Ông Bosco nhấn mạnh rằng để tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ nhằm bảo đảm ổn định khu vực, các chiến hạm hải quân Mỹ cũng như các thương thuyền phải hành xử quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép (trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông.

Trước đó, kế hoạch cải tổ sâu rộng quân đội Trung Quốc đã được Chủ tịch nước này Tập Cận Bình loan báo tại một cuộc họp kín quy tụ hơn 200 quan chức cao cấp của chính phủ và quân đội, kết thúc hôm 26/11/2015.

TTXVN/Tin Tức