12:13 10/12/2014

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Hội thảo nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Tổ chức Viện trợ của Ireland (Irish Aid) và Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy việc sử dụng bột bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng tối ưu, với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở Việt Nam, Lào và Campuchia.


Hội thảo cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam, Lào và Campuchia.


Tại  Hội thảo, các đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam, Lào, Campuchia, các tổ chức UNICEF, PSI, HKI, Alive & Thrive và các tổ chức phi chính phủ khác, cùng với chuyên gia đến từ Nhóm tư vấn kỹ thuật bổ sung vi chất dinh dưỡng, đã chia sẻ về tình hình triển khai, cũng như các bài học từ chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng tại hộ gia đình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Theo các chuyên gia,  suy dinh dưỡng trong hai năm đầu đời có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển, trí tuệ, sức khỏe, học tập và năng suất lao động của trẻ em trong tương lai. Hàng năm, trên thế giới, suy dinh dưỡng gây tử vong cho 3,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 162 triệu trẻ khác bị suy dinh dưỡng thấp còi và chịu những hậu quả suốt đời về sức khỏe và lao động.


Tặng quà cho đại diện Việt Nam, Lào, Campuchia.


Hiện nay, suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn phổ biến tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Trong khoảng 6,5 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi, thì có tới gần 1,7 triệu trẻ (25.9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở Campuchia và Lào thì chiếm khoảng 40%, chủ yếu là do thiếu dinh dưỡng.


GS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, phát biểu tại Hội thảo.


"Chúng tôi khuyến khích thực hành dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong 1.000 ngày đầu tiên quan trọng của cuộc đời gồm cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ ăn bổ sung hợp lý và đa dạng hóa bữa ăn và tiếp tục cho trẻ mẹ tới 2 tuổi. Các hoạt động này đã được chứng minh là có tác động tích cực và lâu dài tới sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ, thậm chí có thể làm tăng tới gần 20% khả năng sống sót của trẻ em, đồng thời giúp phòng chống thừa cân và béo phì. Bổ sung vitamin và chất khoáng vào thức ăn dặm của trẻ tại nhà đã được khẳng định là biện pháp can thiệp y tế cộng đồng hiệu quả, giúp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Sản phẩm được biết đến nhiều nhất sử dụng tại nhà cho trẻ là gói bột bổ sung dinh dưỡng, hay còn gọi là MNP. Sản phẩm này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ và được các cơ quan của Liên Hợp Quốc (UN), các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các chính phủ ở trên 40 quốc gia khuyến nghị", đại diện BTC hội thảo cho biết.



Hiện nay, Việt Nam, Lào và Campuchia đang triển khai dự án điểm nhằm xác định những phương pháp tốt nhất để triển khai và mở rộng quy mô phân phối MNP với mục tiêu cải thiện vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ em. Tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và tổ chức GAIN đang hợp tác nhằm cung cấp gói bột bổ sung đa vi chất cho 24.000 trẻ dưới 5 tuổi vào tháng 12/2014. Dự án này được Irish Aid tài trợ, nhằm sản xuất MNP trong nước kết hợp với phân phối thông qua hệ thống y tế và triển khai chiến dịch thay đổi hành vi xã hội; với mục tiêu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tối ưu, trong đó có các giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng tại hộ gia đình.



Phát biểu tại Hội thảo, bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam, Trưởng ban Phát triển, khẳng định: “Ireland sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác phòng chống suy dinh dưỡng thông qua Sáng kiến Mở rộng Quy mô Dinh dưỡng – hợp tác để liên kết các hành động và khuôn mẫu nhằm giúp mở rộng quy mô phòng chống suy dinh dưỡng. Chúng tôi vui mừng được hỗ trợ chính phủ các nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong nỗ lực giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tập trung vào giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên từ khi mang thai cho đến lúc trẻ đủ 2 tuổi”.


Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại hộ gia đình gồm những sản phẩm đặc biệt như gói bột bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hay thức ăn bổ sung (CFS), ví dụ những thức ăn bổ sung dinh dưỡng giàu chất béo thể tích nhỏ và bột đậu nành nguyên béo (đã tách đạm) với hỗn hợp vitamin và khoáng chất được trộn vào thực ăn đã chế biến tại gia đình. Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại gia đình được sử dụng ở những nơi có chế độ ăn không đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Các chế độ ăn bổ sung dựa vào ngũ cốc không được tăng cường dinh dưỡng thường không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như các vitamin, chất khoáng, các a-xít béo không no cần thiết và những chất dinh dưỡng quan trọng khác cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu. Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại gia đình có thể giúp giải quyết vấn đề này, đặc biệt là ở những nơi bị hạn chế tiếp cận nguồn thực phẩm đủ dinh dưỡng. Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại gia đình giúp những người chăm sóc trẻ cải thiện chất lượng chế độ ăn của mọi người trong gia đình bằng việc tăng cường thêm các chất dinh dưỡng vào các thực phẩm có sẵn tại địa phương được chế biến tại nhà hoặc các cơ sở khác ví dụ như tại các trung tâm nuôi dưỡng hoặc trường học. Cách tiếp cận bằng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại gia đình cho phép linh hoạt thực hiện với các thành phần và các sản phẩm đặc biệt để đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng khác nhau, ví dụ trẻ nhỏ từ 6 đến 23 tháng hay 6 đến 59 tháng, trẻ em tuổi học đường, phụ nữ mang thai, cho con bú, là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, do nhu cầu dinh dưỡng cao rất cần để hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng được coi là biện pháp can thiệp quan trọng và được hỗ trợ bởi tổ chức đối tác 1.000 Ngày (http://www.thousanddays.org) và Sáng kiến Mở rộng Quy mô Dinh dưỡng (http://scalingupnutrition.org).


Về phần mình,  ông Dominic Schofield, Giám đốc tổ chức GAIN Canada và là Chuyên gia Cao cấp Tư vấn Kỹ thuật về Chính sách và Chương trình cho biết: “Bột bổ sung đa vi chất dinh dưỡng đã được chứng minh là cách tiếp cận có hiệu quả cao so với giá thành nhằm giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt khi kết hợp với các chương trình thay đổi hành vi và phân phối đến đối tượng đích thông qua hệ thống y tế. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều sự hợp tác giữa các đại biểu của các quốc gia và các tổ chức để có hiệu quả tốt hơn trong khu vực. Chúng tôi vui mừng chia sẻ những bài học từ chương trình của Việt Nam, hy vọng sẽ được các quý vị đại biểu đón nhận mô hình sáng tạo về sự hợp tác này, và chúng ta có thể mở rộng và nhân ra ở trong khu vực”.


P.V