06:08 28/06/2013

Cải thiện môi trường du lịch

Trong thời gian vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu giảm, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là môi trường du lịch thiếu an toàn.

Trong thời gian vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu giảm, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là môi trường du lịch thiếu an toàn.


Tại các tỉnh thành có hoạt động du lịch phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, nạn “chặt chém”, đeo bám du khách được phản ánh là gia tăng đáng báo động.


Lại gia tăng tình trạng “chặt chém”


Dễ nhận thấy nhất là tình trạng tài xế taxi ăn chặn tiền. Trước đây, vi phạm chủ yếu là các taxi nhái nhãn hiệu, hoạt động tự do không có đơn vị quản lý, nhưng hiện nay nhiều tài xế taxi chính hãng cũng có những hành vi gian dối, ăn chặn tiền của du khách. Lợi dụng khách nước ngoài không am hiểu ngôn ngữ, cánh tài xế tìm đủ mọi cách để “chặt chém” du khách. Lập lờ giữa tiền Việt và USD cũng là cách các tài xế này qua mặt du khách nước ngoài. Những trường hợp du khách nước ngoài đổi ngoại tệ ra tờ 200.000 đồng hoặc 500.000 đồng để trả tiền cho món hàng chỉ vài chục ngàn, nhưng người bán hàng... không trả lại tiền dư.


Anh Jean - Jacques Barre của Hãng lữ hành Freewheelin Tours cho biết: “Đa số khách của tôi hễ tự đi taxi đều gặp cảnh bị “chặt chém”. Tôi nghe rất nhiều lời phàn nàn về taxi ở Hà Nội, nào là bị tính giá cắt cổ, đồng hồ tính cước trên taxi nhảy nhót loạn xạ... Nhiều du khách bị đưa đi lòng vòng, từ đầu phố đến cuối phố khoảng 1 km, nhưng taxi đưa khách qua nhiều con phố khác rồi mới quay lại điểm cần đến”.

Sự hài lòng của du khách là tiền đề phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: Lê Phú


Phản ánh của nhiều du khách trong dịp cao điểm nghỉ lễ, hè cho thấy, tại hầu hết các điểm du lịch đều xảy ra tình trạng khách sạn, phương tiện vận chuyển, ăn uống tăng giá gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Các cơ sở dịch vụ “chặt chém” bằng nhiều chiêu thức khác nhau như không niêm yết giá hoặc niêm yết giá chung chung. Tình trạng lập lờ về giá xảy ra phổ biến đối với mặt hàng hải sản như cân không chính xác; tăng giá thực phẩm vô tội vạ… Việc chủ quán chi hoa hồng từ 20 - 30% cho tài xế, xích lô nếu đưa được khách đến quán cũng dẫn đến nạn chèo kéo và đưa du khách đến quán ăn “chặt chém”. Tiếp tay cho tình trạng này có cả hướng dẫn viên du lịch nhằm hưởng tiền hoa hồng.

Đối với đề nghị của các địa phương đề nghị cho thành lập cảnh sát du lịch, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Từ nay hết quý IV/2013, Bộ VH,TT&DL xem xét và rà soát lại trong quy chế hiện nay, có thể giao cho lực lượng cảnh sát trật tự tham gia đảm nhiệm thêm chức năng bảo đảm an toàn cho ngành du lịch. Đây là nhiệm vụ không có trong chức năng của họ, do vậy địa phương và ngành du lịch xem xét có kinh phí để hỗ trợ lực lượng này.


Các hiện tượng trên tác động xấu đến tâm lý du khách, nhất là đối với khách quốc tế, làm giảm sức hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam; đã có nhiều bài viết đăng trên báo nước ngoài, báo điện tử, lan truyền rất nhanh trên mạng Internet, tạo nên dư luận tiêu cực về hình ảnh du lịch Việt Nam.


Thêm vào đó, điều đáng báo động là tình hình cướp giật, xâm hại tài sản của du khách. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, Công an thành phố thụ lý 117 vụ, trong khi Sở Ngoại vụ tiếp nhận và đề nghị giải quyết 225 vụ; theo số liệu của 10 đơn vị khách sạn và hãng lữ hành thông báo có 255 vụ cướp giật liên quan đến khách du lịch. Khi xảy ra vụ việc liên quan đến việc cướp giật tài sản của du khách, việc tiếp nhận giải quyết tại công an phường chưa nhiệt tình và tích cực. Chính vì vậy, kết quả điều tra về tình trạng cướp giật, xâm hại tài sản của du khách chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để dẹp nạn cướp giật hoành hành, ngành du lịch thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng và các quận trọng điểm vào cuộc quyết liệt. Thế nhưng, đến tháng 5, chiến dịch buông lỏng, lập tức tình trạng xâm phạm tài sản của du khách tăng lên. Nếu chỉ phát động thành chiến dịch trong một thời gian ngắn mà không làm quyết liệt, thường xuyên thì rất khó để dẹp bỏ những vấn nạn trên.


Cần chế tài đủ sức răn đe


Tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách đã tồn tại trên địa bàn một số thành phố lớn, các khu, điểm du lịch từ nhiều năm nay, nên vấn đề giải quyết sẽ rất khó khăn, vì liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, mọi giải pháp chỉ mang tính tạm thời, nếu không giải quyết được công ăn việc làm cho người dân.

Ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn:

Cần “cảnh sát du lịch”

Khách du lịch cũng như những người làm du lịch như chúng tôi khi gặp tình trạng khách du lịch bị “chặt chém” không biết kêu ai, không biết phải làm gì. Giải pháp thông thường là đến công an phường báo cáo. Khi nào giải quyết và có thông tin phản hồi lại thì không rõ. Cuối cùng hiếm nhận được thông tin phản hồi từ cơ quan chức năng giải quyết được vấn đề đến đâu. Theo tôi để giải quyết cần có lực lượng chuyên trách dạng như cảnh sát du lịch, thường trực các địa điểm thường xảy ra tình trạng “chặt chém” với số điện thoại riêng để tiếp nhận thông tin. Trường hợp khách thấy có vấn đề, khách có thể gọi ngay số điện thoại đó để giải quyết trước khi khách phải trả tiền. Điều quan trọng là cảnh sát du lịch đó phải phản ứng nhanh, tận tình…

Anh Nguyễn Giang Nam, giám đốc Công ty du lịch Châu Á Thái Bình Dương:

Học hỏi kinh nghiệm các nước

Các địa phương cũng có những đợt ra quân nhưng tôi thấy đó là các giải pháp nửa vời. Chỉ có Đà Nẵng, Hội An làm quyết liệt và đã hạn chế tình trạng trên. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ chính các nước láng giềng như quản lý ăn xin tại Angkor, Campuchia. Họ có cách làm du lịch rất chuyên nghiệp, môi trường sạch sẽ, thân thiện, khu vực bán hàng và người ăn xin được quy hoạch và thực thi nghiêm túc quy định khi giao tiếp với khách du lịch, không có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, ép giá khách du lịch ở đây. Còn Thái Lan khu vực an toàn đã được chỉ định trong 56 tỉnh, với 353 trạm cảnh sát, để bảo vệ khách du lịch từ tai nạn và hành vi phạm tội và bị lừa. Các quan chức cảnh sát chịu trách nhiệm trong các khu vực này cũng đã được chỉ định để giúp các vấn đề một cách dễ dàng. Họ chống các hành vi theo bám, bắt chẹt du khách khi mua sắm hàng hóa, đồng thời với việc xây dựng các trung tâm thương mại, điểm phục vụ khách du lịch đạt chuẩn, kiểu mẫu.

“Đa số người bán hàng rong là những người có thu nhập thấp không có điều kiện để mở một cửa hàng nhỏ để bán. Nếu ngành chức năng mở đợt ra quân xử phạt chỉ được một thời gian rồi họ cũng tìm cách trở lại”, anh Nguyễn Hùng, hướng dẫn viên lâu năm cho biết. “Đối tượng bị cướp giật, đeo bám, bắt chẹt khách thường gặp với đối tượng khách nước ngoài; còn khách nội địa thường gặp tình trạng nâng giá, ép giá tùy tiện”.


Chính vì vậy, muốn giải quyết được tình trạng “chặt chém”, đeo bám du khách, cơ quan chức năng cần giải quyết tận gốc vấn đề về an sinh xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là để người dân sống có thu nhập chính đáng từ dịch vụ du lịch.


Một số địa phương thành lập lực lượng xử lý nhưng mỗi nơi một kiểu như tại Đà Nẵng thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách; TP Hồ Chí Minh có lực lượng bảo vệ du khách, lực lượng thanh niên xung phong... Một số nơi yêu cầu niêm yết công khai giá dịch vụ, quy định mức sàn như tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Sầm Sơn (Thanh Hóa)...; Đặt biển quy định cấm hàng rong, đeo bám du khách tại Vũng Tàu; Lập đường dây nóng tại hiệp hội taxi Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai)...


Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ mang tính tình thế và chưa mang lại hiệu quả lâu dài. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thực tế, những người bán hàng rong không có tài sản bị tịch thu, kinh doanh không giấy phép. Chính vì vậy khó xử lý. Trong khi đó mức xử lý hiện nay thấp nên chưa có tính răn đe. Đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo chế tài đủ sức răn đe và xử lý đối tượng vi phạm.


Theo Tổng cục Du lịch, mặc dù việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm trên cơ sở tự nguyện có từ năm 2008 do Sở VH,TT&DL các địa phương cấp biển hiệu, nhưng 4 năm qua, cả nước chưa có tổng kết về số lượng và chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.


Chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”


Để xảy ra tình trạng “chặt chém”, đeo bám khách, Bộ VH,TT&DL chỉ ra một số nguyên nhân như: “Chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý môi trường du lịch. Các cơ sở kinh doanh còn có tình trạng lừa đảo, cướp giật, chèn ép du khách nhưng chính quyền sở tại chưa có giải pháp hữu hiệu để trấn áp, quản lý. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, dễ tái phạm và thường có biểu hiện liều lĩnh hơn trong những lần vi phạm sau. Trong khi đó, lực lượng ngăn chặn chủ yếu là dân quân tự vệ, thanh niên xung phong… không chuyên trách nên thi hành nhiệm vụ không ít trường hợp bị các đối tượng tỏ thái độ coi thường, chống lại”.


Để hạn chế tình trạng “chặt chém”, đeo bám khách, Bộ VH,TT&DL dự kiến phát động chiến dịch “Du khách chính là người thân của mình” hoặc chiến dịch “Nụ cười Việt Nam” với mục tiêu giảm 30% số vụ việc xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch (so với năm 2013); Đảm bảo ổn định giá cả dịch vụ phục vụ du lịch, tăng không quá 35% các dịp cao điểm, giảm 50% số vụ bắt chẹt giá cả khách du lịch khi tham gia giao thông và các dịch vụ du lịch (so với năm 2013); Không còn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các khu, điểm du lịch quốc gia. Các giải pháp có thể áp dụng làm ngay như cung cấp thông tin chính xác về y tế, an ninh… qua Internet và các ấn phẩm, cẩm nang du lịch để du khách lựa chọn, phòng ngừa. Lập danh sách công bố công khai các địa điểm dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo các địa điểm không nên đến. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại, nhất là du khách người nước ngoài; tổ chức phối hợp xác minh ngay để truy xét bắt đối tượng, ngăn chặn tình trạng bán hành rong, lấn chiếm vỉa hè.


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch mới được tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đặt câu hỏi: Để xảy ra tình trạng “chặt chém” chèo kéo đu bám khách, ai chịu trách nhiệm: ngành du lịch hay của người đứng đầu địa phương? Muốn bảo vệ du khách, ngành du lịch không thể một mình làm được. Để giải quyết tận gốc vấn đề phải tìm ra nguyên nhân, động cơ để một số người “chặt chém”. Mục đích muốn kiếm thêm thu nhập, vậy có cách nào điều tiết giữa thu lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Bộ VH,TT&DL hoàn thiện đề án với mục tiêu là “Việt Nam điểm đến hấp dẫn, an toàn thân thiện và văn minh”. Nụ cười của khách du lịch là tương lai của du lịch Việt Nam. Chúng ta phải lấy sự hài lòng của khách du lịch là tiền đề phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.


“Về giải pháp thực hiện, Bộ VH,TT&DL cần xây dựng trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị hoàn thiện môi trường văn hóa Việt Nam từ nay đến 2015. Trong các giải pháp, tôi thấy việc thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách là cần thiết. Các tỉnh cần thành lập các trung tâm tại các điểm du lịch lớn. Bộ VH,TT&DL cần tham khảo địa phương để có hướng dẫn thành lập các trung tâm này. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ở địa phương về công tác du lịch. Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương đề xuất, rà soát lại các văn bản về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Một vấn đề khác là công bố các danh sách đơn vị dịch vụ, thương mại đủ điều kiện kinh doanh về du lịch rất cần. Đồng thời có biểu tượng để khách hàng nhận biết, tiếp cận những cơ sở đạt chuẩn một cách rộng rãi. Bên cạnh đó cần phân cấp quản lý theo cách, thành phố có BQL thì tại các địa điểm du lịch, cấp quận huyện, phường cũng phải có BQL du lịch riêng để sát sao tình hình, xử lý kịp thời những phát sinh xảy ra với du khách”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.


Xuân Minh - Vân Trang