06:06 02/06/2014

Cải thiện chất lượng từ tăng giá dịch vụ y tế

Sau nhiều lần trì hoãn, từ ngày 1/6, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định năm 2012. Đây là địa phương cuối cùng của cả nước thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Sau nhiều lần trì hoãn, từ ngày 1/6, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định năm 2012. Đây là địa phương cuối cùng của cả nước thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế.


Tăng giá hơn 2.000 dịch vụ y tế


Từ 1/6, TP Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh giá của hơn 2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012 -TTLT - BYT- BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính tại 378 cơ sở y tế công lập. Theo đó, có tới 477 dịch vụ khám, kiểm tra sức khỏe; giá giường bệnh; các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm được áp dụng giá mới. Tuy nhiên, theo lộ trình, mức điều chỉnh này chỉ được bằng 75% khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính qui định. Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật gồm 1.519 dịch vụ áp dụng mức giá bằng 65% khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định.

 

Người bệnh sẽ được lợi nhiều hơn khi mà viện phí tăng.


Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết khi áp dụng mức tăng mới này, sẽ có 25% dịch vụ kỹ thuật được quy định tại thông tư liên tịch có giá bằng hoặc thấp hơn mức giá cũ đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Chẳng hạn, dịch vụ chạy thận nhân tạo có khung giá tối đa theo quy định là 460.000 đồng/lần, tuy nhiên lần tăng này chỉ ở mức 75%, tức là chỉ 345.000 đồng/lần, thấp hơn mức giá cũ hiện nay là 400.000 đồng/lần. Bên cạnh đó, có khoảng 75% các dịch vụ kỹ thuật y tế khác sẽ có mức giá tăng cao hơn so với mức giá hiện nay, trong đó có những dịch vụ có mức tăng từ gấp 2- 3 lần so với mức giá hiện nay.


Theo đánh giá của ông Võ Văn Tiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi, việc tăng giá các dịch vụ y tế chắc chắn chất lượng phục vụ sẽ tăng lên và người dân sẽ được lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc tăng giá viện phí mới lần này liệu chất lượng khám chữa bệnh cho người dân có được nâng cao, khi các bệnh viện tuyến quận, huyện vẫn chưa tạo được niềm tin với người dân, còn các bệnh viện tuyến trên bị xuống cấp, luôn quá tải, quy trình khám chữa bệnh chưa được cải thiện...


Từng bước cải thiện chất lượng


Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để thực hiện lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế, các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: Tăng số bàn khám bệnh, trang bị camera, bố trí bàn hướng dẫn bệnh nhân, nâng cấp phần mềm phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế khi sử dụng thẻ có mã vạch, tăng thời gian khám chữa bệnh của bác sỹ...


Theo bà Đinh Thị Liễu, tới nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Theo đó, thành phố cũng đang thí điểm mô hình cải tiến quy trình thu viện phí tại Bệnh viện Bình Thạnh và Nhân Dân Gia Định theo hướng chỉ đóng tiền một lần sau khi khám bệnh và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm... Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang xây dựng hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động, qua đó mẫu và kết quả được chuyển nhanh chóng trong vòng 30 - 40 giây, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người bệnh và nhân viên y tế...


“Bệnh viện cũng đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho người dân như: Thay hệ thống mạng, ứng dụng công nghệ thông tin khám bệnh... Tuy nhiên, việc cùng lúc nâng cao, thay đổi toàn bộ thì không thể được vì gặp khó khăn về kinh phí. Do đó, bệnh viện sẽ thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng cuốn chiếu: Thời gian đầu sẽ giảm thời gian bệnh nhân chờ đợi vào khám và lấy thuốc, sau này sẽ dần dần nâng cao các loại dịch vụ khác”, một đại diện bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 1) cho biết.


Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau khi điều chỉnh giá viện phí, Sở Y tế thành phố sẽ chọn 6 bệnh viện: Nguyễn Trãi, Nhân Dân Gia Định, Nhi Đồng 1, Hóc Môn, Bình Thạnh và Thủ Đức để giám sát một số chỉ số nhằm đánh giá quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, thời gian chờ đợi, nguồn thu viện phí, trang bị phòng bệnh, khu khám… “Hiện Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải công khai bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh và không được thu thêm các chi phí đã tính trong cơ cấu giá đã được phê duyệt (trừ chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá; phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ bảo hiểm y tế hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và giá khám bệnh theo yêu cầu)”, bà Đinh Thị Liễu cho biết.


Bài và ảnh: Đan Phương