02:08 11/02/2021

Cái Tết chống dịch thứ hai của các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Với các y bác sĩ, tết luôn là những ca trực dày đặc với bao thấp thỏm. Riêng năm nay, trong tình hình dịch bệnh, những “chiến sĩ tuyến đầu” cũng đã chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng hành trang cách ly tham gia chống dịch, làm tấm lá chắn bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương luôn sẵn sàng tinh thần chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Tết Tân Sửu tới gần, bên cạnh công việc thường nhật, cũng như mọi năm, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lại lên lịch trực Tết. Tuy nhiên, năm nay, công việc của khoa còn kèm theo các kịch bản để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đây đã là năm thứ hai, các y, bác sĩ sẽ "ăn Tết trong dịch". Nhớ lại những ngày Tết Canh Tý, cũng là thời điểm của dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện.

“Trước khi bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm Canh Tý, ở Vũ Hán (Trung Quốc) có những ca bệnh “viêm phổi lạ” đầu tiên được biết đến. Trong bối cảnh tết cận kề, người Việt Nam lại có quan hệ đi lại, buôn bán, làm ăn, học tập với Trung Quốc rất nhiều, chúng tôi dự đoán sẽ rất dễ có ca bệnh xâm nhập. Khi có ca bệnh thì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ là nơi tiếp nhận, đặc biệt là khoa Cấp cứu, nhất là dịp tết. Bởi vậy các ca trực tết của chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng vào cuộc bất cứ lúc nào. Các y bác sĩ khoa Cấp cứu lúc đó cũng xác định không đi đâu xa, chỉ ở quanh Hà Nội để nếu có ca bệnh xâm nhập là có thể được huy động ngay, điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng đón nhận các cuộc gọi”, bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhớ lại.

Đúng như dự đoán, mùng 5 tết, Việt Nam có ca bệnh COVID-19 xâm nhập. Ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh nhân số 3, một trong số các công nhân từ Vũ Hán trở về. Từ đây, các y bác sĩ bắt đầu vào cuộc chiến cam go với dịch COVID-19.

Bác sĩ Hùng kể: “Buổi sáng ngày mùng 5 tết là ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, chúng tôi tiếp nhận ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2. Khoa Cấp cứu được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân. Lúc đó, tôi cùng với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (lúc đó là Trưởng khoa Cấp cứu) đã xác định ngay sẽ ở lại bệnh viện trực chiến. Mọi việc diễn ra khá bất ngờ dù đã có tiên liệu từ trước. Hôm đó, chúng tôi đi làm như bình thường chứ không nghĩ rằng sẽ ở lại bệnh viện luôn. Khi có ca bệnh, tôi có trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp về nhà lấy đồ cho cả hai anh em để vào ở luôn trong viện. Lỉnh kỉnh mang vali đồ đạc đến bệnh viện và ở lại, xa nhà tới 3 tháng ròng rã. Trong đợt dịch đầu tiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị 6 ca bệnh COVID-19, là những ca ở Vũ Hán về. Rất may hầu hết bệnh nhân đều có sức khỏe tương đối ổn định, không ca nào diễn biến nặng”.

Sau 1 năm chiến đấu với dịch COVID-19, điều trị cho hàng trăm ca bệnh từ nhẹ đến nặng, nhất là những giờ phút căng đầu cứu sống những bệnh nhân nặng, những bệnh nhân dường như đã từ cửa tử trở về như bệnh nhân số 19 (bác của bệnh nhân số 17), bệnh nhân 793…, các bác sĩ đã có bề dày kinh nghiệm hơn.

“Nếu như tết năm ngoái, chúng tôi ở trong tình huống đón nhận nhiệm vụ chưa từng biết đến, trong tâm thế “không biết kẻ thù như thế nào" vì mọi thứ mới chỉ hình dung qua truyền thông, qua các bài báo khoa học từ Trung Quốc; thì năm nay việc chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm trong xử trí điều trị, biết tác nhân gây bệnh tương đối rõ, kinh nghiệm điều trị các ca nặng… giúp chúng tôi không còn cảm giác lo lắng như Tết năm ngoái; chỉ cần “khoác áo” là ra trận”, bác sĩ Hùng tự tin nói.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng trong một ca trực cấp cứu. Ảnh: TN

Chuẩn bị kỹ các kịch bản

Trong dịch COVID-19, sự an toàn, đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế là điều luôn đặt lên hàng đầu; nhất là trong dịp nghỉ Tết, khi cộng đồng dễ chủ quan, lơ là. Vì vậy, công tác chuẩn bị các tình huống dịch bệnh không chỉ thực hiện thường xuyên mà càng chặt chẽ hơn trong dịp Tết.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và khoa Cấp cứu luôn xác định không bao giờ được chủ quan, và các kịch bản, tình huống dịch có thể xảy ra trong dịp Tết đã được lên kế hoạch đầy đủ. Bệnh viện vẫn đang bố trí một khu vực riêng dành cho điều trị các bệnh nhân COVID-19 là các ca nhập cảnh. Về bố trí nhân lực điều trị cho các bệnh nhân, bệnh viện đã phân công rõ ràng, đảm bảo những người bắt buộc phải ở lại tham gia chăm sóc điều trị cho bệnh nhân cũng được cách ly 100% tại bệnh viện, đủ số ngày và luôn sẵn sàng các nhóm khác thay thế. Tất cả đã được “lên dây cót” với tinh thần những ai không phải trực Tết cũng sẵn sàng ứng phó ngay nếu có dịch.

Bên cạnh đó, để có thể đáp ứng ngay với các tình huống dịch có thể xảy ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã sắp xếp các vị trí trực cụ thể từ bác sĩ trực tại phòng khám, trực ở các tầng, khoa, phòng, trực lãnh đạo... Thậm chí sẵn sàng cả trực tổ xe để nếu có ca bệnh cần vận chuyển. Các kịch bản dịch với các tình huống đã được chuẩn bị khi có 10 bệnh nhân, 20 bệnh nhân, thậm chí nếu có cả trăm bệnh nhân như thế nào… Tình huống xấu nhất nếu số lượng bệnh nhân quá lớn, vượt quá sức của mình, bệnh viện cũng đã có phương án kêu gọi sự hỗ trợ của các bệnh viện xung quanh như: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đông Anh…

“Đã quen với trực tết, vắng nhà nhiều, nên việc ở lại bệnh viện 2 - 3 tháng liên tục cũng đã trở thành quen từ khi có dịch, rất may tôi cũng được người nhà thông cảm. Công việc của các y, bác sĩ, nhất là với những người làm trong ngành truyền nhiễm càng vất vả. Tuy vậy nhìn thành quả là cộng đồng được bình yên, dịch bệnh được đẩy lùi, những ca bệnh nặng được cứu sống, chúng tôi lại như được tiếp thêm động lực để quên đi mệt nhọc”, bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ khi chia tay chúng tôi.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức