Chú chó Hachiko nổi tiếng của Nhật Bản đã ngày ngày chờ đợi chủ nhân của mình tại một nhà ga suốt gần 10 năm sau khi ông qua đời. Ở Liên Xô cũng có một câu chuyện cảm động tương tự.
Đó là vào năm 1974. Tại sân bay Vnukovo của Moskva, hành khách đang khẩn trương lên chiếc máy bay Il-18 bay đến thành phố Norilsk, ở miền Viễn Bắc của đất nước. Trong lúc đó, trên đường băng một vị khách vẫn đang tranh cãi gay gắt và kéo dài với một tiếp viên hàng không, còn con chó chăn cừu Đức của anh ta thì không ngừng chạy xung quanh chủ với sợi dây xích trên cổ.
Có vẻ như cuộc trò chuyện không diễn ra suôn sẻ như vị khách hy vọng. Cuối cùng, với vẻ rất khó chịu, anh ta rời khỏi người tiếp viên hàng không, cúi người xuống chú chó và cởi bỏ đai cổ của nó. Con chó hẳn tưởng rằng nó đang được thả tự do để đi dạo, bắt đầu vui vẻ chạy dọc theo đường băng.
Nó không nhận thấy chủ của mình đã lên máy bay như thế nào, cầu thang được tháo ra, cửa đóng và máy bay đang chuẩn bị cất cánh. Cuối cùng chợt hiểu ra điều gì đang xảy ra, con chó hốt hoảng lao theo chiếc IL-18 đang tăng tốc, để rồi nó chỉ còn biết bất lực nhìn theo một lúc lâu cho đến khi chiếc máy bay biến mất khỏi tầm mắt. Từ đó, câu chuyện về nó đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Liên Xô.
Hóa ra, vị khách máy bay đã không xuất trình được giấy chứng nhận thú y cho con vật cưng của mình theo quy định, nên đành bỏ lại nó ở sân bay. Và trong hai năm sau đó, sân bay Vnukovo trở thành ngôi nhà của con chó.
Sống trong khu vực đậu máy bay, ngày nào chú chó cũng ra đường băng. Do đã ghi nhớ hình dạng của mẫu máy bay Il-18, nó luôn lao đến bất kỳ chiếc Il-18 xuất hiện với hy vọng sẽ tìm lại được người mà nó quan tâm nhất.
Chú chó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các phi công và nhân viên sân bay. Ban đầu, họ cố gắng bắt nó nhưng vô ích. Chú chó chăn cừu thận trọng không gây phiền toái cho bất kỳ ai, và cuối cùng, đành vi phạm các quy tắc, các nhân viên sân bay Vnukovo đã chăm sóc nó.
Họ cho con chó ăn, nhưng nó không chịu đến gần bất cứ ai. Họ thử gọi to bằng đủ các loại tên chó, và chỉ đến khi hô to hai tiếng “Alma” họ mới thấy con vật dường như có phản ứng lại. Cuối cùng các nhân viên quyết định gọi con chó trung thành là “Palma”.
Ngày nào cũng vậy, bất kể thời tiết mưa nắng, gió rét hay tuyết đổ, con chó luôn canh chừng trên đường băng, theo dõi mọi chiếc máy bay Il-18.
Một kỹ thuật viên sân bay Vnukovo nhớ lại đã nhìn thấy cảnh tượng chủ nhân của chú chó tranh cãi với tiếp viên hàng không, nhưng không thể xác định thêm chi tiết về vụ việc.
Cuối cùng, một phi công là Vyacheslav Valentey đã đưa câu chuyện về chú chó chăn cừu trung thành lên tờ Komsomolskaya Pravda. “Nếu không có Valentey, không ai hay biết gì về Palma”, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Yuri Rost nhớ lại.
Rost đã đến Vnukovo để gặp chú chó. “Bây giờ tất cả chúng tôi đều cho nó ăn,” một nhân viên sân bay cho anh biết. “Nhưng nó không chịu ăn từ tay ai và không để bất cứ ai đến gần mình, ngoại trừ cậu kỹ thuật viên Volodin. Họ dường như đã trở thành bạn bè, nhưng con chó vẫn không muốn gần anh ấy lắm. Chắc nó luôn sợ để lỡ chiếc máy bay”.
Ngay sau đó, tờ Komsomolskaya Pravda đã đăng một bài báo về Palma với tiêu đề: “Hai năm chờ đợi”, gửi lời nhắn nhủ tới người chủ: “Có thể bài báo này sẽ được đọc bởi vị khách trên chiếc Il-18, người có lẽ nghĩ rằng con vật mà anh ấy bỏ lại đã quên anh ấy. Người này nên khẩn trương xin nghỉ làm, cầm tiền rồi bay đến Moskva”.
Câu chuyện của về con chó Palma đã khiến cả đất nước Liên Xô xúc động. Tờ Komsomolskaya ngập tràn hàng nghìn lá thư từ những người muốn nhận nuôi một chú chó tận tụy và trung thành như vậy.
Chủ nhân của con chó, người đã bỏ nó lại khi bay đến vùng Viễn Bắc Nga để làm việc, cũng đã lộ diện. Trong một lá thư gửi cho tờ báo, anh ta cố gắng biện minh cho bản thân, nói rằng "nhiều việc chồng chất nên anh bị mắc kẹt và quên” con chó.
Tuy nhiên, người đàn ông này không hề bày tỏ mong muốn hay có ý định quay lại. Anh ta cũng không tiết lộ tên ban đầu của con vật, và đó là lý do tại sao con chó trung thành vẫn được gọi là Palma.
Một cuộc tìm kiếm chủ nhân mới cho chú chó bắt đầu và cuối cùng một người phụ nữ tên là Vera Kotlyarevskaya, phó giáo sư tại một học viện sư phạm ở Kiev, vốn là chắt của nhà thơ Ukraine nổi tiếng Ivan Kotlyarevsky, đã được chọn. Cô Vera đã chọn cách tiếp cận từ từ và thận trọng để giành được sự tin tưởng của chú chó nhạy cảm.
Xin nghỉ làm hẳn một tháng, Vera chuyển đến sống ở Vnukovo. Cô đến thăm con chó hàng ngày và dần chiếm được lòng tin của nó.
Cuối cùng, Kotlyarevskaya đã cho Palma uống thuốc ngủ. Ngày hôm sau, nó tỉnh dậy trong một căn hộ xa lạ ở Kiev, thủ đô của Ukraine, khi đó thuộc Liên Xô.
Palma không hề tỏ ra hung hăng hay hoảng sợ. “Một con chó rất bình tĩnh, có hệ thần kinh ổn định, quen với người và sống ở trong nhà nhiều. Ở nhà, nó thường đến gần con gái tôi đang ngủ, liếm má và nhẹ nhàng ghẹ ghẹ tai con bé bằng hai hàm răng”, cô chủ mới Vera ghi lại trong nhật ký.
Vera cũng cho biết Palma đã nhiều lần tìm cách trốn thoát, khiến gia đình luôn phải đóng chặt cửa ra vào, cửa sổ và ban công.
Mãi 6 tháng sau, Palma mới ổn định cuộc sống, chấp nhận ngôi nhà mới và chủ nhân mới, người mà nó đã dành cho tất cả tình yêu và sự tận tâm của mình.
Năm 1924, Hidesaburo Ueno, một Giáo sư tại trường Đại học Tokyo đã mua và đưa con chó Hachi tới Tokyo. Mỗi buổi sáng, Hachiko theo tiễn chủ tới tận nhà ga Shibuya nơi ông lên tàu đi tới nơi làm việc, và ở đó chờ đến khi ông trở về vào cuối ngày. Thói quen đó cứ tiếp diễn cho đến ngày 21/5/1925, khi Giáo sư Ueno đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất ngay tại nơi làm việc. Trong các ngày sau đó, chú chó Hachiko vẫn tới nhà ga để chờ đón ông chủ. Chú đều đặn có mặt tại nhà ga Shibuya trong 9 năm 9 tháng và 15 ngày cho đến khi mất.
Năm 1934, một pho tượng đồng tạc chú chó Hachiko đã được dựng lên tại nhà ga ở Shibuya, và chính Hachiko cũng có mặt trong buổi lễ khánh thành hôm đó. Dưới thời Thế chiến thứ 2, vì cần nguyên liệu để phục vụ cuộc chiến, pho tượng bị dỡ đi để nấu lấy kim loại, Vào năm 1948, một pho tượng Hachiko mới được dựng ở vị trí cũ, cửa bắc ga Shibuya và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.