06:13 18/06/2020

'Cái giá' của sự chủ quan trước COVID-19

"Bóng đen" của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đang dần hiện rõ, đe dọa "xóa sạch" những thành quả chống dịch mà các nước phải khó khăn lắm mới đạt được.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 từ cấp độ 3 lên cấp độ 2 chỉ vài ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố Bắc Kinh không còn COVID-19 lây nhiễm trong nước bởi gần hai tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay vào ngày 9/6, khi các nhà hàng, cửa hiệu và dịch vụ giao thông vận tải ở thủ đô Jakarta vừa hoạt động trở lại ngày 8/6.

Trong bối cảnh diễn biến dịch tại một số nơi vốn được coi là “điểm nóng” của thế giới đã có những tín hiệu khả quan, chính phủ nhiều nước  quyết định nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế, tâm lý chủ quan của người dân cũng xuất hiện sau nhiều tháng phải “giam mình” trong nhà để phòng dịch, thì "bóng đen" của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đang dần hiện rõ, đe dọa "xóa sạch" những thành quả chống dịch mà các nước phải khó khăn lắm mới đạt được. 

Cũng như nhiều người dân Indonesia - nước có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (trên 41.000 người, trong đó có trên 2.000 ca tử vong), chị Eva Rahmi Salama, cư dân Jakarta, cũng đang “thấp thỏm không yên” khi chính quyền quyết định dỡ bỏ các hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch. Hơn ai hết, Eva là người hiểu rõ những nỗi đau mà virus SARS-CoV-2 gây ra, khi cả bố và mẹ chị đã không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” chỉ trong hai ngày. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Lo ngại của Eva không phải là không có cơ sở bởi Indonesia là một nước đông dân (thứ tư thế giới), trong khi tỷ lệ xét nghiệm phát hiện COVID-19 chỉ ở mức khoảng 1.000 xét nghiệm/1 triệu dân, thấp hơn nhiều so với mức 190.000 ở quốc gia láng giềng Malaysia và 63.000 ở Mỹ. Đáng chú ý là tâm lý chủ quan của người dân, sau khi chính quyền dỡ bỏ hạn chế, đã tự do đi lại giữa các tỉnh, vô hình trung phát tán và lây lan virus giữa các vùng, nên số ca mắc trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này liên tục tăng ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Tại Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, tâm lý chủ quan cũng đã xuất hiện khi nước này được coi là “hình mẫu” trong việc chống dịch và là một trong những nước mở cửa lại ngành sản xuất đầu tiên trên thế giới, nhờ các biện pháp phong tỏa quy mô lớn. Người dân đã không còn đeo khẩu trang khi ra ngoài, công tác kiểm dịch tại một số địa phương diễn ra lỏng lẻo, mang tính hình thức. Và sau gần 60 ngày không ghi nhận bất kỳ vụ lây nhiễm nào trong cộng đồng, cũng như 2 ngày sau khi chính thức tuyên bố không còn bệnh nhân COVID-19, việc chính quyền thủ đô Bắc Kinh bất ngờ thông báo ca bệnh đầu tiên vào ngày 11/6 đã khiến người dân “choáng váng”. 

Nỗi lo sợ nhanh chóng bao trùm trở lại do ổ dịch mới xuất phát từ chợ đầu mối chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á. Chỉ trong vòng 7 ngày, số ca nhiễm tại Bắc Kinh đã tăng vọt lên tới hơn 140 người - mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua, buộc chính quyền thành phố này phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế, một số quận đã dựng các chốt an ninh, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân xét nghiệm virus. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kích cầu quy mô lớn mà Bắc Kinh đang triển khai nhằm phục hồi hoạt động tiêu dùng cũng như cuộc sống thường nhật của người dân sau đại dịch. 

Không chỉ ở Bắc Kinh, người dân ở nhiều tỉnh, thành khác ở Trung Quốc cũng đang “sống trong sợ hãi” bởi nguy cơ tái bùng phát dịch, khi tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc đều ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới liên quan đến những bệnh nhân ở thủ đô. 

Trong khi đó, sau hai tháng rưỡi phong tỏa đất nước khiến nguồn thu bị cạn kiệt và cuộc sống người dân đảo lộn, Ấn Độ cũng đã buộc phải từng bước mở cửa lại nền kinh tế, cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số đông, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, việc các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, các địa điểm tôn giáo và một số dịch vụ giao thông công cộng tại Ấn Độ nối lại hoạt động, còn người dân thì quay lại cuộc sống hối hả, đông đúc, bận rộn như trước, đã tạo môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 phát triển và lây lan.

Quốc gia Nam Á này liên tục ghi nhận số ca mắc bệnh trong ngày ở mức khoảng 11.000, trong khi số ca tử vong cũng tăng mạnh. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận trên 354.200 người mắc COVID-19 và khoảng 12.000 trường hợp tử vong. Trước tình hình trên, chính quyền thành phố Chennai, gồm 15 triệu dân, quyết định sẽ tái áp đặt biện pháp phong tỏa cho đến hết tháng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ - hiện vẫn là “tâm dịch” của thế giới, với trên 2,2 triệu ca mắc, trong đó có gần 120.000  người tử vong tính đến ngày 18/6, mối lo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2 đã thể hiện rõ. Dù số ca mắc tại các “điểm nóng” như New York và New Jersey đã phần nào “hạ nhiệt”, song số người nhiễm virus và nhập viện tại nhiều bang, trong đó có các bang đông dân Florida, Texas và Utah lại tăng đột biến, ở mức 2 con số.

Nguyên nhân là do việc mở cửa trở lại nền kinh tế kết hợp với các cuộc biểu tình, biến thành bạo lực, khiến các yêu cầu giãn cách xã hội không còn được tuân thủ. Không những thế, hình ảnh những bãi biển đông kín người hay các nhà hàng không còn chỗ trống càng khiến người ta liên tưởng tới một kịch bản xấu.

Như Erika Crisp, một người dân bang Florida chia sẻ, cô và 15 người bạn của mình đã rất thận trọng trong đợt giãn cách xã hội và cũng đã “chôn chân” ở nhà trong suốt nhiều tháng. Thế nhưng, chỉ 1 tối “la cà” ngay khi các quán bar và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, Crisp và nhóm bạn đã lây nhiễm COVID-19 ở quán rượu Lynch’s Irish. Crisp cho biết có thể đã bị lây từ một người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng và điều mà cô tiếc nuối nhất là đã bất cẩn không đeo khẩu trang tới những địa điểm công cộng. Ngoài Crisp và nhóm bạn của cô, có tới 27 người, trong đó có 7 nhân viên làm việc tại quán, đã mắc bệnh tại “ổ dịch này”. 

"Coi thường" mức độ nguy hiểm của virus bởi trước đó dịch bệnh đã được kiểm soát, thậm chí cho rằng virus sẽ yếu đi trong mùa hè, hầu hết các ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều tập trung tại các địa điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, và xuất hiện chỉ ngay sau khi chính quyền các nước tuyên bố nới lỏng phong tỏa.  Thủ đô Tokyo của Nhật Bản liên tục nhiều ngày chứng kiến số ca mắc mới trên 40, Hàn Quốc cũng trong tình trạng tương tự, trong bối cảnh các ca lây nhiễm trong nước tăng.

Trong khi đó, dù “độ nóng” của dịch bệnh đã hạ tại châu Âu, song nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất lớn khi ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng và nhiều người đang tập trung tại các thành phố lớn để phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau khi người đàn ông da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo” đang chứng minh cho cả thế giới về khả năng dễ lây lan, phức tạp và khó lường của mình. Khi thế giới vẫn chưa tìm ra được vaccine hay thuốc đặc hiệu phòng, chống COVID-19, và có tới 40% số người mang bệnh không biểu hiện triệu chứng, thì nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 hay thậm chí là thứ 3 và thứ 4 hoàn toàn có khả năng xảy ra. Nếu điều này xảy ra, việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa là điều không tránh khỏi, khiến toàn bộ nỗ lực của các chính phủ trong việc dập dịch và mở cửa lại nền kinh tế đổ “xuống sông, xuống biển”, gây ra hậu quả “vô cùng thảm khốc”, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế và hệ thống y tế đã vốn đã bị kéo căng để đối phó đợt dịch đầu tiên, với số ca nhiễm trên toàn thế giới lên tới 8,2 triệu người và trên 446.000 người tử vong. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo rằng, nếu làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 7,5% trong năm nay và đẩy 40 triệu người rơi vào cảnh mất việc làm. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ khi tổ chức này được thành lập 6 thập niên trước. Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận, do hãng tin CNN tiến hành, cho thấy có tới 87% số nhà kinh tế được hỏi tin rằng làn sóng COVID-19 thứ hai có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2020, với mức GDP được dự báo sẽ giảm 6,5%. 

Dù chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ tiếp tục đà trượt dốc, xuống mức thấp kỷ lục vì các biện pháp giãn cách xã hội. Nếu nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn “loay hoay” chống COVID-19 trong quý III và IV, thiệt hại mà Mỹ phải hứng chịu sẽ nằm ngoài dự báo của các nhà kinh tế. Thực tế hiện nay cho thấy một đợt dịch mới bùng phát chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở những quốc gia có nguồn lực yếu và đặc biệt là hệ thống y tế nghèo nàn và lạc hậu như các nước châu Phi. 

Việt Nam đã bước sang ngày thứ 63 liên tiếp không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, cho thấy hiệu quả của việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để và quyết liệt như truyền thông quốc tế đã nhiều lần đánh giá,. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là bởi chỉ cần một chút sơ sểnh, dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào như trường hợp ở Bắc Kinh. 

Trên thực tế, việc các chính phủ có thể khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân. Do đó, khi vẫn chưa có vaccine và thuốc phòng, chống COVID-19, người dân vẫn cần hết sức cảnh giác, tránh tập trung đông người, đặc biệt là tuyệt đối tuân theo các hướng dẫn về giãn cách xã hội. "Cái giá" của tâm lý chủ quan sẽ không chỉ là những thiệt hại kinh tế khi chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, mà là tính mạng của con người.

Ngọc Hà (TTXVN)