06:09 04/06/2011

Cái chết của một vũ nữ nổi tiếng - Kỳ 1: Mất tích

Deborah Flores-Navaez (thường gọi là Debbie), 31 tuổi, là vũ nữ nổi tiếng biểu diễn trong nhóm Fantasy của tổ hợp khách sạn sòng bạc Luxor. Cô rời căn hộ nhỏ ở thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, Mỹ vào tối chủ nhật, ngày 12/12/2010, nơi cô đã ở trong suốt sáu tháng.

Deborah Flores-Navaez (thường gọi là Debbie), 31 tuổi, là vũ nữ nổi tiếng biểu diễn trong nhóm Fantasy của tổ hợp khách sạn sòng bạc Luxor. Cô rời căn hộ nhỏ ở thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, Mỹ vào tối chủ nhật, ngày 12/12/2010, nơi cô đã ở trong suốt sáu tháng. Đó cũng là buổi tối cuối cùng của cô...

Debbie.

Vào lúc nửa đêm 12/12/2010, Debbie phải có mặt tại buổi tổng duyệt của nhóm Fantasy ở Luxor, nhưng nhóm không thấy cô đến. Người quản lý buổi tổng duyệt ghi là cô nghỉ không xin phép. Người ta cũng không thấy Debbie tham gia buổi biểu diễn của nhóm vào lúc 5 giờ chiều thứ hai. Đến lúc đó, các đồng nghiệp mới bắt đầu để ý đến sự vắng mặt khó hiểu của cô. Một người bạn của Debbie tên là Shannon Hammitt gọi điện thoại báo cho Sở cảnh sát thành phố Las Vegas (LVMPD) về sự vắng mặt của cô. Hammitt cũng thông báo cho LVMPD biết kế hoạch của Debbie về việc đi thăm người bạn trai cũ, Jason Griffith bởi trước đó, Debbie đã kể cho Hammitt nghe về kế hoạch này của cô. Ngay lập tức, cảnh sát đã đến chỗ ở của Griffith, ở tòa nhà số 3600 trên phố Russian Olive, để tìm hiểu xem vào ngày 12 và 13/12 Debbie có đến đó không. Griffith, cũng là một diễn viên múa của một nhóm nổi tiếng khác ở thành phố Las Vegas, kể cho cảnh sát rằng Debbie có đến nhà anh và họ gặp nhau lần cuối là vào lúc 6 giờ chiều 12/12. Lúc rời khỏi nhà anh, Debbie vẫn hoàn toàn bình thường.

Băng ghi hình ở bãi đỗ xe của tòa nhà, nơi Debbie sinh sống, cho thấy cô ngồi vào trong chiếc xe Chevrolet Prism 1997 màu hạt dẻ mang biển số của bang Maryland là vào lúc 7 giờ tối. Cô đi bốt đen cao đến đầu gối, mặc một chiếc áo sơ mi và quần bò sẫm màu, mang theo một chiếc ví có dây đeo ở vai và một chiếc túi đựng đồ tập thể dục màu trắng.

Ngày 15/12, thám tử R. Garris đến nhà Jason Griffith để lấy thêm thông tin. Khi Garris đến, anh trông thấy Griffith đang thay chiếc lốp sau bên phải của chiếc xe Chevrolet Cobalt 2005 màu đen hai cửa của anh ta. Viên thám tử nhận thấy Griffith dường như miễn cưỡng quay lại nhìn anh, với lý do anh ta đang vội và phải đi làm ngay. Tuy nhiên, Griffith buộc phải tiếp chuyện Garris và kể rằng lần cuối anh ta gặp Debbie vào buổi tối hôm 12/12. Theo lời kể của anh ta thì lúc đó, cô ngồi trong xe và nói chuyện với anh ta. Griffith nói rằng, họ nói chuyện hoàn toàn bình thường, và rồi cô ấy quay xe đi vì sắp đến giờ phải có mặt ở buổi tổng duyệt. Trong khi trước đó, Griffith đã khai với cảnh sát rằng, lần cuối cùng anh ta nhìn thấy Debbie là vào lúc 6 giờ chiều. Mặc dù có sự không nhất quán trong các lời khai của anh ta, nhưng các nhân viên điều tra vẫn tin rằng Griffith không dính líu gì đến sự biến mất của người bạn gái cũ.

Cùng ngày hôm đó, một người tên Theresa Howey gọi điện thoại đến LVMPD và thông báo về việc có một chiếc xe ô tô, đã bị tháo biển số đậu ở sân sau một tòa nhà, giống như chiếc xe trong tờ rơi mà LVMPD thông báo về vụ việc người mất tích. Cảnh sát liền liên lạc với bộ phận quản lý đăng ký xe và nhận được phản hồi từ Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia của FBI rằng đó chính là chiếc Chevrolet Prism của Debbie.

Các chuyên gia phân tích được cử đến để khám xét hiện trường. Họ xem xét kỹ lưỡng bên trong chiếc xe trước khi chuyển nó đến nơi để bảo quản. Tại đây, các nhân viên điều tra đã tìm thấy chiếc ví của Debbie. Sau khi các nhân viên kỹ thuật khám xét bên trong chiếc xe và khu vực xung quanh để tìm manh mối, chiếc xe được kéo đến một nơi khác để kiểm tra bên trong kỹ hơn. Cảnh sát cũng tìm kiếm ở một công trường xây dựng bị bỏ hoang gần đó với hy vọng sẽ phát hiện ra các dấu vết liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, họ chỉ biết có một điều: vị trí tìm thấy chiếc xe ở khu đông Carey cách nơi ở của Griffith khoảng hơn 10 km và cách căn hộ của Debbie khoảng hơn 30 km.

Jason Griffith.

Trong khi đó, thám tử Garris lại tiến hành điều tra lý lịch nhân thân của Jason Griffith. Anh tìm thấy ba báo cáo cho thấy mối quan hệ của đôi trai gái này dường như chẳng mấy suôn sẻ vì có khá nhiều bạo lực. Trong một báo cáo, Griffith là nạn nhân còn Debbie bị nghi là thủ phạm trong một vụ xô xát giữa hai người. Trong hai báo cáo khác thì Debbie lại là nạn nhân còn Griffith bị nghi là thủ phạm. Hồ sơ lưu trữ còn ghi Griffith đã bị bắt một lần vì tội bạo hành đối với Debbie.

Xem lại các báo cáo của cảnh sát, Garris biết Griffith đã gọi điện thoại đến Sở cảnh sát bắc Las Vegas vào ngày 9/10/2010 để thông báo rằng Debbie đang có mặt và quấy rối tại nhà anh ta. Khi được cảnh sát hỏi, Debbie cho biết hai ngày trước đó Griffith đã đập đầu cô vào kính xe ở chỗ cần gạt nước khiến cho tấm kính bị vỡ. Theo trang web People.com, vào khoảng 1 giờ 30 sáng thứ hai, 22/10/2010, giữa Debbie và Griffith đã xảy ra một vụ cãi vã trên một con phố ở thành phố Las Vegas xung quanh chiếc điện thoại iPhone của Debbie. Trong cơn giận dữ, anh ta đã giật chiếc điện thoại và ném nó văng xa hơn 30m. Debbie khai với cảnh sát rằng khi cô cúi xuống để nhặt chiếc điện thoại lên thì bị Griffith đá và giật tóc. Sau đó, cảnh sát cũng đã tìm thấy một nắm tóc của Debbie ở hiện trường, nơi xảy ra cuộc cãi lộn giữa hai người. Debbie cũng cho biết, vào thời điểm cô bị Griffith đối xử thô bạo, cô đang mang thai đứa con của anh ta. Tuy nhiên, lời khai này không được kiểm chứng. Griffith chỉ thừa nhận việc hai người có xảy ra cãi lộn về chiếc iPhone, nhưng phủ nhận việc đã đánh hay giật chiếc điện thoại của Debbie.

Cho đến thời điểm đó, các điều tra viên vẫn không hề nghi ngờ Griffith có dính dáng đến sự mất tích của Debbie. Khi công tác điều tra về vụ cô vũ nữ xinh đẹp mất tích tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì vào ngày 17/12/2010, Marcia Chritensen, một bạn gái cũ của Griffith, gọi điện thoại cho điều tra viên Garris và thông báo rằng cô nhận được một tin nhắn của Griffith vào hôm mùng 7 hoặc mùng 8, trong đó anh ta hỏi cô xem có biết chỗ nào bán súng không. Đương nhiên là Griffith không thể mua hay sở hữu một khẩu súng bởi vì anh ta đã từng bị bắt bị tội bạo hành. Vậy Griffith dự định sử dụng súng vào mục đích gì?

Khánh Chi (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Hung thủ lộ diện