12:06 06/12/2017

Cái chết của cựu Tổng thống Saleh có nghĩa gì với nội chiến Yemen?

Nhà lãnh đạo Yemen gây tranh cãi Ali Abdullah Saleh – nhân vật trung tâm trong cuộc nội chiến giành quyền lực ở quốc gia vùng Vịnh – đã bị ám sát vào ngày 4/12 do chính đồng minh trước đó - phiến quân Houthi ra tay.

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: AFP

Theo Đài phát thanh Sputnik, cựu Tổng thống Saleh buộc phải từ chức sau cuộc nổi dậy chống lại ông năm 2012. Kể từ đó, ông cùng với phiến quân Houthi bắt đầu cuộc chiến giành quyền lực chống Tổng thống Yemen hiện tại Abdrabbuh Mansour Hadi được Saudi Arabia hậu thuẫn.

Tuy nhiên, đến ngày 2/12, cựu Tổng thống Saleh đã đổi phe. Ông tuyên bố chấm dứt hợp tác với Phong trào Houthi, thay vào đó sẽ liên kết với Tổng thống Hadi và liên minh Saudi. Xung đột nổ ra tại thủ phủ Sanaa nằm trong tầm kiểm soát của phe nổi dậy. Cựu Tổng thống Saleh đã bị ám sát bởi một tay bắn tỉa của Houthi khi đang trên đường cao tốc chạy trốn khỏi Sanaa.

Theo ông Massoud Shadjareh đang làm việc tại Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo, Saleh được biết đến đối với người dân Yemen và cộng đồng quốc tế là một nhân vật đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, một người luôn có chính kiến riêng. Phần lớn người dân Yemen công nhận ông. Không phải ai cũng yêu quý ông song ông có tiếng nói sức mạnh, đặc biệt là đối với lực lượng quân đội cũ.

Ông Saler đảm nhiệm vị trí Tổng thống Bắc Yemen từ 1978 đến 1990, và sau đó làm Tổng thống Yemen từ 1990 đến 2012. Trong suốt quá trình lãnh đạo, ông chứng tỏ mình là một nhà hoạt động chính trị hiểu biết và có kỹ năng. Tuy nhiên, Shadjareh nhận xét, chính tính cách đó đã khiến ông không có niềm tin với cấp dưới và không tin tưởng bất kỳ ai ngoại trừ bản thân. Ông tự quyết định, đổi phe liên tục. “Tôi nghĩ tình trạng những ngày gần đây là kết cục của ông ấy. Chính ông là người tạo ra nó và trở thành nạn nhân”.

Đối với Kathy Kelly, làm việc Tổ chức Tiếng nói Phi Bạo lực, cái chết của cựu Tổng thống Saleh là một bước phát triển quan trọng trong cuộc nội chiến, song mang chiều hướng tiêu cực hơn, gia tăng tính thù địch.

Ông Kelly nói: “Dường như các cuộc xung đột đường phố đang diễn ra sẽ mở ra một mặt trận mới đem theo thảm kịch tồi tệ. Mọi người đều có vũ khí và muốn sử dụng chúng, giải pháp đối thoại để mọi người hạ vũ khí dường như là bị lãng quên".

Theo tính toán của Liên hợp quốc, 8 triệu người tại Yemen đang ở bờ vực chết đói. Đó là vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay, bên cạnh việc giải quyết tình trạng bùng phát dịch tả.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức