10:09 31/10/2011

Cải cách tiền lương 2012 – 2020: Cần trả lương theo năng lực công chức

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu việc cải cách tiền lương thời gian tới đổi mới bằng cách chuyển sang “thực trả”- trả theo năng lực công chức và phù hợp đòi hỏi của thị trường - thì đồng lương sẽ thực sự động viên tinh thần gắn bó với công việc của cán bộ, công chức, người lao động.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang hoàn thiện đề án Cải cách tiền lương 2012- 2020. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu việc cải cách tiền lương thời gian tới đổi mới bằng cách chuyển sang “thực trả”- trả theo năng lực công chức và phù hợp đòi hỏi của thị trường - thì đồng lương sẽ thực sự động viên tinh thần gắn bó với công việc của cán bộ, công chức, người lao động.

Chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung cho người lao động trong khu vực hành chính- sự nghiệp đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, với mức tăng gần 4 lần. Việc điều chỉnh này được thực hiện trên cơ sở các mức đã dự kiến trong Đề án tiền lương giai đoạn 2003 - 2007 và 2008 - 2012, có điều chỉnh linh hoạt theo mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách nhà nước.

Tiền lương tối thiểu cần tính toán dựa trên các nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức.


Tuy nhiên, việc điều chỉnh đó, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu, chưa đủ để cán bộ, công chức sống bằng lương.
Tính toán của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2011, mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định đối với khu vực hành chính- sự nghiệp là 830.000 đồng/tháng chỉ mới đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu về chi tiêu lương thực, thực phẩm, chưa đảm bảo các chi phí khác.

Bên cạnh đó, mức lương này thấp hơn so với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu giai đoạn 2008 - 2012 đối với cán bộ, công chức còn chậm hơn so với khu vực doanh nghiệp.

Theo PGS. TS Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực – Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã qua 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng nếu tính tới chỉ số lạm phát và giá cả tiêu dùng thì lương tối thiểu thực tế chỉ tăng hơn 0,05 lần. Tính ra, trung bình mỗi năm lương tối thiểu thực tế chỉ tăng 0,64%. Nếu so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua và so với yêu cầu xem tiền lương là một khoản đầu tư để phát triển nguồn nhân lực thì tốc độ tăng lương như vậy rõ ràng là quá thấp.

Để lương trở thành động lực

Theo PGS. TS Trần Văn Thiện, hệ thống trả lương trong khu vực hành chính- sự nghiệp hiện nay là hệ thống trả lương mang nặng tính bao cấp, “đến hẹn lại lên”, phi thị trường. Mức lương được xác định qua bằng cấp và thâm niên. Các yếu tố như năng lực, kết quả, hiệu quả công việc, khả năng sáng tạo, tinh thần thái độ... chưa được tính đến.

“Mức lương đó khó thu hút được người có tài năng; chưa tạo ra động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao...”, ông Đoàn Cường- Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ Nội Vụ) nhận xét.

Bên cạnh đó, “hệ quả là những người làm công việc đơn giản nhưng thâm niên cao đương nhiên có mức lương cao hơn so với người có trình độ giỏi, làm công việc phức tạp nhưng còn trẻ. Người làm việc tốt và không tốt không được phân biệt”, PGS.TS Trần Văn Thiện nói.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012- 2020. Góp ý cho việc này, ông Thiện cho rằng trong lần cải cách tiền lương tới đây, cần mạnh mẽ và kiên quyết chuyển từ hệ thống trả lương thấp sang hệ thống tiền lương thực trả, phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc “phải xây dựng cho được hệ thống định giá công việc theo vị trí quan trọng, theo tính chất phức tạp và hệ thống đánh giá, xếp hạng thành tích cán bộ, công chức, viên chức cho từng tuần, từng tháng và cuối năm. Dựa vào đó xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng”- ông Thiện phân tích. Đồng thời, tiền lương tối thiểu, theo đó, cần được tính toán dựa trên các nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức gồm: Ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh...

“Tiền lương phải là một động lực chủ yếu để công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ, có điều kiện thăng tiến dựa vào tài năng, trí tuệ của chính mình, không cần tham nhũng và không thể tham nhũng”, ông Diệp Văn Sơn- Chuyên gia Dự án Hỗ trợ cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc UNDP, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại miền Nam nêu quan điểm.

Để đồng lương trở thành động lực cho người lao động, theo ông Diệp Văn Sơn, lương nên được thiết kế thành hai phần, gồm “phần cứng” và “phần mềm”. Phần cứng phản ánh năng lực, trình độ, kỹ năng... “Phần mềm” phản ánh những biến động, trượt giá, phụ cấp...

“Có làm được như vậy thì tiền lương mới trở thành động lực làm việc tốt. Đồng thời, tránh được tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc một cách vô cảm, vô trách nhiệm trong bộ máy công quyền”, ông Thiện khẳng định.

Mạnh Minh