04:16 16/04/2015

Cải cách thủ tục hành chính, mấu chốt là con người

Thủ tục hành chính, suy cho cùng, cũng là do con người "vẽ" ra và thực hiện. Cùng một quy trình thủ tục, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm kém. Điều này cho thấy, vấn đề con người mang yếu tố quyết định.

Thủ tục hành chính, suy cho cùng, cũng là do con người "vẽ" ra và thực hiện. Cùng một quy trình thủ tục, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm kém. Điều này cho thấy, vấn đề con người mang yếu tố quyết định. Vì vậy, muốn cải cách, muốn thay đổi, muốn gọn nhẹ, mấu chốt vẫn là cải cách, thay đổi chính tư duy của chính cán bộ làm công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế (do Bộ Tài chính tổ chức) mới đây, rất nhiều doanh nghiệp "xếp hàng" phàn nàn về thủ tục, quy định pháp luật về thuế, hải quan. Đặc biệt tại đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp với 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về thuế và hải quan đang dẫn đầu bảng trong các thủ tục “hành là chính”; tiếp theo lần lượt là đất đai, tài nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư; thủ tục bảo hiểm xã hội; thủ tục về xây dựng; giao thông vận tải; thủ tục hải quan… Với lĩnh vực hải quan, công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% doanh nghiệp cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan... Vẫn tồn tại nhiều bất cập trong các văn bản pháp luật cũng như khâu triển khai chưa đồng bộ thủ tục hoàn thuế, chế độ hạch toán, thiếu đồng bộ thông tin lệ phí tờ khai, thông quan tự động chưa thật sự phát huy hiệu quả tích cực... Rất nhiều khâu đoạn, yêu cầu đã được loại bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế.

Thậm chí có nơi, cán bộ thuế, hải quan vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định... Điều đáng quan tâm là những sự việc, những bất cập nói trên diễn ra vào đúng thời kỳ cao điểm của công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo.

Thế mới có chuyện, doanh nghiệp đã nộp tiền qua ngân hàng, có ủy nhiệm chi nhưng hệ thống hải quan trên mạng chưa xóa nợ nên cán bộ hải quan vẫn bắt đợi đến khi tài khoản báo tiền xuất hiện, thì mới xóa bỏ việc nợ thuế trên mạng, sau đó làm tờ trình lãnh đạo, chờ ký duyệt rồi mới làm thủ tục thông quan. Sự máy móc này khiến doanh nghiệp phải mất thêm nhiều thời gian đi lại, giải quyết với đủ loại chi phí. Đơn cử, một mặt hàng có tới 3 - 4 bộ quản lý, mỗi bộ một yêu cầu, một mẫu kiểm tra khác nhau nhưng giữa các bộ, ngành lại không liên thông khiến doanh nghiệp quay như chong chóng; rồi hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm tới gần 70% hàng hóa xuất nhập khẩu khiến thủ tục đội lên...

Những bất hợp lý trên, chưa chắc đã phải để "hành", để "vòi" doanh nghiệp, mà có thể là vì thói quen, vì sợ trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ. Nó cho thấy, công cuộc cải cách hành chính là hết sức khó khăn, phức tạp vì nó không chỉ đơn giản là gạch bỏ bao nhiêu dòng, bao nhiêu đoạn... trong quy trình hiện tại mà còn là sự "thay máu" về tư duy của cán bộ, công nhân viên của các ngành này.

Nêu những con số trên đây để thấy rằng, hành trình cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp vẫn là một thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã đến lúc những nhà làm chính sách, quản lý, cần thay những lời hứa suông bằng những việc làm, hành động cụ thể.

Yến Nhi