12:16 19/12/2018

Cải cách thủ tục hành chính để hút đầu tư vào nông nghiệp

Ngày 19/12, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Giao lưu trực tuyến “Cải cách hành chính – Thủ tục hành chính: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp”.

Chú thích ảnh
Kỹ sư nông nghiệp trang trại Delco (Công ty Delco Agriculture tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) kiểm tra mô hình rau thủy canh trong nhà kính. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Thực hiện Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những cải cách tích cực, quyết liệt nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đáng kể cho cho người dân và doanh nghiệp.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cắt giảm 173/345 điều kiện (đạt tỷ lệ 50%). Bộ cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 77%). Việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính là một trong những công việc trọng tâm của Bộ nhiều năm gần đây. Tất cả các đơn vị liên quan đến thủ tục hành chính đều được giao thực hiện công việc này và đây là công việc thường xuyên, bắt buộc phải làm.

Tất cả các thủ tục hành chính, các điều kiện cắt giảm đầu tư kinh doanh đều thể hiện trong văn bản pháp luật. Việc thực hiện cắt giảm này bắt đầu từ nhận thức của cán bộ công chức từ các cấp lãnh đạo sau đó được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật. Việc cắt giảm này có sự phản biện của xã hội, các cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm thực chất cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Kim Anh, đây là công việc khó. Chặng đường này còn khá dài, ngành sẽ phải có sự nỗ lực hơn nữa trong duy trì và tiếp tục cải cách theo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Đứng trước áp lực hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết, ngành sẽ phải triệt để cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin. Sản phẩm chăn nuôi phải hướng đến xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước đã đáp ứng đủ. Do vậy, phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Ông Dương cho biết, Quốc hội cũng thông qua Luật Chăn nuôi trong đó quy định việc quản lý theo chuỗi, từ khâu giống đầu vào tới khâu thị trường, tổ chức theo các chuỗi liên kết, phát huy vai trò của hợp tác xã để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

"Do vậy, cải cách hành chính sẽ tiếp tục phải được áp dụng, đồng thời thực hiện tốt Luật Chăn nuôi, kê khai chăn nuôi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Bảo vệ thực vật là đơn vị thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp thực hiện cấp giấy chứng nhận nhập khẩu và quá cảnh sản phẩm thực vật. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với trên 130.000 lô hàng/năm; trong đó trên 85% lô hàng thực hiện qua cơ chế 1 cửa quốc gia đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và lực lượng cán bộ.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp giảm được chi phí đi lại, công sức, về phía Cục Bảo vệ thực vật lực lượng cán bộ cũng được giảm áp lực vì số doanh nghiệp đến chi cục làm thủ tục giảm.

Ông Nguyễn Quý Dương hi vọng, thời gian tới, việc thực hiện hải quan một cửa được áp dụng trên sản phẩm xuất khẩu và có sự công nhận lẫn nhau giữa các thị trường thì rất tốt. Khi các các nước có sự công nhận lẫn nhau sẽ tránh được hồ sơ giả. Như hiện nay, khi chưa có sự công nhận, có dấu hiệu giấy tờ giả, sẽ gây mất nhiều thời gian cho cả cán bộ và doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, hội nhập là cả một quá trình cần có thời gian để có sự tương đồng. Thực tế, việc áp dụng hồ sơ giấy thì có thể biết được ngay đây là giấy tờ thật hay giả, còn giấy tờ điện tử thì khó phân biệt ngay. Do vậy, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá sự thừa lẫn nhau và tránh kiểm tra hai lần để tiết kiệm chi phí, hạn chế bất cập.

Bích Hồng (TTXVN)