Những cải cách mà Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc đưa ra mới đây báo hiệu một cuộc cách mạng trên thị trường tài chính, là minh chứng mới nhất cho quyết tâm chuyển hướng sang một nền kinh tế dựa trên thị trường của Trung Quốc.
Những cải cách mà Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đưa ra hôm 30/11 báo hiệu một cuộc cách mạng trên thị trường tài chính, là minh chứng mới nhất cho quyết tâm của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong nỗ lực chuyển hướng sang một nền kinh tế dựa trên thị trường, trong đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể lạc quan hy vọng rằng luật lệ thị trường sẽ trở thành luật chơi chủ yếu. Những thay đổi tiên sẽ nhằm vào thị trường chứng khoán, với nhiều quy định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Nó đánh dấu sự khởi đầu hướng đến một hệ thống tài chính lành mạnh hơn, nhằm đưa các thị trường của Trung Quốc tiến gần đến chuẩn mực phương Tây.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ có được sân chơi công bằng hơn? Ảnh minh họa |
Kể từ Hội nghị Trung ương 3, Khóa XVIII ĐCS Trung Quốc, Chính phủ nước này đã liên tục phát đi các tín hiệu cải cách quyết liệt thị trường tài chính. CSRC ngày 2/12 đã ban hành một chỉ thị thúc đẩy cải cách tài chính tại Khu vực Tự do Thương mại Thượng Hải, liền sau đó là hướng dẫn của Bộ Tài chính về các sắc thuế công ty trong khu thương mại tự do. Các tuyên bố khác bao gồm những chương trình cải cách tài chính liên quan đến khu biên mậu Vân Nam-Quảng Tây với việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong giao thương với các đối tác châu Á...
Pháo hiệu cải cách trên thị trường tài chính được thực khởi động ở thị trường chứng khoán, với đặc điểm nổi bật là tăng cường tính minh bạch trong hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhằm loại trừ sai lầm cũng như việc làm giá cổ phiếu phát hành. Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến trong hơn 1 năm qua đã dừng nhận phát hành IPO do lo ngại về tình trạng gian lận, bất bình đẳng; quá nhiều cổ phiếu thổi giá của các công ty được đưa ra thị trường. Với quy định mới, ngay trong tháng 1/2014, sẽ có 50 công ty được IPO. Tiếp đó sẽ là 765 công ty nội địa đang xếp hàng chờ đáp ứng được các yêu cầu mới.
Những thay đổi về luật khác mà CSRC vừa công bố bao gồm:
Một là: nâng cao tính minh bạch trong chào bán chứng khoán. Các công ty IPO phải công bố thông tin trung thực nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi nhà đầu tư trong việc định giá các cổ phiếu. Những thông tin liên quan đến hoạt động IPO này đều được đăng trên website của CSRC. Khi phát hiện ra các thông tin sai lệch, mâu thuẫn trong các báo cáo thuyết minh của các công ty, các tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ bị ngưng hoạt động 12 tháng.
Hai là, các công ty IPO có thể tiến hành lựa chọn thời điểm lên sàn trong vòng 12 tháng sau khi nhận được sự chấp thuận từ CSRC. Giới lãnh đạo công ty phải cam kết không được bán cổ phiếu dưới giá IPO trong 2 năm kể từ khi phát hành; và thời hạn này có thể kéo dài thêm 6 tháng nếu giá giao dịch dưới giá IPO trong 20 phiên liên tiếp trong vòng 6 tháng đầu tiên; hoặc là giá đóng cửa tại phiên cuối thời hạn 6 tháng đầu dưới giá IPO. Cổ đông lớn - những người nắm giữ từ 5% lượng cổ phiếu trở lên, phải công bố thông tin trước công chúng 3 ngày trước khi bán cổ phiếu.
Ba là, trị tận gốc các biện pháp làm giá cổ phiếu, đặc biệt là thủ thuật niêm yết cửa sau (back-door listing) - được hiểu là một công ty chưa đủ điều kiện niêm yết đã dùng biện pháp thâu tóm hay sáp nhập để chiếm quyền kiểm soát một công ty đã niêm yết và nghiễm nhiên được niêm yết trên thị trường bằng sự đổi tên của cổ phiếu đã niêm yết. Các công ty được khuyến nghị trả cổ tức bằng tiền mặt. Các công ty niêm yết không có kế hoạch chi tiêu tài chính lớn được khuyến nghị là phải dùng tối thiểu 80% lợi nhuận để chi trả cổ tức. Các công ty có các kế hoạch chi tiêu tài chính lớn cũng phải đáp ứng tỉ lệ chi trả cố tức ít nhất là 40% tổng lợi nhuận.
Bốn là, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu ưu đãi. Lượng phát hành ưu đãi chỉ được tối đa là 50% lượng cổ phiếu đang lưu hành; tổng vốn điều lệ sau phát hành chỉ được phép tăng dưới 50% so với tổng giá trị tài sản của công ty. Cổ phiếu ưu đãi và khoản lợi tức mà cổ đông là các tổ chức nhận được từ việc đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi là tài sản chung và không phải đóng thuế thu nhập. Đây là điều khoản nhằm thu hút một luồng tiền dài hạn từ các quỹ lương hưu, công ty quản lý tài sản bảo hiểm. Các công ty phải trả tiền mua số cổ phiếu ưu đãi đến hạn mà chưa thực hiện trước khi mua lại bất kì một cổ phiếu ưu đãi nào, trừ khi công ty đó là một ngân hàng thương mại.
HT (
AsiaSentinel)