08:22 19/08/2015

Cải cách kinh tế mạnh mẽ như làm cách mạng

Phát biểu tại hội nghị về vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong thời kỳ làm cách mạng kinh tế để nâng cao tầm vóc quốc gia.

Tại UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 19/8 đã diễn ra Hội nghị một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới – giao ban hiệp hội doanh nghiệp vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ (Vùng ATK) do UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị.


Đến dự hội nghị có Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc, Phó Chủ tịch VCCI ông Hoàng Quang Phòng. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trần Quốc Tỏ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Dương Ngọc Long - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều đại biểu cũng như đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Long cho biết hội nghị diễn ra không ngoài mục đích kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết vùng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI), hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập trong thời kỳ mới...

Theo ông Dương Ngọc Long, triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân đặc biệt là của đội ngũ cơ sở, kiên quyết xử lý những trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà.

Với việc tập trung triển khai đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược: về phát triển kết cấu hạ tầng, về công tác quy hoạch và về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Thái Nguyên đã gặt hái được những thành tựu nhất định.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, xây mới: cao tốc Hà Nội Thái Nguyên, cao tốc Thái Nguyên - Thanh Bình (Bắc Cạn), dự án ATK liên hoàn... PCI của Thái Nguyên được cải thiện rõ rệt: thứ  57/63 tỉnh thành (2011), 17/63 (2012), 25/63 (2013) và 8/63 (2014).

Ông Vũ Tiến Lộc (thứ ba, phải sang), Chủ tịch VCCI trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị trong giờ giải lao.


Trước 2012, Thái Nguyên có 10 dự án với tổng vốn đăng ký là 132 triệu USD. Từ năm 2013 thu hút 51 dự án với tổng vốn đăng ký là trên 7,1 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước, trở thành nơi có nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới của Tập đoàn Samsung Electronics.

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời cám ơn VCCI trong suốt 10 năm qua đã kiên trì theo đuổi dự án nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh PCI để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp; để đến hôm nay PCI đã trở thành công cụ thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của tất cả 63 tỉnh thành.

Đánh giá việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá vừa là cơ hội vừa là thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thời đề nghị Nhà nước theo dõi sát tình hình để điều chỉnh biên độ, thậm chí điều chỉnh tỉ giá đồng tiền Việt Nam phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước nhà.

Bên cạnh đó, để cạnh tranh, giữ vững thị phần, cũng theo chủ tịch HHDN Thái Nguyên, Nhà nước cần ký kết các hiệp định để đối tác giảm thuế. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời phải liên kết, tạo thành “sức mạnh bó đũa” trong thời kỳ hội nhập.

Đến với hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh, PCT Công ty khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị Chính phủ cân nhắc lại đề xuất tăng thuế tài nguyên đối với khoáng sản bởi “tăng thuế sẽ… đi kèm với rất nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội – môi trường to lớn”.

Đồng thời, ông thể hiện sự đồng tình với nỗ lực VCCI trong việc thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng ở khoảng dưới 10%, so với đề xuất tăng lương tối thiểu trên 16% với các vùng miền do Bộ Lao động thương binh và xã hội và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra để thực hiện từ đầu năm 2016.

Đồng chí Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị.


Cám ơn sự đóng góp ý kiến nhiệt tình của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng bản thân địa điểm và thời điểm tổ chức hội nghị hôm nay đã gửi đi thông điệp cải cách, thông điệp cách mạng rõ ràng, mạnh mẽ.

“Chúng ta đã làm thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng tiếp theo là trong xây dựng kinh tế, đổi mới thể chế. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ cách mạng đặt ra là thoát khỏi đói nghèo, trở nên giàu mạnh”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu. Và theo ông, nhiệm vụ trên được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang bị tụt hậu so với các nước ASEAN.

Cùng với Nghị quyết 19, Chính phủ ra quyết tâm cải cách với triết lí vô cùng đơn giản: các nước làm được, Việt Nam làm được; đặt mục tiêu trong vòng 3 năm, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính của Việt Nam phải vươn lên trong nhóm 4 nước tốt nhất ASEAN.

Để làm được điều này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần áp dụng công nghệ thông tin để tránh nảy sinh tiêu cực, tiết kiệm thời gian, đảm bảo minh bạch, giảm chi phí không chính thức.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh phải tăng cường tiếng nói của người dân và doanh nghiệp trong giám sát cải cách thủ tục hành chính, lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cán bộ công chức để đánh giá hoạt động cải cách thủ tục hành chính của các bộ ngành, chính quyền địa phương.

“Muốn thành công thì quyết tâm của người đứng đầu phải trở thành hành vi hàng ngày của cán bộ cơ sở”, ông Vũ Tiến Lộc kết luận.

Anh Minh