06:14 03/06/2017

Cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học bàn luận tại hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Dự án luật Hành chính công" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 3/6, tại Hà Nội.

Bức thiết phải đổi mới hành chính trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Sự đẩy mạnh công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối là xu thế của thế giới và có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, do đó, để có thể tiếp cận xu thế của công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu quan trọng đó là áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước; từ đó tạo môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sự tích hợp về mặt công nghệ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người dân và doanh nghiệp bức thiết đòi hỏi bộ máy hành chính cũng phải thực sự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì mới đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nếu cơ quan Nhà nước chậm đổi mới, vẫn thủ tục lạc hậu, giấy tờ rườm rà, sách nhiễu, sẽ trở thành rào cản cho đầu tư và phát triển. Vì vậy cán bộ công chức, viên chức các cấp, nhất là những người đứng đầu ở các sở, ngành, địa phương, cũng như phải thay đổi nhận thức từ cơ chế nền hành chính "mệnh lệnh", "xin-cho" sang nền hành chính "phục vụ"; coi người dân và doanh nghiệp thực sự là "đối tác", "khách hàng" trong cung cấp dịch vụ công.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công đánh giá, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Dự án Luật Hành chính công được xây dựng sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ/chính quyền điện tử, đổi mới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp cán bộ, nhân dân, góp phần làm tăng các yếu tố tích cực, giảm thiểu những yếu tố thách thức trong tiến trình Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như trong hội nhập quốc tế.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đa số các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt được là 828 dịch vụ công cấp Bộ, 11.409 dịch vụ công cấp tỉnh. Theo kết quả tổng hợp, tại các Bộ, 45,6% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 92,8% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến; tương ứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 81,67% và 22,63%.

Tại các Bộ, ngành, địa phương, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn một số hạn chế nhất định, điển hình như số dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến, một số địa phương báo cáo đã cung cấp số lượng lớn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng chưa báo cáo số hồ sơ trực tuyến phát sinh.

Bên cạnh đó, công tác triển khai pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử gắn kết với cải cách hành chính trong những năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn nhất định.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), khó khăn lớn nhất mà nhiều Bộ, ngành, địa phương phản ánh trong quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ, giao dịch điện tử và chữ ký số trong cơ quan nhà nước là thiếu kinh phí.

"Trong hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước, chưa có mục chi riêng cho ứng dụng công nghệ thông tin, ngân sách Trung ương cấp cho các Bộ, ngành, địa phương được cấp chung, việc bố trí, phân bổ như thế nào là do các Bộ, ngành, địa phương chủ động, dẫn tới nếu Bộ, ngành, địa phương nào được lãnh đạo quan tâm thì mới được bố trí kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin" - Tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc phân tích.

Ngoài khó khăn chính về kinh phí khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, còn có một số khó khăn vướng mắc khác. Như người đứng đầu một số cơ quan Nhà nước chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chưa gương mẫu, tham gia trực tiếp vào quá trình chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mới chỉ quan tâm tới số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu sự phối hợp; các Bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (cấp Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (cấp tỉnh) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đến trùng lắp, không kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Một số văn bản quy phạm pháp luật cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước còn thiếu hoặc chưa cập nhật phù hợp với thực tiễn, tiêu biểu như quy định về quy trình, thủ tục trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước, lưu trữ hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu, cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn Nhà nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động cải cách hành chính. Nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều Bộ, ngành địa phương vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực, nhất là bộ phận chuyên trách, tham mưu, quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo nhiều đại biểu, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới, thì việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành, đề xuất ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử có vai trò quan trọng, trong đó có dự án Luật Hành chính công.

Xuân Tùng (TTXVN)