11:10 02/11/2017

Cải cách hành chính: Chấm dứt tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'

Muốn có nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan. Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới ỳ trệ, đùn đẩy lên cấp trên.

Sức ỳ cải cách hành chính còn cao 

Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cho rằng, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, sức ỳ của nền hành chính còn cao và có sự đùn đẩy trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, trong thời gian qua, tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tạo ra chuyển biến tích cực của nền kinh tế, trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Chính phủ khẳng định khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản, tuy nhiên, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền mà việc thực thi pháp luật không nghiêm. Ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì cũng không có ý nghĩa.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo đại biểu Học, có rất nhiều nguyên nhân nhưng khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa có hiệu quả. Việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm, cấp trên chưa làm gương cho cấp dưới, cán bộ chưa làm nghiêm cho người dân. Nhiều cơ quan soạn thảo dự án luật nhưng vi phạm pháp luật khi trình dự án luật không đúng thời hạn quy định, vi phạm pháp luật ngay từ khâu soạn thảo. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để việc thực thi pháp luật không còn là khâu yếu, vì thực thi pháp luật là khâu yếu sẽ rối loạn xã hội.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương Nhà nước, đại biểu Học cho biết, Chính phủ có nêu đã khắc phục từng bước việc tình trạng thiếu kỷ luật, kỷ cương, nói không đi đôi với làm. Tháng 8/2016, các đơn vị nợ nhiệm vụ quá hạn là 25%. Đến tháng 9/2017, số liệu này chỉ còn 2,16%. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, Chính phủ cũng cho rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Việc này tồn tại ở nhiều lĩnh vực như: Tổ chức cán bộ, khai thác tài nguyên, tài chính ngân sách, sử dụng đất đai… xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đây chính nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính trì trệ, kém hiệu quả.

Đại biểu Học cho rằng, muốn có nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, để cuối năm 2018 cử tri mong muốn Chính phủ báo cáo kỷ luật sẽ nghiêm. Quốc hội cần giao nghiệm vụ này cho Chính phủ và tăng cường công giám sát. Vì đây là tồn tại hạn chế kéo dài nhưng chậm khắc phục mặc dù Chính phủ đã cố gắng.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cử tri rất đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Đánh giá thẳng thắn thì nhiều cán bộ vẫn chưa thực sự thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ việc đi lại, chi tiêu công, quản lý tài sản công, tổ chức lễ hội, khánh thành… trong khi đồng bào bị lũ lụt còn đang thiếu thốn đủ bề. Chống tham nhũng phải gắn liền với thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, chủ trương, chế tài cụ thể về vấn đề này. Để thực hành tiết kiệm là lối sống, ý thức, nhân cách của đội ngũ cán bộ.

Củi tươi đưa vào cũng cháy

Về vấn đề cải cách hành chính, đại biểu Ngô Trung Thành, Đắk Lắk cũng đánh giá cao của tập thể Chính phủ với 13/13 chỉ tiêu được giao đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về sức ỳ của nền hành chính - kẻ thù của Chính phủ kiến tạo.

Trong báo cáo về sai phạm trong đề bạt cán bộ của Chính phủ có nêu quy trình xử lý gồm 5 bước: Đầu tiên, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ. Bước hai, Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra rà soát để báo cáo Thủ tướng. Bước ba, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan xem xét xử lý. Bước bốn, Bộ Nội vụ ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh, người đứng đầu các cơ quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Bước năm, UBND tỉnh xử lý giải quyết.

Đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận sáng 2/11. Ảnh: TTXVN

Các bước được xác định rõ ràng, tuy nhiên, đại biểu Thành băn khoăn việc quy trình năm bước có hợp lý, phản ánh được tinh thần cải cách hành chính. Trong 7 vụ việc được nêu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, có 6 vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh. Một vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tổng cục. Không có vụ việc nào phải lên tới Thủ tướng. Đối với pháp luật hiện hành, nhưng vụ việc như vậy chỉ cần một bước xử lý, tối đa là hai bước để xử lý.

Cụ thể, chỉ cần các cơ quan thực hiện đúng thẩm quyền khi xảy ra các vụ việc. Trường hợp chưa xử lý được thì thêm một bước kiểm tra, thanh tra của cấp trên. Vậy tại sao các vụ việc trên cứ phải tiến hành năm bước? Nếu báo chí không nêu thì liệu các vụ việc này có được phát hiện và bao nhiêu vụ việc chưa được phát hiện? Tại sao các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp không kịp thời xử lý mà lại đợi yêu cầu từ trên xuống? Tại sao Bộ Nội vụ phải đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mới thực hiện trách nhiệm kiểm tra của mình? Vì sao sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới biến chuyển?

Đại biểu Thành cho rằng, giá như các cơ quan làm đúng và đẩy đủ trách nhiệm của mình thì chắc chắn các vụ việc đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Giá như cấp trên phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong kiểm tra, thanh tra thì sự việc đâu phải đẩy lên bàn Thủ tướng và Thủ tướng không phải chỉ đạo như sự việc quán cà phê Xin chào.

Nói về giải pháp, đại biểu Thành cho biết, việc thực hiện thành công công cuộc kiến tạo không quá khó khăn nếu các cơ quan làm đúng chức trách của mình. Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy tính chủ động, tự chịu trách của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan. Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới ỳ trệ, đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra để cấp dưới thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Để 'bếp lò' cải cách hành chính: đưa 'củi tươi' vào cũng phải cháy”. 

Về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai) đã nêu lại về vụ việc tại Đồng Tâm (Hà Nội), Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm. Nhưng đề đạt ý kiến, khiến nại của dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, tích tụ lại thành hiện tượng "tức nước, vỡ bờ".

"Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng như Chính phủ đã chỉ đạo sát sao trong việc giải quyết vụ việc Đồng Tâm. Tuy nhiên, 2,5 tháng nay người dân Đồng Tâm có kiến nghị về kết luận của Thanh tra Hà Nội nhưng chưa được cơ quan nào trả lời. Cuối tháng 6/2017, tôi đã gửi thư tới 7 vị lãnh đạo của Trung ương và Hà Nội, nhưng duy nhất chỉ có Thủ tướng Chính phủ trả lời. Thượng tôn pháp luật suy cho cùng cũng là củng cố lòng tin với người dân. Mong các cơ quan có trách nhiệm trả lời những kiến nghị của người dân", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

H.V/Báo Tin Tức