07:20 06/07/2016

Cải cách hành chính cần bước đột phá

Bước chuyển biến được ghi nhận trong công tác cải cách hành chính (CCHC) kể từ đầu năm 2016 là những chính sách thực sự vì dân, vì doanh nghiệp, nổi bật là các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua mạng internet, bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, cấp đổi giấy phép lái xe… theo hướng giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Một loạt chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2016 giúp nhiều bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Nhưng, từ văn bản đến thực tế vẫn cần sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn.

Thêm một tin vui đến với người dân bốn thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, chu trình cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân được thí điểm triển khai từ đầu năm 2016 đã mang lại kết quả khả quan. Người dân sau khi đăng ký khai sinh cho trẻ vào sổ giấy, cán bộ tư pháp xã nhập thông tin vào phần mềm. Sau khi kiểm tra hai lần, bảo đảm thông tin chính xác, cán bộ sẽ chuyển dữ liệu tới trung tâm của Bộ Tư pháp. Tiếp đó, họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha, họ tên mẹ… sẽ được chuyển sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Chỉ mất khoảng 5 phút, công dân sẽ nhận được giấy khai sinh, với mã số định danh cá nhân theo suốt cuộc đời.

Việc cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giảm giấy tờ tùy thân. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, trong 5.400 TTHC hiện hành, có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính khoảng 4.780 tỷ đồng/năm. Bởi vậy, đây quả là "cuộc cách mạng" trong phương thức quản lý dân cư của nước ta.

Quan trọng hơn, từ kết quả của việc cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân, đã mở ra hướng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đối với nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đặc biệt, quá trình thực hiện và thông tin tiến độ của các thủ tục liên quan tới dịch vụ hành chính công ngày càng trở nên công khai, thuận tiện hơn chỉ bằng những cú click chuột đã đặt nền móng hình thành chính phủ điện tử trong tương lai.

Dẫu vậy, vẫn không ít người dân, doanh nghiệp phàn nàn bị cán bộ thực thi công vụ dùng các quy định để nhũng nhiễu; rằng công việc chỉ được giải quyết sau khi chi tiền “bôi trơn”. Nói vậy để thấy rằng, nền hành chính của chúng ta vẫn chưa thực sự chuyển mình, chưa thể coi đó là nền hành chính trong sạch, mang tính phục vụ. Tức là nền hành chính chưa thích ứng được với sự phát triển, chậm đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển chung. Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi sự thay đổi về tư duy trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, những bất cập, sự trì trệ trong cải cách thủ tục hành chính, trước hết là do sự thiếu trách nhiệm, chính xác hơn là sự vô cảm của những người thực thi công vụ. Thực tế cho thấy, còn rất nhiều vụ việc, chỉ khi lãnh đạo cấp trên trực tiếp chỉ đạo phải giải quyết ngay vướng mắc cho người dân hoặc doanh nghiệp, thì khi ấy cá nhân và đơn vị có trách nhiệm mới chịu vào cuộc? Rõ ràng, đó là tệ quan liêu, vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm vẫn tồn tại trong không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính. Trong khi đó, đơn vị, cá nhân vi phạm lại chưa được xử ký nghiêm minh. Đó chính là rào cản lớn trong công cuộc cải cách hành chính của nước ta hiện nay
Yến Nhi