08:11 07/08/2018

Cải cách hành chính bằng chính quyền thông minh thông qua Zalo

Chỉ trong nửa đầu 2018, cả nước có thêm 24 tỉnh thành triển khai Chính quyền thông minh qua Zalo và con số này hiện tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo thống kê đến tháng 7/2018, Việt Nam có 26 tỉnh, thành ứng dụng mô hình Chính quyền thông minh qua Zalo, trong đó đến 24 tỉnh thành triển khai đầu năm nay. Theo đánh giá của các tỉnh, thành triển khai mô hình này thì thời gian tích hợp thành công hệ thống chính quyền thông minh khá nhanh chóng, chỉ gói gọn trong vòng hai tuần nhưng mang lại hiệu quả rất tích cực và lâu dài cho cả nhà nước và người dân.

Việc ứng dụng chính quyền thông minh trên Zalo giúp người dân lẫn cơ quan nhà nước tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian khi làm việc.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đánh giá, đây là bước tiến dài về cải cách thủ tục hành chính, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho" mà người dân vẫn kêu than lâu nay. Cũng theo nhận định của Báo điện tử Đảng Cộng sản, các mô hình được triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như hiện nay đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp với xu thế của cách mạng 4.0.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng đây là một chương trình quan trọng trong thời đại 4.0. Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử trên Zalo nhằm nâng cao hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân, giúp quá trình giải quyết thủ tục hành chính được thuận tiện hơn.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Đồng Nai vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trải nghiệm tính năng tra cứu hồ sơ trên Zalo và rất tâm đắc với việc tỉnh Đồng Nai triển khai ứng dụng Zalo vào cải cách hành chính, đáp ứng mô hình xây dựng chính quyền điện tử 4.0.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc ứng dụng mạng xã hội vào chính quyền điện tử của tỉnh Đồng Nai đã đem đến sự thuận tiện nhanh chóng cho người dân, tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao tính công khai minh bạch.

Anh Huỳnh Nhật Quang (tỉnh An Giang) cho biết anh rất hài lòng với việc ứng dụng công nghệ, mạng xã hội vào thủ tục hành chính. Cụ thể với chính quyền điện tử trên Zalo chỉ với thao tác quét mã QR hoàn toàn miễn phí, anh có thể tra cứu rất nhanh, giúp giảm bớt thời gian và công sức đi lại.

Người dân có thể tra cứu được thông tin trên ứng dụng Zalo một cách thuận tiện.

Chị Trịnh Thị Phương Hiền – một người dân khi đến làm hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Thuận, cũng cho hay từ khi triển khai cải cách hành chính qua Zalo, mọi giao dịch với chính quyền trở nên thuận lợi hơn và người dân được phục vụ tốt hơn. “Qua Zalo, tôi có thể theo dõi được hồ sơ đang được chuyên viên thuộc Sở nào xử lý, tình trạng ra sao và cập nhật nhanh ngày nhận kết quả nếu hồ sơ được giải quyết xong sớm hơn dự tính”, chị Hiền cho biết.

Theo nhận định của các tỉnh, thành ứng dụng mô hình này, ưu điểm lớn nhất trong việc cải cách hành chính đó là người dân có thể tra cứu và nhận kết quả của hơn 2.000 thủ tục hành chính như: đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh, cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký giấp phép xây dựng, giấy sở hữu nhà đất… thậm chí cả kết quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp.

Như vậy, thay vì phải trực tiếp đến trung tâm hành chính, người dân có thể thực hiện các thao tác cực kì nhanh chóng và dễ dàng thông qua ứng dụng Zalo ngay trên điện thoại. Chính quyền các tỉnh, thành cũng có thể chủ động gửi các thông tin quan trọng tới người dân một cách nhanh chóng và đầy đủ, chính xác.

Không chỉ dừng lại ở mức tra cứu, nhận kết quả hồ sơ, một số địa phương đã có kế hoạch cho người dân làm thủ tục trực tiếp trên Zalo bằng cách điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua Zalo đến trung tâm hành chính công của tỉnh. Nếu thành công, mô hình này sẽ giải quyết triệt để những rào cản trong công tác cải cách hành chính hiện tại, tạo ra kết quả đột phá cho cả chính quyền lẫn người dân.

Hải Yên/Báo Tin tức