12:15 03/12/2010

Cài bẫy Hitler kỳ cuối:

Sáng 6/6/1944, nhận được tin báo Normandy bị tấn công, Rommel không kịp hôn từ biệt vợ, vội vàng lên đường sang Pháp. Chín giờ tối hôm đó, Rommel mới có mặt ở Bộ Tư lệnh mặt trận phía tây ở St-Germain-en-Laye, thuộc ngoại ô Pari.

Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.

Kỳ cuối: Tiếng chuông báo tử của Hitler

Sáng 6/6/1944, nhận được tin báo Normandy bị tấn công, Rommel không kịp hôn từ biệt vợ, vội vàng lên đường sang Pháp. Chín giờ tối hôm đó, Rommel mới có mặt ở Bộ Tư lệnh mặt trận phía tây ở St-Germain-en-Laye, thuộc ngoại ô Pari. Sau khi thảo luận cùng với mấy viên tướng Đức, Rommel báo cáo tình hình với Hitler. Từ bỏ ý định hối thúc Hitler triển khai thêm hai sư đoàn thiết giáp nữa ở bờ biển phía tây của Pháp, nơi mình đảm trách nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng ngự, Rommel yêu cầu Hitler khẩn cấp ra lệnh điều động hai sư đoàn xe tăng tinh nhuệ, tăng viện cho Normandy.

Một boongke, lô cốt của quân Đức ở Normandy khi xưa giờ thành điểm tham quan.

Tuy nhiên, Hitler đã trả lời rằng việc này không thể manh động, cần có thời gian cân nhắc và phải xem xét tình hình phát triển ra sao mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng thực tế cho thấy ngay cả khi tiền tuyến báo về rằng quân Đồng minh đã đưa được một lực lượng khá lớn lên bờ và triển khai chiến đấu sâu vào trong nội địa được vài km, Hitler vẫn không tin rằng Normandy là hướng tấn công chính, mà coi đây là kế điệu hổ ly sơn của quân Đồng minh.

Không chỉ Rommel, bằng sự mẫn cảm và kinh nghiệm chinh chiến, ngay từ khi quân Đồng minh mở màn Chiến dịch Bá vương, Runstedt cũng nhận thấy ý đồ thực sự của quân Đồng minh. Runstedt yêu cầu Hitler điều động 17 sư đoàn ở nơi khác về Normandy để tiến hành phản kích. Ngày 9/6/1944, tình báo quân Đồng minh phát hiện hai sư đoàn thiết giáp thuộc lực lượng vũ trang SS đóng ở Ba Lan và tập đoàn quân số 15 của Đức đồn trú tại Calais, bắt đầu di chuyển về hướng Normandy. Quân Đức cũng bất ngờ thay đổi mật mã liên lạc, sử dụng bộ mã mới làm bó tay lực lượng mã thám của quân Đồng minh. Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy dường như Hitler đã đồng ý với đề nghị của Runstedt và nó khiến quân Đồng minh đứng ngồi không yên.

Đúng lúc này, một sự việc ngẫu nhiên đã xảy ra. Quân Đức vớt được xác của hai sĩ quan Mỹ ở bãi biển Omaha thuộc Normandy cùng phương án tác chiến đổ bộ của quân đoàn 5 và quân đoàn 7 của Mỹ trên người họ. Người Đức chợt nhớ đến một sự kiện xảy ra năm 1943. Số là trước khi đổ bộ lên Sicily, quân Đồng minh đã cho cài vào xác một viên sĩ quan bị chết đuối kế hoạch đổ bộ lên đảo Sardinia, rồi tìm cách làm cho tài liệu “tuyệt mật” này rơi vào tay Béclin. Kết quả, quân Đức đã bị lừa, điều động lực lượng tăng cường cho Sardinia, làm yếu đi trông thấy khả năng phòng thủ của Sicily, tạo điều kiện cho quân Đồng minh đánh chiếm Sicily một cách dễ dàng.

Để giành được chiến thắng ở Normandy, hàng vạn người đã ngã xuống.

Cho rằng quân Đồng minh lại dùng “bài” cũ, cộng thêm những tin tức có được từ các điệp viên cài cắm ở các nước Đồng minh, lực lượng tình báo và Bộ trưởng Tác chiến thuộc Bộ Thống soái Tối cao Alfred Jodl cùng chung quan điểm: Calais mới là hướng tấn công chính của quân Đồng minh. Rốt cuộc, trong hội nghị quân sự ngày 9/6/1944, Hitler đã thay đổi kế hoạch phản kích.

Ngày 10/6/1944, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Marshall bay sang Luân Đôn tham dự cuộc họp thảo luận với giới chức quân đội Anh liệu có nên sử dụng không quân ném bom những cây cầu bắc trên sông Seine (Pháp), kể cả những cây cầu ở thủ đô Pari nhằm ngăn bước tiến của viện quân Đức. Gần nửa đêm hôm đó, viên thư ký trình các đại biểu bản tin tình báo tuyệt mật vừa nhận được: “Hitler ra lệnh cho tập đoàn quân số 15 trở về Calais, các lực lượng khác của Đức nhanh chóng tăng viện cho Calais”. Tất cả mọi người như trút được gánh nặng. Dù khi đó quân Đồng minh vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Đức ở Normandy, nhưng ai cũng tin rằng thắng lợi đã nắm chắc trong tay.

Hai ngày sau, quân Đồng minh đã thiết lập được trận địa vững chắc ở Normandy. Năm khu vực đổ bộ gồm các bãi biển: Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword đã liên kết thành một tuyến. Rất nhanh sau đó, cái mà Hitler gọi là “Bức tường thép Đại Tây Dương” sụp đổ hoàn toàn. Bắt đầu từ đây, nước Đức bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm: Liên Xô ở phía đông và Anh, Mỹ ở phía tây. Hồi chuông báo tử của Đệ tam Đế chế nói chung và tên trùm phát xít Hitler nói riêng bắt đầu gióng lên.

Gia Hân (Tổng hợp)